Điểm báo tuần số 303 từ ngày 18-02 đến ngày 23-02 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 25/02/2019, 17:31 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Công an nhân dân, Đại đoàn kết, An ninh Thủ đô, Công an TP. Hồ Chí Minh (20-02) phản ánh các nội dung Hội nghị Kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương (CATW). Phát biểu kết luận Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, qua kết quả của Hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Đảng ủy CATW, có thể khẳng định tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy CATW là một tập thể đoàn kết, vững vàng, kiên định, phát huy trí tuệ tập thể, thống nhất ý chí, hành động, nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt công tác công an; tất cả các vấn đề đều đưa ra xin ý kiến thống nhất của tập thể, quyết nghị theo đa số, trên tinh thần công tâm, khách quan. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đều vì công việc chung, mục đích làm cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), xây dựng lực lượng Công an đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của tình hình. Ban Thường vụ Đảng ủy CATW đã quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia, TTATXH và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp quan trọng về bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và đồng chí Thủ tướng Chính phủ tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy CATW đã thường xuyên có những đóng góp quan trọng vào các quyết định của tập thể và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng Công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua kiểm điểm, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy CATW cũng đã tiếp thu ý kiến đóng góp của tập thể, đồng thời đề ra phương hướng khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác công an năm 2019.
 
Hội nghị Kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương
Hội nghị Kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương
    Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Công lý, Nhà báo và Công luận, VietNamNet, Đài TNVN (20-02) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp vừa thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Bùi Thanh Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trung Ngay, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Trong thời gian làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ông Nguyễn Trung Ngay đã không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật về đất đai, gây thiệt hại ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng. Ông Bùi Thanh Hồng có khuyết điểm, vi phạm: Là Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, chủ đầu tư công trình xây dựng nhưng chủ quan, đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị trúng thầu điều chỉnh tăng đơn giá làm mặt đường đá cấp phối, gói thầu xây dựng đường nội bộ, vỉa hè, cây xanh, thảm cỏ dẫn đến thanh toán thừa cho nhà thầu gần 200 triệu đồng; đồng ý cho sản xuất thêm 10 chương trình game show chưa đúng quy định; để Trung tâm Dịch vụ Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp thỏa thuận với đối tác giảm số tiền của 2 hợp đồng quảng cáo, gây thất thu cho đơn vị.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Hải quan, Hà Nội mới, Dân trí, Đài TNVN (20-02) đưa tin, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCÐ 389) đã làm việc với Văn phòng Thường trực BCÐ 389. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, trong năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 234 nghìn vụ việc vi phạm (tăng 4% so cùng kỳ), thu nộp ngân sách hơn 19 nghìn tỷ đồng, khởi tố 1.446 vụ án/ 1.656 đối tượng. Những thành tích này có sự đóng góp quan trọng của Văn phòng Thường trực BCÐ 389, tuy nhiên, công tác này vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản; hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phía Bắc và Tây nam có dấu hiệu gia tăng. Các vụ việc phát hiện, xử lý trong năm 2018 chủ yếu là các vụ việc nhỏ, xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, chưa có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm,… Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, giúp việc cho BCÐ 389; thực hiện tốt việc phối hợp giữa các lực lượng liên ngành để thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác; xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Văn phòng cần phối hợp các đơn vị, lực lượng chức năng hoàn thiện cơ chế, chính sách, không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật để buôn lậu, sản xuất hàng giả, kém chất lượng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc trau dồi bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, không để các đối tượng buôn lậu câu kết với cán bộ làm chỗ "chống lưng", chỗ dựa cho các đối tượng buôn lậu. Phó Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng tham mưu BCÐ 389 ban hành kế hoạch đấu tranh chống các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để sản xuất, kinh doanh hàng hóa trái phép; chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, thực phẩm chức năng giả và tổ chức thực hiện ngay sau khi được ban hành. Ðồng thời, ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng và triển khai thực hiện,…
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Đầu tư, Công lý, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (21-02) đồng loạt đăng tải nội dung Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công; cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi); nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật giáo dục (sửa đổi), và cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thường trực các Ủy ban liên quan của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các dự án Luật quan trọng được xem xét tại phiên họp lần này. Đồng thời, Ủy ban Tài chính và Ngân sách hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để sớm ký ban hành.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Thanh Niên, VietNamNet, Đài THVN (22-02) cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 11-QÐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại khi cần; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh của dân; ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân; phối hợp với các cơ quan, tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn cho việc tiếp dân; định kỳ quý, sáu tháng, chín tháng, năm hoặc đột xuất trực tiếp làm việc với bí thư cấp ủy cấp dưới trực tiếp và thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp có liên quan về tình hình và kết quả công tác tiếp dân; báo cáo tình hình kết quả tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân lên cấp ủy và các cơ quan cấp trên. Mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất một ngày; người đứng đầu cấp xã tiếp dân ít nhất hai ngày và tiếp đột xuất trong các trường hợp vụ việc phức tạp, nổi cộm, kéo dài hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Xây dựng, Hà Nội mới, Người lao động, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (22-02) đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Kết quả cụ thể về cải cách thể chế, việc xây dựng văn bản quy định chi tiết đã có sự chuyển biến tích cực khi số lượng văn bản nợ ban hành chỉ còn 4 văn bản. Tính đến cuối năm ngoái, Ban Chỉ đạo cũng đã tham mưu Chính phủ khóa XIV ban hành 28/30 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 6 cơ quan thuộc Chính phủ. Qua đó, nhiều đơn vị đã giảm mạnh đầu mối, như Bộ Công an đã sắp xếp, bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp vụ và gần 300 đơn vị cấp phòng; Bộ Nội vụ đã giảm 14 đơn vị cấp phòng thuộc vụ và tương đương. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2018, mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân Việt Nam tăng 29 bậc. Định hướng giải pháp năm 2019, Thủ tướng nêu rõ, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật; sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, một số Nghị định của Chính phủ, trong đó có Nghị định 59 về theo dõi thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành Bộ tiêu chí để theo dõi, đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật tại các bộ, ngành, các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tốt các hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý và đặc biệt là chú trọng, nâng cao chất lượng một cửa, một cửa liên thông. Cần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị công lập theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn chặt chẽ với tinh giản biên chế. Tập trung cải cách công vụ, công chức. Xây dựng khung khổ pháp luật về Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nghiên cứu cách thức để tiến tới giao kết quả cải cách thủ tục hành chính như là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ hằng năm trong thi đua.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-02) cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp Phó Chủ tịch Cơ quan chống tham nhũng thuộc Tổng thống Liên bang Nga, ông Alexander Anikin. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga trong thời gian qua. Hai cơ quan đã có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả thông qua việc trao đổi các đoàn công tác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phòng, chống tham nhũng. Khẳng định Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hai cơ quan tiếp tục tăng cường hợp tác về phòng, chống tham nhũng, trao đổi kinh nghiệm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ mong muốn hai cơ quan sớm ký kết nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác trong thời gian tới.
 
    Báo Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Hồ Chí Minh, TTXVN (19-02) phản ánh các nội dung kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đồng Nai: Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai là người quản lý và chỉ đạo trực tiếp đối với Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và “Dự án nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP”. Trong dự án này, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai làm chủ trì đề tài, Công ty Trí Nguyễn (có thành viên góp vốn là bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, vợ ông Phạm Văn Sáng) là đơn vị phối hợp và tham gia. Dự án tiêu tốn hơn 28 tỷ đồng từ ngân sách và hiện tại, Công ty Trí Nguyễn đã chiếm dụng toàn bộ 5 nhà màng của dự án để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mang lại lợi ích cho công ty này, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước… Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai để làm rõ, xử lý theo quy định.
 
    Báo Nhân Dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tuổi Trẻ (20-02) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk ban hành cáo trạng truy tố bị can Phan Xuân Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Êa Phê về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, tháng 5-2015, do có quen biết nên một người dân đã nhờ ông Hạnh "chạy việc" cho con mình. Ông Hạnh đã nhận 210 triệu đồng của người này và viết giấy biên nhận cho chị Bùi Thị Thùy Lê vào biên chế giáo viên dạy toán tại nơi ông Hạnh làm hiệu trưởng. Sau đó, chị Lê được Trường THCS Ea Phê ký hợp đồng lao động, nhưng đến năm 2017, biết ông Hạnh không xin cho mình vào được biên chế như thỏa thuận nên chị Lê đòi lại tiền, ông Hạnh chỉ chuyển trả 80 triệu đồng. Sau đó, chị Lê làm đơn tố cáo đến Huyện ủy Krông Pắc nên ông Hạnh mới chuyển trả đủ số tiền đã nhận. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Pắc có văn bản yêu cầu công an phải thụ lý điều tra lại vụ án này. Ông Hạnh đã nghỉ hưu theo quy định rồi bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú.
 
    Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Người đưa tin, Tuổi Trẻ, Đài TNVN, TTXVN (20-02) dẫn thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, đã hoàn tất cáo trạng, chuyển Tòa án nhân dân cùng cấp truy tố ông Võ Thanh Tùng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa, nguyên Trưởng Phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Cùng bị truy tố về tội danh trên còn có bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, nguyên kế toán Phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa. Ngoài ra, ông Nguyễn Công Trinh, nguyên Phó phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo hồ sơ, trong thời gian giữ chức Trưởng Phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa, ông Tùng cấu kết với bà Ngọc chi khen thưởng cho các ấp, khu phố đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa thấp hơn số kinh phí đã quyết toán, chiếm đoạt số tiền chênh lệch hơn 700 triệu đồng.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (21-02) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Thân Thái Phong, nguyên Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi; Nguyễn Tuấn Sơn, Kỹ thuật viên, trưởng khoa dinh dưỡng, bệnh viện Tâm thần Trung ương I về hành vi Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ để làm hồ sơ bệnh án tâm thần giả cho đối tượng hình sự. Cáo trạng nêu rõ, Thân Thái Phong đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thông qua Nguyễn Tuấn Sơn để nhận hối lộ số tiền là 85 triệu đồng của Lê Thanh Tùng để làm bệnh án tâm thần giả cho Tùng với mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự trong vụ án khác. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử Thân Thái Phong về tội Nhận hối lộ; Nguyễn Tuấn Sơn về tội Môi giới hối lộ và Lê Thanh Tùng về tội Đưa hối lộ.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Giao thông, Đấu thầu, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (21-02) phản ánh, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 11 bị cáo trong vụ án thất thoát hơn 1.800 tỷ đồng xảy ra tại Vietcombank Tây Đô, trong đó có Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc; Trần Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Tín dụng và Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên cán bộ Vietcombank Tây Đô. Các bị cáo này đã ký và thực hiện 56 hợp đồng tín dụng cho 41 doanh nghiệp thuộc sáu nhóm khách hàng với tổng số tiền giải ngân trên 2.467 tỷ đồng vay vốn. Hành vi này đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Vietcombank tổng số tiền hơn 1.838 tỷ đồng. 
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động (21-02) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tiến hành xét xử sơ thẩm 6 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang. Trong số các bị cáo có: Võ Trường Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Hậu Giang; Đặng Hoàng Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Huỳnh Văn Thông; nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Lương thực Hậu Giang. Các bị cáo đã có hành vi ký hợp đồng xuất khẩu gạo không thông qua Hội đồng quản trị, lập khống các hợp đồng mua bán gạo, ký các chứng tư quyết toán, thanh toán không đúng quy định gây  thất thoát, thiệt hại hơn 205 tỷ đồng.
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Đấu thầu, Đài TNVN (21-02) đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố 05 bị can liên quan đến vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Xổ số kiến tỉnh Đồng Nai. Trong các bị can có ông Lâm Duy Tín, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai; bà Trần Thị Dung, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Nai để điều tra về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Nai để điều tra về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã xác định ông Minh và một số cá nhân khác đã chi sai nguyên tắc gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng điều tra vụ sai phạm của ông Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện thêm sai phạm khác, đó là Công ty cổ phần Bóng đá Đồng Nai hoạt động không hiệu quả nhưng nhiều năm tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục dùng nguồn tiền từ Công ty Xổ số kiến thiết để hỗ trợ, làm thất thoát nguồn vốn của Nhà nước gần 100 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Đắk Nông, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Nông nghiệp, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (21-02) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Kha, Phó trưởng Ban Dân vận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuy Đức, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tuy Đức; Nguyễn Thành Tuân, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Đắk R’Tíh; Trần Trọng Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, nguyên cán bộ địa chính xã Đắk R’Tíh; Nguyễn Hữu Sơn, cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tuy Đức; bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm, nguyên Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tuy Đức và Nguyễn Thành An, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tuy Đức để điều tra về hành vi vi phạm các quy định trong quản lý đất đai. Trước đó, các bị can xác nhận hồ sơ, tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất quốc phòng trái quy định cho nhiều người dân, trong đó phần lớn là người quen và người thân của các cán bộ lãnh đạo huyện. Các bị can cũng đã lập hồ sơ, tham mưu cấp 15 ha đất Chương trình 135 từ đất thuê sang cấp quyền sử dụng đất cho bà Trương Thị Thoại, vợ ông Trần Đình Mạnh, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, hiện giữ chức Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông… Vụ việc được các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông tiếp tục điều tra làm rõ.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Văn hóa, Xây dựng, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, Đài TNVN, TTXVN (23-02) đồng loạt đưa tin, căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được của vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam; khám xét đối với ông Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Đài Truyền hình Việt Nam (18-02) đưa tin, một tòa án ở Maldives đã phát lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Abdulla Yameen với cáo buộc phạm tội rửa tiền. Lệnh bắt giữ trên được đưa ra sau một phiên tòa bắt đầu quy trình tố tụng với cáo buộc ông Yameen đã nhận khoản tiền 1,5 triệu USD không rõ nguồn gốc ngay trước thời điểm ông Yameen thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 9-2018. Hiện tòa án đã ra lệnh đóng băng 6,5 triệu USD tiền gửi trong mọi tài khoản ngân hàng trong nước của ông Yameen. Tuy nhiên, giới chức Maldives tin rằng, hàng triệu USD đã bị ông Yameen tẩu tán ra nước ngoài và Maldives đang thương lượng với các ngân hàng nước ngoài để thu hồi nếu phát hiện vi phạm.
 
    Báo Lao Động (21-02) cho biết, cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy vừa bị Toà án Quân sự Trung Quốc tuyên án tù chung thân vì tội nhận và đưa hối lộ, sở hữu một lượng tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc, đồng thời bị tước quyền chính trị suốt đời và bị tịch thu tất cả tài sản cá nhân.
    
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân.
 
    - Khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn.
 
    - Xét xử 11 bị cáo trong vụ án thất thoát hơn 1.800 tỷ đồng xảy ra tại Vietcombank Tây Đô.
 
    - Khởi tố nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.