Điểm báo tuần số 299 từ ngày 21-01 đến ngày 26-01 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 29/01/2019, 08:44 [GMT+7]

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Hải quan, Pháp luật Việt Nam, Giáo dục, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN (22-01) thông tin về Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm 138 và Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 389. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xác định phòng chống tội phạm và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, về tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại thì phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần phải làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động bất ngờ trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt ở các cơ quan hành chính; tổ chức phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng làm công tác này.

Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Xây dựng, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23-01) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội chính đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Thời gian qua, ngành Nội chính đảng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là công tác tham mưu các chủ trương, định hướng lớn về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp (CCTP) được chú trọng. Ban Nội chính Trung ương đã xây dựng, hoàn thành năm đề án lớn, riêng năm 2018, hoàn thành ba đề án, trên cơ sở đó, đã tham mưu với Đảng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020... Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tham mưu, đề xuất cấp ủy ban hành hơn 6.300 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính, PCTN và CCTP. Ban Nội chính Trung ương thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tham mưu có hiệu quả cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng Trung ương tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo hướng vừa tham mưu về chủ trương, đường lối xử lý… Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biểu dương, đánh giá cao kết quả ngành Nội chính đạt được trong những năm qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, PCTN và CCTP, là "tai mắt" của Đảng về lĩnh vực này, trọng trách của ngành Nội chính đảng là phải phối hợp tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không cho phép ai làm trái quan điểm, Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Ban Nội chính Trung ương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tập trung tham mưu, đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương. Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia có hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ.

Báo Nhân Dân, Khánh Hòa, Công an nhân dân, Hà Nội mới, Thanh Niên, Đài TNVN (23-01) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai đối với bị cáo Phan Văn Bình, sinh năm 1972, trú tại xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cùng với các cáo buộc của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị mức án 13 đến 14 năm tù đối với bị cáo, Hội đồng xét xử nhận định, những hành vi của Bình đủ yếu tố phạm tội với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xâm phạm đến an ninh quốc gia, đi ngược với lợi ích dân tộc, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, cần phải cách ly khỏi xã hội một thời gian để giáo dục. Kiểm tra tài khoản Facebook của Bình, cơ quan chức năng phát hiện bị cáo đăng tải nhiều bài viết có nội dung bôi nhọ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, kích động, kêu gọi mọi người ủng hộ, tham gia tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" để hoạt động, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phan Văn Bình 14 năm tù.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Xây dựng, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24-01) đồng loạt phản ánh nội dung Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Năm 2018, ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhiệm vụ do cấp ủy giao; đồng thời tích cực, chủ động triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định. Toàn ngành thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm; thực hiện trong thời gian ngắn, xử lý đúng người, đúng vi phạm, kiến nghị thu hồi và thu hồi hàng nghìn tỷ đồng và nhiều tài sản thất thoát về cho Nhà nước, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, khắc phục những bất cập, chồng chéo, sơ hở của các quy định, cơ chế, chính sách. Với tinh thần quyết tâm, bản lĩnh, không ngại va chạm, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, kết luận, làm rõ nhiều vụ việc, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng quy định nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có những đảng viên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước... Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và những kết quả quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Phân tích nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế. Dự báo tình hình, đồng chí lưu ý, năm 2019 là năm rất quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm năm 2016-2020, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta xác định, phải tiếp tục tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt; tập trung đấu tranh ngăn chặn những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Theo Chủ tịch Quốc hội, đảng viên dù ở cương vị công tác nào khi vi phạm đều phải xử lý nghiêm. Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Chia sẻ những khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí của người cán bộ kiểm tra - người lính xung kích trên mặt trận đấu tranh với sai phạm, tiêu cực trong Đảng.

Báo Nhân Dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25-01) cho biết, Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII) họp phiên thứ nhất. Tại phiên họp, các thành viên của Tiểu ban đóng góp một số ý kiến liên quan đến dự thảo Quy chế làm việc và Kế hoạch công tác của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII; dự thảo Kế hoạch kiểm tra thực hiện Điều lệ Đảng; Tờ trình của Tiểu ban Điều lệ Đảng về Đề cương Báo cáo tổng kết thực hiện Điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Tờ trình của Tiểu ban Điều lệ Đảng về bố cục Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, giai đoạn 2016-2020. Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên trong Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII. Đồng chí nhấn mạnh, việc xây dựng Quy chế làm việc của Tiểu ban cần bám sát thẩm quyền, trách nhiệm của Tiểu ban. Thời gian tới, các thành viên Tổ biên tập của Tiểu ban cần sớm hoàn thiện Đề cương Báo cáo tổng kết thực hiện Điều lệ Đảng và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, giai đoạn 2016-2020, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra, khảo sát để hoàn thiện các văn kiện trình Ban Chấp hành Trung ương.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Bảo vệ pháp luật, Giáo dục, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Công Thương, Giao thông, Tuổi trẻ, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26-01) đưa tin về Lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ III năm 2018. Giải “Búa liềm vàng” lần thứ III được phát động từ tháng 3-2018, nhận được 1.825 tác phẩm tham gia ở các loại hình. Các tác phẩm tham dự giải đa dạng về thể loại, phong phú về chủ đề, nội dung bám sát những vấn đề thời sự, phản ánh sinh động thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong năm 2018… Từ 1.825 tác phẩm, hội đồng sơ khảo đã lựa chọn 101 tác phẩm thuộc các loại hình để đưa vào chấm chung khảo. Hội đồng chung khảo phát huy dân chủ, trao đổi, thảo luận thống nhất chọn ra 56 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó có 4 giải A, 10 giải B, 15 giải C, 25 giải Khuyến khích và 2 giải mới là Giải cho tác phẩm xuất sắc của tác giả cao tuổi, Giải cho tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi. Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cấp ủy tổ chức Đảng cần tăng cường lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, các nhà báo và cộng tác viên tích cực học tập, quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, đi sâu, đi sát thực tế, để kịp thời phản ánh thực tiễn hết sức sinh động ở cơ sở. Đồng thời, tuyên truyền đầy đủ chính xác và có hiệu quả để nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ những chủ trương đường lối của Đảng, phát hiện kịp thời những vấn đề cần chấn chỉnh…

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Công lý, Thanh tra, Xây dựng, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Dân trí, Vnexpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21-01) đồng loạt phản ánh các nội dung Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 và nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay; bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là năm 2018, công tác PCTN tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả toàn diện. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về PCTN có bước tiến mới quan trọng; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của Đảng, Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã đưa ra xét xử sơ thẩm 36 vụ/498 bị cáo. Riêng năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017); đã truy tố 20 vụ/ 251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần số vụ so với năm 2017), với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình (có 05 bị cáo (4 người) bị phạt tù chung thân; 09 bị cáo phạt tù trên 20 năm đến 30 năm tù...). Đặc biệt, các cơ quan tố tụng khẩn trương điều tra, truy tố, đưa ra xét xử 10 đại án lớn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm… Năm 2019 và những năm tới, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN. Chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những lĩnh vực còn chậm, còn khó khăn, vướng mắc. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được khởi tố, điều tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới…

Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Báo Lao Đng, Bảo vệ pháp luật, Đài THVN, Đài TNVN (21-01) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa phê chuẩn khởi tố bị can Nguyễn Lợi, nguyên Trạm trưởng Trạm quản lý rừng số 1, thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Wil để điều tra về hành vi nhận hối lộ của trùm gỗ lậu Phượng “râu”. Cơ quan điều tra xác định, ông Lợi đã nhận nhiều tiền của Phượng "râu" để đối tượng vận chuyển gỗ lậu qua địa phận mình quản lý… Liên quan đến trùm gỗ lậu Phượng "râu", hàng chục cán bộ kiểm lâm tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã bị khởi tố bắt giam, nhiều người khác bị kỷ luật.

Báo Nhân Dân, Hà Nội mới, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Giao thông, Giáo dục Việt Nam, Nông nghiệp, Đài TNVN, TTXVN (21-01) dẫn nguồn tin từ UBND huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành bắt tạm giam Phùng Huy Tuấn, thủ quỹ và Vũ Hồng Phương, kế toán Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thanh Thủy. Đây là hai cán bộ đã “tiếp tay” cho Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy tham ô hơn 40 tỷ đồng từ tiền giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai xây dựng tuyến giao thông Thanh Thủy - Hòa Bình. Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Báo Tuổi Trẻ, Dân trí, Vnexpress (23-01) đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã chuyển kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố bị can Quách Vân Loan về tội danh "Tham ô tài sản". Theo kết luận điều tra, từ tháng 10-2012 đến tháng 11-2015, lợi dụng vị trí cán bộ chuyên trách giảm hộ nghèo, tăng hộ khá và là thành viên kiêm kế toán ban giảm hộ nghèo, tăng hộ khá Phường 11, Quận 6, Quách Vân Loan đã lập 267 hồ sơ khống vay vốn quỹ xóa đói giảm nghèo, đồng thời thu hồi vốn vay quỹ xóa đói giảm nghèo nhưng không nộp vào tài khoản của Ban Chỉ đạo giảm hộ nghèo Quận 6 mà chiếm đoạt tổng số tiền gần 7,4 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Báo Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Tiền Phong, Công lý, Giao thông, Hà Nội mới, Người đưa tin, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên (23-01) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án phạt 4 bị cáo trong vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Công ty BSR). Theo đó, Vũ Mạnh Tùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty BSR nhận 08 năm tù; Nguyễn Hoài Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty BSR nhận 07 năm tù; Phạm Xuân Quang, nguyên Kế toán trưởng Công ty BSR nhận 06 năm tù và Đinh Văn Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSR nhận 4 năm tù. Bản án sơ thẩm nhận định, số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt là hơn 10 tỷ đồng; hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tài chính tiền tệ của Nhà nước, cần có mức phạt nghiêm khắc để trừng trị và phòng ngừa chung cho xã hội.

Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Người lao động, Thanh Niên, Đài THVN, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (25-01) dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Tài, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Trần Nam Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Rum, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Vy Nhật Tảo, Nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh, về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tài liệu điều tra xác định các bị can đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh với Công ty Diệp Bạch Dương gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước. Hiện nay, C03 đang tập trung lực lượng điều tra làm rõ, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Giao thông, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN (25-01) đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc xử lý kỷ luật cán bộ đối với Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP.Thanh Hoá. Theo đó, căn cứ vào kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP.Thanh Hoá đã có hành vi vi phạm kỷ luật, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thi hành kỷ luật Đại tá Nguyễn Chí Phương bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công an, hành vi nhận tiền từ ông Đỗ Đức Hiếu (nguyên cán bộ thuộc Đội Cảnh sát trật tự Công an thành phố Thanh Hóa) của Đại tá Nguyễn Chí Phương là có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ.

TIN QUỐC TẾ

Báo Thanh tra (23-01) đưa tin, ông Andry Rajoelina trở thành Tổng thống Madagascar sau khi Tòa án Hiến pháp Cấp cao Madagascar bác bỏ mọi khiếu nại về kết quả bầu cử. Ứng cử viên đối thủ và cựu Tổng thống Marc Ravalomanana đã cáo buộc có sự gian lận lớn trong ngày bầu cử, nhưng sau đó đã chúc mừng chiến thắng của ông Rajoelina. Ông Andry Rajoelina tuyên thệ và hứa sẽ thành lập các cơ quan độc lập để chống tham nhũng trên diện rộng tại quốc đảo Ấn Độ Dương này.

Báo Tuổi Trẻ (24-01) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hối thúc các nước thành viên siết chặt quy chế "hộ chiếu vàng" và "thị thực vàng" cho các nhà đầu tư nước ngoài, cảnh báo việc này sẽ tạo điều kiện để tham nhũng và rửa tiền tràn vào. Các nước Bulgaria, Cyprus và Malta có những chính sách cho phép cấp quyền công dân cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không bắt buộc những người này phải sống tại nước đó hoặc thậm chí "không có mối liên hệ thực chất nào" với nước họ có quyền công dân. Một nguy cơ khác là việc cấp quy chế cư trú của các nước EU đang thiếu "tính minh bạch và cơ chế giám sát". EC cảnh báo sẽ có hành động phù hợp nếu chính sách này của các nước vi phạm luật pháp và quy định của EU về an ninh biên giới, rửa tiền và trốn thuế. 

Thông tin đáng chú ý trong tuần:

- Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

- Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội chính đảng.

- Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp phiên thứ nhất.

- Khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Tài, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

- Thi hành kỷ luật Trưởng Công an thành phố Thanh Hoá bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân.

BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

.