Điểm báo tuần số 297 từ ngày 07-01 đến ngày 12-01 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 14/01/2019, 16:36 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (08-01) đồng loạt phản ánh nội dung phiên đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện, nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng dự kiến sẽ tiến hành vào quý I-2021. Đây là sự kiện chính trị trọng đại có ý nghĩa rất quan trọng, đúng 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) và 10 năm Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm Ngày thành lập Nước vào năm 2045. Đại hội XIII sẽ đánh dấu mốc quan trọng, định hướng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; quan trọng nhất là tư tưởng chỉ đạo và nội dung báo cáo. Tinh thần là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiên định và đổi mới. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa kế thừa và phát triển cả trong nhận thức và hành động; giữa lý luận và thực tiễn, tiếp tục từng bước hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, dứt khoát quán triệt tinh thần phải đổi mới, nhưng đổi mới có nguyên tắc, không được xa rời nguyên tắc, không được chệch hướng, đổi mầu; hội nhập, nhưng không hòa tan. Phiên họp đầu tiên này tập trung bàn định hướng, thống nhất tư tưởng chỉ đạo, yêu cầu đặt ra trong việc chuẩn bị các báo cáo để bảo đảm có chất lượng cao nhất. Các thành viên của Tiểu ban Văn kiện cần chủ động bám sát kế hoạch hoạt động và chương trình làm việc, để năm 2020 phải có báo cáo dự thảo gửi đại hội đảng bộ các cấp; cuối năm 2020 phải hoàn thành sản phẩm phục vụ Đại hội. Công việc đi khảo sát thực tế cần có chủ đích; trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, thấy có vấn đề gì vướng mắc thì đi khảo sát, tìm hiểu thực tế sao cho thiết thực,...
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Biên Phòng, Tiền Phong, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, TTXVN (08-01) đưa tin, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội năm 2019. Tại hội nghị, Quân ủy Trung ương tiến hành đóng góp ý kiến đối với tập thể Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, các đồng chí trong Thường vụ Quân ủy Trung ương và các đồng chí Ủy viên Quân ủy Trung ương là Thứ trưởng Quốc phòng; cho ý kiến về các dự thảo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 791-NQ/QUTW ngày 30-12-2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo. Năm 2018, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cùng cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; bám sát thực tiễn, phát huy dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới, chỉ đạo toàn quân hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, tập trung đột phá thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác, trong đó, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam trong năm 2018, đóng góp tích cực vào thành tựu chung về kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong năm 2019 và những năm sắp tới, Quân ủy Trung ương và quân đội nói chung phải nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tính chiến đấu mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa, cần có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực còn yếu kém hoặc chưa làm tốt; trên nền tảng tư tưởng chiến lược, Quân đội tiếp tục tập trung nghiên cứu, nắm chắc, đánh giá chính xác, dự báo đúng và sớm tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tuyệt đối không được chủ quan và để bị động bất ngờ, nhất là đối với các địa bàn chiến lược, trọng điểm cũng như trong lĩnh vực chống diễn biến hòa bình; các đơn vị quân đội cần làm tốt công tác phối hợp, bảo đảm an ninh, chính trị nội bộ; tích cực đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần xử lý kiên quyết, dứt điểm, quyết liệt hơn những bất cập, hạn chế, nhất là những vụ việc tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, với tinh thần không sợ mất uy tín của quân đội và không sợ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, chống phá. Nếu chúng ta làm tốt thì chính là đã nâng cao uy tín và bác bỏ các luận điệu xuyên tạc. Việc nâng cao chất lượng, tổ chức bài bản các hoạt động đối ngoại, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, vô hiệu hóa các âm mưu, thế lực thù địch cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng quân đội trong năm 2019.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị Quân chính toàn quân
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị Quân chính toàn quân
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ,  Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền Phong, Nông nghiệp, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (09-01) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 của ngành Kiểm sát nhân dân. Năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã triển khai các biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, nhất là các quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự; đã kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường phối hợp chặt chẽ cơ quan điều tra ngay từ khi giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng. Chủ trì xây dựng, ban hành thông tư liên tịch về công tác giám định để tháo gỡ vướng mắc trong xác định hậu quả các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Ðặc biệt, trong thời gian ngắn, đã tập trung phối hợp điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, được Ðảng và nhân dân ghi nhận, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với sự nỗ lực phấn đấu, đổi mới trong công tác lãnh đạo, quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội giao; kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp thuộc trách nhiệm của ngành kiểm sát được tăng cường, tạo môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân. Thời gian tới, ngành kiểm sát cần tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tư pháp. Có giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội và tranh tụng trong xét xử. Chủ động, phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm. Tích cực đề xuất, triển khai các biện pháp nhằm thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân,  Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Giáo dục, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Đài THVN, TTXVN (09-01) phản ánh các nội dung Hội nghị về công tác giám sát việc thi hành chính sách pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng do Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, đánh giá thời gian qua công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không được đảm bảo, duy trì đà tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không; Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban phải đề ra các định hướng, giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm giúp công tác phối hợp đảm bảo an ninh hàng không đạt hiệu quả cao hơn nữa. Đây là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động,  Thanh tra, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10-01) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 30. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi); xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính hai xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Xem xét, quyết định việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
 
    Báo Nhân Dân, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, VietNamNet (11-01) dẫn thông tin từ Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, đã thi hành kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Phạm Sáu, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Nguyên nhân bị kỷ luật là do đồng chí Phạm Sáu thiếu trách nhiệm khi chậm chỉ đạo ban hành và sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của chi bộ; ký ban hành quy chế làm việc của chi bộ có nội dung không đúng Quy định số 29 của Ban Chấp hành Trung ương; chấp hành không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và Hướng dẫn số 01 của Ban Bí thư, ký nhận xét vào bản kiểm điểm của đảng viên để chuyển sinh hoạt Ðảng không thông qua chi ủy; trong sinh hoạt chi bộ, có lời nói thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho đảng viên, làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong chi bộ. Ðồng chí Phạm Sáu còn vi phạm Quy định số 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, thiếu gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, chấp hành không nghiêm quy chế làm việc của cơ quan.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-01) đồng loạt thông tin về Hội nghị Quân chính toàn quân, tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức. Năm 2018, Quân ủy Trung, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân tập trung đột phá thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; xây dựng, hoàn thiện đường lối, pháp luật về quân sự, quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được mở rộng, đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đơn vị Quân đội phải thường xuyên cảnh giác, nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là những vấn đề phức tạp nảy sinh; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống; kiên quyết không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chủ động tham mưu, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước để xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; trong đó phải coi trọng hơn nữa xây dựng khu vực phòng thủ quân khu và các tỉnh, thành phố vững chắc. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh, nhất là trên các hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo. Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác; không để suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Thái Nguyên, Nhân Dân, Công lý, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (08-01) đưa tin, Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng Đoàn đã công bố dự thảo Báo cáo kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên. Dự thảo báo cáo cũng kiến nghị tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tăng cường kiểm tra giám sát đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; chủ động, tích cực xác minh, truy tìm tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm tra, giám sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương như: địa chính, xây dựng, ngân hàng, văn phòng đăng ký sử dụng đất…
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, Người đưa tin,Tuổi Trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Vnexpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08-01) cho biết, sau một thời gian vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau bắt tạm giam ông Phan Phương Đông, nguyên Trưởng Phòng khám và ông Đỗ Minh Thống, nguyên kế toán Phòng khám đa khoa khu vực Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vì liên quan đến việc tham ô tài sản và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị cáo đã sử dụng biên lai tự mua để thu viện phí; không báo cáo, thống kê số tiền thu viện phí bằng biên lai tự mua vào tài liệu kế toán, không trích nộp 35% số tiền thu viện phí vào ngân sách… với số tiền sai phạm hơn 800 triệu đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi  Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN (09-01) dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, trong quá trình mở rộng giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Oceanbank, đã khởi tố bị can đối với Vũ Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) về tội danh lạm dụng chức vụ. PVEP cũng đang phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện các thủ tục cần thiết về Đảng, về chính quyền đối với bà Lan theo đúng quy định. 
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (09-01) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai truy tố bị can Trần Thị Thúy Nga, Kế toán trưởng Trường THCS Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán về tội “Tham ô tài sản”. Quá trình điều tra, bà Nga khai nhận từ tháng 5-2016 đến tháng 12-2016 đã tự nâng hệ số lương, bảo hiểm, phụ cấp thâm niên của một số giáo viên cao hơn thực tế; lập hồ sơ đề nghị cấp bổ sung dự toán năm 2016 cao hơn thực tế 212 triệu đồng… Tổng số tiền mà bà Nga đã tham ô là 227,3 triệu đồng. 
 
    Báo Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Thanh Niên (10-01) cho biết,  Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV Đoàn Ánh Sáng và 05 bị can, gồm:  Ngô Duy Chính, nguyên Giám đốc BIDV và Nguyễn Xuân Giáp, nguyên Phó Giám đốc BIDV, Chi nhánh Hà Thành; Phạm Hồng Quang, nguyên Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành; Đặng Thanh Nam, nguyên cán bộ Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với Đoàn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.  Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với các bị can. Hiện Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, thu hồi tài sản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN (11-01) đưa tin, Tòa án huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Trần Văn Sơn, nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phú Quốc 05 năm tù giam và bị cáo Đỗ Ngọc Duẩn, nguyên cán bộ đo đạc thuộc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường tỉnh Kiên Giang bị phạt 2 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến 2017, các bị cáo này đã hợp tác dựng lên một kế hoạch để chiếm đoạt tiền đền bù giải tỏa khi nhà nước thu hồi đất làm dự án Khu Phức hợp Vịnh Đầm để chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng tiền Nhà nước.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (07-01) cho biết, Trần Cương, Phó Thị trưởng Bắc Kinh trong hơn một thập kỷ (từ năm 2006 đến 2017) đã bị bắt giữ vì nghi ngờ "vi phạm nghiêm trọng" kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước. Trần Cương đã sử dụng quyền hạn của mình để giúp Quách Văn Quý, một tỷ phú bất động sản có được các khoản vay và được chính phủ phê duyệt các dự án ở Bắc Kinh.  Quách Văn Qúy đã chạy trốn khỏi Trung Quốc từ năm 2014, hiện đang sống tại New York, Mỹ nhưng bị truy nã ở Trung Quốc vì các cáo buộc tham nhũng và cưỡng bức. Trần Cương còn có mối quan hệ mật thiết với Mã Kiến, cựu Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, người vừa bị Tòa án tại thành phố Đại Liên tuyên phạt tù chung thân cuối tháng trước vì tội tham nhũng. 
 
    Thông tấn xã Việt Nam (11-01) dẫn nguồn tin của Hãng tin Reuters cho biết, ông Tsunekazu Takeda, Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản đã bị truy tố tại Paris với tội danh tham nhũng liên quan đến việc Tokyo đăng cai Đại hội thể thao Olympic 2020. Ông Takeda bị truy tố ngày 10-12-2018 sau khi các thẩm phán điều tra xác minh một khoản chi đáng ngờ trị giá 2,3 triệu USD trước khi thủ đô của Nhật Bản được lựa chọn làm điểm đăng cai Olympic. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đang đẩy mạnh các nỗ lực điều tra tham nhũng. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    -  Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.  
 
    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành khai mạc Phiên họp thứ 30. 
 
    - Hội nghị Quân chính toàn quân, tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. 
 
    - Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố kết quả thu hồi tài sản tham nhũng tại tỉnh Thái Nguyên.
 
    - Bắt tạm giam nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV Đoàn Ánh Sáng. 
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.