Điểm báo tuần số 290 Từ ngày 19-11 đến ngày 24-11 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 26/11/2018, 17:02 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh Tra, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21-11) đồng loạt đưa tin về buổi bế  mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội  khóa XIV. Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 9 dự án luật và 1 Nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là những dự án luật quan trọng, được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, được chuẩn bị chu đáo, trong đó, dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5; dự án Luật giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai để xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan để tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước. Cũng tại kỳ họp này, trên cơ sở Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Về công tác nhân sự, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước; miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn; bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông  Nguyễn Mạnh Hùng.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV
    Báo Nhân Dân, Tuổi trẻ, Dân trí (23-11) thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết về kết luận giải quyết tố cáo đối với ông Lâm Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kiên Lương, thời điểm ông Lâm Tiến Dũng làm Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiên Lương đã có những sai phạm trong quản lý đất đai. Ông Lâm Tiến Dũng ký cấp đất nhưng không thông qua Ban Thường vụ Huyện ủy, trong khi bà Huỳnh Cẩm Hồng không phải là đối tượng được giao đất theo Nghị định 64, ngày 27-9-1993 của Chính phủ. Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang, bà Huỳnh Cẩm Hồng chính là vợ của ông Huỳnh Duy Minh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tiên. Tại thời điểm bà Huỳnh Cẩm Hồng được UBND huyện Kiên Lương cấp đất, ông Huỳnh Duy Minh là Bí thư Huyện ủy Kiên Lương. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang họp thống nhất ra tờ trình đề nghị Ban Chấp hành Tỉnh ủy Kiên Giang kỷ luật ông Lâm Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kiên lương bằng hình thức khiển trách và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định kỷ luật ông Huỳnh Duy Minh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tiên bằng hình thức khiển trách.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh Tra, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23-11) đồng loạt phản ánh các nội dung của Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khoá XII của Đảng. Hội nghị được truyền trực tiếp từ điểm cầu chính đặt tại phòng họp Diên Hồng, Toà nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội, tới 74 điểm cầu trong toàn quốc. Các đại biểu được nghe đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu, quán triệt Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, giới thiệu, quán triệt Kết luận số 37-KL/TW “Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019”; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Qua hội nghị, các đại biểu hiểu sâu, nắm chắc những vấn đề cơ bản, những vấn đề mới, cốt lõi, từ đó có thêm kiến thức làm tốt công tác giới thiệu, quán triệt các nội dung của Hội nghị Trung ương 8 cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau khi học tập, quán triệt các nội dung Hội nghị Trung ương 8, các cấp ủy, tổ chức đảng sẽ trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị mình.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, VietNamNet, Đài THVN (23-11) cho biết, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật giám định tư pháp. Sau 5 năm, công tác tổ chức thi hành luật được tiến hành kịp thời từ trung ương đến địa phương. Các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và thi hành luật; công tác giám định tư pháp có chuyển biến tích cực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng... Tuy nhiên, một số quy định của Luật giám định tư pháp đã bộc lộ sự chưa phù hợp với tình hình hiện nay, trong khi pháp luật tố tụng đã được sửa đổi, bổ sung, nên Luật giám định tư pháp cần phải sửa đổi, bổ sung cho thống nhất. Đặc biệt, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng thì một số vấn đề liên quan đến tổ chức, cơ chế hoạt động, quản lý giám định tư pháp cũng cần được xem xét, tính đến. Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ các quy định của Luật giám định tư pháp để phân loại những quy định hợp lý và những quy định còn bất cập để xác định rõ nguyên nhân xuất phát từ quy định của luật hay do công tác tổ chức thi hành hay do yêu cầu của tình hình mới đặt ra. Hội nghị đã đưa ra một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp: Sửa đổi, mở rộng quyền tự yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng để bảo đảm quyền tìm kiếm chứng cứ của người tham gia tố tụng; về thời hạn giám định, khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua; quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trách nhiệm của các cơ quan trưng cầu giám định; phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương và Bộ, ngành chủ quản.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Hà Nôi mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, TTXVN (24-11) đưa tin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội khóa XIV, TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ và Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV; thông báo nội dung trả lời của các cơ quan chức năng về những kiến nghị của cử tri tại cuộc tiếp xúc lần trước. Cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ sáu vừa qua của Quốc hội, nhất là việc điều hành, các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, sáng tạo; tập trung bàn, quyết định, làm sáng tỏ hơn những vấn đề lớn mà cử tri quan tâm. Việc điều hành kỳ họp khoa học, dân chủ, thẳng thắn. Mối quan hệ giữa cử tri và các đại biểu Quốc hội ngày càng gắn bó; các vấn đề cử tri kiến nghị đều được chuyển tới Quốc hội; cần đổi mới hơn nữa để chủ trương này bảo đảm thực chất và có ý nghĩa thật sự. Việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc chưa được làm rõ. Chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản, mọi cán bộ, đảng viên đều có nghĩa vụ chấp hành, nếu không phải xử lý nghiêm minh. Tài sản không rõ nguồn gốc nhất thiết phải xung công quỹ, như thế mới ngăn chặn được tham nhũng. Cử tri lo ngại tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý, kiên quyết thay cán bộ yếu kém. Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng thời gian qua, chúng ta đã làm quyết liệt và đạt kết quả tốt. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; Đảng chỉ đạo quyết liệt; các cơ quan như kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tòa án, viện kiểm sát,… vào cuộc đồng bộ. Khâu nào yếu thì chấn chỉnh, mắt xích nào yếu thì thay ngay. Đồng chí nhấn mạnh: “Có bộ máy như thế, chỉ đạo như thế, lòng dân ủng hộ như thế, chúng ta sẽ tiếp tục làm mạnh và làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Làm từng việc, từng bước, đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục; xét xử nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, mở đường cho người vi phạm khắc phục. Không bao giờ có việc chùng lại; nếu ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm như nhiều lần tôi đã nói. Phải có phương pháp, cách làm hiệu quả và đúng pháp luật; có cơ chế ngăn ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, để không xảy ra tham nhũng”. Về việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan đến những luật khác; vừa làm vừa tiếp tục nghiên cứu bổ sung; rõ đến đâu làm đến đó cho chắc chắn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, khi có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống thì phải tăng cường giáo dục, uốn nắn, đến mức xử lý thì phải kỷ luật nghiêm minh. Chúng ta kiên quyết ngăn chặn tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; suy thoái về chính trị rất nguy hiểm. Đảng viên mà nói trái Cương lĩnh chính trị, nhận thức sai lệch về chủ nghĩa Mác- Lê-nin, nền tảng tư tưởng của Đảng ta thì phải xử lý nghiêm minh và thực tế đã có trường hợp bị khai trừ Đảng... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cử tri làm tốt công tác giám sát, nhất là đối với cán bộ có chức, có quyền trong việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Khánh Hòa, Pháp luật Việt Nam (19-11) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt, nguyên Thủ quỹ Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Khánh Hòa 7 năm 6 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, Nguyệt được giao chìa khóa két sắt và két sắt để cất tiền, thực hiện việc thu, chi khi có lệnh thu, chi của Lãnh đạo Trung tâm và kế toán. Ngày 20-3-2014, Trung tâm tiến hành kiểm tra quỹ tiền mặt phát hiện thiếu hụt số tiền quỹ là 948 triệu đồng. Nguyệt thừa nhận lấy tiền của Trung tâm và đã nộp được 520 triệu đồng để khắc phục hậu quả. 
 
    Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Người đưa tin, Người lao động, Dân trí, Vnexpress (19-11) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Thanh Tùng, nguyên Kế toán của Trường Tiểu học Lam Sơn, quận Gò Vấp 18 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Từ tháng 11-2013 đến tháng 10-2015, Tùng kê chi lương trái quy định cho cán bộ, nhân viên nghỉ thai sản hoặc nghỉ việc, kê nâng khống hệ số lương, mức tiền truy lãnh lương, truy lãnh phụ cấp ưu đãi, phụ cấp chức vụ của một số cán bộ, nhân viên trong bảng lương hàng tháng, lập khống chứng từ chi mua sắm trang phục, tham quan học tập hoặc bảo trì phòng máy... Sau đó, Tùng trình hiệu trưởng nhà trường ký hoặc giả chữ ký hiệu trưởng để chuyển cho Kho bạc quận Gò Vấp duyệt chi, tiếp theo hợp thức hóa các thủ tục để những khoản chi này chuyển vào tài khoản cá nhân chiếm đoạt gần 2,2 tỷ đồng của nhà trường. 
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong,  Nhà báo và Công luận, Bảo vệ pháp luật, Văn hóa, Hải quan, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20-11) dẫn nguồn tin từ Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra các vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, xảy ra tại địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để điều tra đối với: Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh và Trương Văn Út, Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng các vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, An ninh Thủ đô (20-11) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 3 bị can, gồm: Trần Thanh Hậu, nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu; Quách Lạc, nguyên Giám đốc và Trần Thanh Hoa, nguyên Phó giám đốc, kiêm Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Ngân hàng Navibank - Chi nhánh Bạc Liêu trong vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhóm bị can này đã câu kết với nhau tham ô hơn 70 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Xổ số Bạc Liêu.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Đời sống và Pháp luật, Hà Nội mới, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22-11) phản ánh các nội dung buổi làm việc của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung về phòng, chống tham nhũng với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặc biệt lưu ý, tiêu cực xảy ra ở lĩnh vực giáo dục không chỉ gây ra những hậu quả trước mắt mà còn lâu dài, đây sẽ là mầm mống của những tiêu cực trong tương lai khi mà ngành giáo dục cung cấp cho đất nước những người không đủ tâm, đủ tài. Đồng chí yêu cầu Ban sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu các nội dung giáo dục về phòng, chống tham nhũng vào trường học phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học; việc giáo dục phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm liên quan đến ngành giáo dục…
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Người lao động, Người đưa tin (22-11) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Công ty tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam. Đại diện Viện kiểm sát TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án đối với bị cáo Phan Minh Anh Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc mức án từ 18 đến 20 năm tù. Theo cáo trạng, từ năm 2009-2011, Phan Minh Anh Ngọc đã ký duyệt mua cổ phần, mua bán chứng khoán có kỳ hạn gây thiệt hại 83,7 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Ngọc cũng ký hợp đồng tín dụng và ký duyệt giải ngân cho Cty CP thép Hưng Thịnh mà không xem xét khả năng tài chính, không kiểm tra các hợp đồng tín dụng mà lại trực tiếp ký duyệt cho vay, gây thất thoát 59 tỷ đồng. 06 bị cáo có hành vi đồng phạm giúp sức cho ông Ngọc bị đề nghị mức án từ 02 năm đến 08 năm tù. Hiện bị cáo Phan Minh Anh Ngọc hiện đang thụ án 5 năm tù, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mới, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23-11) phản ánh nội dung làm việc giữa Ðoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng để kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại TP. Ðà Nẵng. Phát biểu ý kiến kết luận, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy sớm bổ sung, hoàn thiện báo cáo tự kiểm tra; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Ðoàn về những vấn đề cần giải trình thêm, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu để cung cấp cho Ðoàn; Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Ðà Nẵng khẩn trương xây dựng báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất việc thi hành án vụ Phạm Công Danh gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ và Ðoàn kiểm tra số 1 để chỉ đạo giải quyết. Cùng ngày, Ðoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương làm Phó Trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng tại Bộ Tài chính. Ðoàn công tác số 2 đã kiểm tra một số đơn vị chuyên môn trực thuộc và nghe Ban Cán sự Ðảng Bộ Tài chính báo cáo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng thời gian qua; tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nêu những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này ở Bộ Tài chính trong thời gian tới. Ðoàn đề nghị Ban Cán sự Ðảng Bộ Tài chính cần tiếp tục tham mưu, đề xuất các chính sách, pháp luật về việc xử lý, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng và các vụ án hình sự nói chung; tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như công tác thu hồi tài sản...
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Thanh tra, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (23-11) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên án 16 bị cáo trong vụ án "Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ," "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long - MHB (nay đã sáp nhập vào Ngân hàng BIDV). Theo đó, các bị cáo: Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT MHB lãnh 13 năm tù; Nguyễn Phước Hòa, nguyên Tổng Giám đốc MHB 10 năm tù; Lữ Thị Thanh Bình, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MHBS 11 năm tù; Ðặng Văn Hòa, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty MHBS 06 năm tù; Trương Thanh Liêm, nguyên Phó Giám đốc Khối ngân hàng đầu tư MHB 04 năm tù; Ðoàn Việt Thắng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty MHBS 04 năm tù; 10 bị cáo còn lại, mỗi bị cáo bị phạt từ 03 năm tù, cho hưởng án treo. Tòa tuyên, buộc các bị cáo liên đới khắc phục hậu quả vụ án nêu trên 400 tỷ đồng. Theo cáo trạng, Công ty MHBS đã sử dụng 3.357 tỷ đồng đem gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh của MHB để hưởng lãi suất hơn 45 tỷ đồng; sử dụng 1.558 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu. Từ môi giới, mua bán trái phiếu quay vòng, đã dẫn đến thiệt hại cho MHB gần 350 tỷ đồng. Công ty MHBS mở tài khoản cá nhân làm tài khoản tự doanh để mua bán chứng khoán, gây thiệt hại thêm 108,3 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Đấu thầu, Tuổi Trẻ, Dân trí (23-11) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, liên quan đến vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gò Quao, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang vừa ra quyết định khởi tố thêm hai bị can là bà Trần Bé Hậu, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch và ông Trần Thanh Hòa, Kế toán Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Gò Quao. Bà Hậu và ông Hòa bị khởi tố điều tra do đã tham mưu để UBND huyện Gò Quao quyết toán số tiền 2,2 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo năm 2013 và 2015. Trong khi khoản tiền này vẫn chưa chi cho những hộ nghèo trong huyện.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Thanh tra,  Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Người lao động, Giao thông, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24-11) đưa tin, Cơ quan Ðiều tra hình sự - Bộ Quốc phòng đã bắt tạm giam bị can Trần Trọng Tuấn, Ðại tá, Phó Giám đốc Công ty Hải Thành - Quân chủng Hải quân; Vũ Thị Hoan, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Yên Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Khánh - Hải Thành.  Ðối với bị can Bùi Văn Nga, Ðại tá, nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành - Quân chủng Hải quân, do mắc bệnh ung thư, đang trong giai đoạn điều trị tích cực, Cơ quan Ðiều tra hình sự áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Trước đó, thực hiện Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Thường vụ Quân ủy Trung ương, Cơ quan Ðiều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định khởi tố vụ án về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét nơi ở đối với bị can Bùi Văn Nga; Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam 04 tháng và lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Trần Trọng Tuấn; Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bốn tháng, lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với bị can Vũ Thị Hoan. Thường vụ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ các sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, hoàn tất cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử công minh, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (20-11) đưa tin, ông Alan Garcíacựu, cựu Tổng thống Pê ru bị cấm xuất cảnh 18 tháng trong thời gian ông này bị điều tra về một cáo buộc tham nhũng nhận 100.000 USD của Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil. Như vậy, tới nay cả 4 cựu Tổng thống gần đây nhất của Peru đều bị cáo buộc nhận hối lộ từ Odebrecht. Hai cựu Tổng thống Ollanta Humala và Pedro Pablo Kuczynski đang bị điều tra trong nước, còn cựu Tổng thống Alejandro Toledo hiện ở Mỹ và Tòa án Peru đang yêu cầu dẫn độ ông này về nước. 
 
    Báo Người lao động (21-11) cho biết, Ông Alejandro Andrade, người điều hành Kho bạc Venezuela trong thời gian 4 năm (tại nhiệm từ năm 2007-2011) dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez, bị phía Mỹ cáo buộc nhận hối lộ. Ông Andrade thừa nhận đã nhận hối từ những người môi giới để bán trái phiếu bằng USD thay mặt cho chính phủ. Các nhà môi giới sau đó "lại quả" cho ông bằng hiện vật và tiền trị giá 1 tỷ USD.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Bế  mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội  khóa XIV.
 
    - Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khoá XII của Đảng.
 
    - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội khóa XIV, TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ và Hoàn Kiếm.
 
    - Khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
 
    - Bắt tạm giam 2 Đại tá quân đội vì vi phạm về quản lý đất đai.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.