Điểm báo tuần số 277 từ ngày 20-8 đến ngày 25-8 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 27/08/2018, 14:50 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Giáo dục, VietNamNet, TTXVN (22-8) đồng loạt đưa tin, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị chuyên đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án; chuẩn bị chu đáo các dự luật cần sửa đổi về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức; bổ sung trình cấp có thẩm quyền theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Phó Thủ tướng cho rằng, đã phân cấp thì phải phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm theo các nghị quyết của Ðảng, bảo đảm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đi kèm với đó là chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ; nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; vấn đề trọng dụng và thu hút nhân tài phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu về điều kiện tiêu chuẩn, nhưng phải có sản phẩm cụ thể, bố trí đúng sở trường, năng lực, đúng vị trí công tác. Bộ Nội vụ cần nghiên cứu sửa đổi chế độ hợp đồng đã quy định tại Nghị định số 68/2000/NÐ-CP theo hướng sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm không ký hợp đồng tràn lan rồi lại hủy bỏ như một số địa phương đã thực hiện gần đây; có lộ trình cắt giảm thận trọng, có chế độ, chính sách phù hợp trong quá trình giải quyết.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (22-8) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên án đối với 12 bị cáo là thành viên của tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo đó, Tòa tuyên phạt các bị cáo: Nguyen James Han và Phan Angle mức án 14 năm tù, trục xuất hai bị cáo ngay sau khi chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam. Phạt mức án 11 năm tù đối với Trương Nguyễn Minh Trí; mức án 10 năm tù đối với Đỗ Tài Nhân, Nguyễn Hùng Anh, Trần Tuấn Tài. Các bị cáo Võ Hoàng Ngọc, Đỗ Quốc Bảo lĩnh 09 năm tù; Trần Văn Vinh 08 năm tù; Trần Quang 07 năm tù; Nguyễn Văn Chánh, Đỗ Thị Thùy Dung lĩnh 05 năm tù. Các bị cáo còn bị phạt quản chế từ hai đến bốn năm, sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Tòa nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm vào an ninh quốc gia, phá hoại sự ổn định, phát triển của đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đi ngược lại lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Tiền Phong, Công lý, VietNamNet, TTXVN (22-8) phản ánh các nội dung buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư với Ban Cán sự đảng Bộ Công thương về việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII). Ðoàn kiểm tra trực tiếp kiểm tra thực tế tại ba đơn vị thuộc Bộ Công thương là Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Xuất nhập khẩu. Trên cơ sở các thông tin thu thập được trong quá trình kiểm tra, Ðoàn đã tổng hợp dự thảo báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Ðảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Trưởng đoàn công tác cho biết, Trung ương đã ban hành hai nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết 18 và 19. Ðến nay, tất cả các đảng bộ đều tổ chức quán triệt, thực hiện hai nghị quyết này. Mặc dù thời gian không nhiều, nhưng qua quá trình làm việc cho thấy, Bộ Công thương là một trong những Ðảng bộ có nhiều bước chuyển lớn. Ðồng chí mong muốn Ban Cán sự đảng Bộ Công thương tiếp tục tham gia thêm các nội dung, bổ sung, điều chỉnh lại số liệu cho chính xác; đồng thời, đề xuất các kiến nghị với Ban Bí thư để giúp quá trình triển khai hai Nghị quyết 18 và 19 tại Bộ Công thương thời gian tới đạt kết quả tốt hơn nữa.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Tiền Phong, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thanh tra, Người lao động, Thanh niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22-8) đưa tin, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thực hiện chuyến công tác, làm việc với Tỉnh ủy và lãnh đạo các ban, ngành liên quan của tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng; cải cách tư pháp. Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị tỉnh ủy các tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính và phòng, chống tham nhũng; tập trung thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; bảo đảm an ninh chính trị; thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh và đúng pháp luật. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, không để xảy ra điểm nóng; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng đã xảy ra trên địa bàn; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đồng thời phải công khai minh bạch, phát huy tốt vai trò giám sát của báo chí, của nhân dân…
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân, Hải Phòng, Thanh tra, Xây dựng, VietNamNet (22-8) cho biết, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai Kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại Thành phố Hải Phòng. Nội dung kiểm tra tập trung vào các nhiệm vụ: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị về công tác kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; kết quả kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy, nhất là số vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế được phát hiện và kiến nghị xử lý qua kiểm tra, giám sát; kết quả thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra, giám sát, nhất là kiến nghị của Đoàn công tác số 2 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiểm tra, giám sát tại Thành ủy Hải Phòng (năm 2013); kiểm tra việc giải quyết một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm khác tại thành phố Hải Phòng... Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 1 đã quán triệt mục đích của đợt kiểm tra lần này nhằm đánh giá những kết quả đạt được; làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm của Ban Chỉ đạo theo Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị tại Thành ủy Hải Phòng; từ đó kiến nghị Ban Chỉ đạo, Bộ Chính trị đề ra những chủ trương, giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng trong những năm tiếp theo.
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, Tiền Phong, Giao thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN (23-8) phản ánh các nội dung họp Phiên toàn thể thứ 10 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo các giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND; tổ chức phiên giải trình về “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017”; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự. Theo dự thảo Báo cáo giám sát trình bày tại phiên họp, thời gian qua, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động trong công tác soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cho rằng, chủ tịch UBND, UBND nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Luật tố tụng hành chính; tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Có những địa phương, sau khi Luật tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành, chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch UBND tham gia tố tụng; sau đó, phó chủ tịch UBND cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào; tình trạng không tham gia tố tụng, không tham gia các cuộc đối thoại với công dân như trên, ngoài việc không tuân thủ pháp luật, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân, còn làm mất cơ hội để chính quyền trao đổi, nắm bắt thông tin, ghi nhận nguyện vọng của công dân, từ đó kiểm tra lại quá trình ban hành quyết định hành chính cũng như việc thực hiện hành vi hành chính để có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở...
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Kiên Giang, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (24-8)  đưa tin, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Báo cáo với Đoàn công tác việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với kiểm điểm hàng năm được tiến hành đồng thời ở các cấp. Qua đó, tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát điều tra, truy tố, xét xử dứt điểm các vụ tham nhũng, tội phạm kinh tế… được dư luận quan tâm. Năm 2017, đã xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị 11 trường hợp để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hành chính 9 người, hình sự 2 người, chuyển cơ quan điều tra 5 vụ có dấu hiệu tham nhũng với số tiền gần 13 tỷ đồng. Cùng với đó, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05, các Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng kế hoạch thực hiện. Nhiều Đảng bộ tập trung những vấn đề nổi cộm, bức xúc, hạn chế, yếu kém để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, nhằm tạo chuyển biến rõ nét ở địa phương, đơn vị. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao Kiên Giang có nhiều cách làm tốt trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05; đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước, nhất là trong công tác định hướng tư tưởng và dư luận xã hội. Thời gian tới, Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 và sắp tới là Nghị quyết Trung ương 8, làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, chính trị, tư tưởng, ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (20-8) có bài viết “Sai phạm tại Trung tâm Y tế thành phố Sơn La: Lật tẩy những thủ đoạn tham ô”. Theo nội dung bài viết, liên tục trong hai năm  2013-2014, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của ông Đỗ Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Sơn La, bà Nguyễn Thị Kim Lan, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Kế toán trưởng của Trung tâm y tế thành phố bằng nhiều thủ đoạn như: Lập khống ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử thanh toán tiền thai sản; rút ruột tiền mua sắm thiết bị y tế; tham ô tiền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế... để chiếm đoạt số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Ông Đỗ Xuân Sơn, trên cương vị Giám đốc đã không kiểm tra tính chính xác các chứng từ do Lan trình ký dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã truy tố bị can Nguyễn Thị Kim Lan về tội “Tham ô tài sản” và bị can Đỗ Xuân Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng” đến tài sản của Nhà nước.
 
    Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Tuổi Trẻ, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Thanh Niên, Vnexpress, Đài TNVN (20-8) thông tin từ Công an tỉnh Hậu Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đặng Hoàng Khải, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Văn thư  lưu trữ thuộc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang cùng  3 cấp dưới, gồm: Lê Thị Tuấn Anh, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp; Nguyễn Văn Viên Em, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử, thuộc Chi cục Văn thư lưu trữ và chuyên viên Nguyễn Thành Quyết để điều tra hành vi “Lập quỹ trái phép và Vi phạm các quy định của Nhà nước về kế toán”. Trước đó, Thanh tra tỉnh Hậu Giang xác định từ năm 2011 đến 2016, Chi cục Văn thư Lưu trữ thu từ việc chỉnh lý tài liệu hơn 9 tỷ đồng. Số tiền này, đơn vị đã lập đủ các chứng từ và quyết toán nhưng thực tế chỉ thanh toán chi phí hơn 4,9 tỷ đồng. Hơn 4 tỷ đồng còn lại được cơ quan này bỏ vào "quỹ đen". Trung tâm Lưu trữ lịch sử thực hiện chỉnh lý các phông tài liệu có nguồn thu, phát sinh lợi nhuận hơn 420 triệu đồng đã không báo cáo mà để tự quản lý, sử dụng. Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Giáo dục, An ninh Thủ đô, Đài TNVN, TTXVN (22-8) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Đức Chính, nguyên Trưởng ban Tài chính, kế toán trưởng Viện Dầu khí Việt Nam 1 năm 6 tháng tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Hồ sơ vụ án cho thấy, Trần Đức Chính đã ký phiếu trình đề nghị mở tài khoản giao dịch tại OceanBank và được Phó Viện trưởng phê duyệt đồng ý. Sau đó, Viện Dầu khí đã ký các Hợp đồng tiền gửi theo lãi suất trần từng thời điểm tại các tổ chức tín dụng trong đó có Oceanbank. Chính đã nhận số tiền 97 triệu đồng do các nhân viên Oceanbank chi chăm sóc khách hàng cho Viện Dầu khí để sử dụng chi tiêu cá nhân. Hiện, bị cáo Chính đã khắc phụ hết toàn bộ số tiền trên. Bên cạnh đó, Trần Đức Chính còn bị xác định có hành vi chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng của Oceanbank chi lãi ngoài cho Vinashin trong thời gian Chính giữ chức vụ Kế toán trưởng tại đơn vị này. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ công an đã ra Quyết định tách và nhập vào vụ án Nguyễn Ngọc Sự để tiếp tục điều tra xử lý sau.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Công an TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Dân trí, VietNamNet, Đài TNVN (23-8) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar và nguyên là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vì liên quan vụ án Phan Hữu Phượng, trùm gỗ lậu có biệt danh Phượng “râu”, cư trú tại thị trấn Ea T’linh, huyện Cư Giút, tỉnh Đắk Nông. Ông Bùi Văn Khang đã chỉ đạo một số cán bộ kiểm lâm cấp dưới xác nhận vận chuyển gỗ cho Công ty Thảo Trúc và cá nhân trùm gỗ lậu Phượng “râu” tại khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắc để nhận bồi dưỡng hàng trăm triệu đồng. Số tiền này ông Khang đã chia lại cho một số cán bộ liên quan. 
 
    Báo Lao Động, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Đời sống và Pháp luật, Người lao động, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24-8) thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đói với bà Võ Thị Thúy Oanh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị xã Gia Nghĩa và Trương Thùy Quyên, nguyên phụ trách kế toán nhà trường để điều tra về tội “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong các năm 2014 và 2015, Oanh và Quyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cùng thống nhất lập khống 3 hợp đồng để chi khống số tiền không đúng thực tế và đã chiếm đoạt 175,7 triệu đồng của nhà nước.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (24-8) có bài viết “Điều tra vụ Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận thụt két tiền tỷ”. Từ đơn tố cáo với báo chí việc ngân quỹ của Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận bị thâm thụt nhiều năm qua, trong khi Nhà Trường không có ngân sách chi thường xuyên để đảm bảo hoạt động. Nguồn tài chính cho các khoản điện, nước, phô tô tài liệu, lương giáo viên, giảng viên Nhà trường năm nào cũng bị thiếu hụt. Tài liệu đính kèm là bảng kê cả trăm khoản tạm ứng cho cán bộ, nhân viên Nhà trường với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật về sự việc, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận (sau khi xin ý kiến ông Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng) xác nhận, thâm hụt quỹ tại Trường là có thật và cơ quan Công an tỉnh Ninh Thuận đang điều tra nên Trường chưa cung cấp thông tin được...
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Công lý, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Vnexpress (24-8) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Văn Công Mới, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Tú 18 tháng tù giam và bị cáo Nguyễn Văn Luận, nguyên cán bộ thi hành án dân sự huyện Mỹ Tú 9 tháng tù giam cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo hồ sơ vụ án, khi đương chức, ông Mới trực tiếp thụ lý việc thi hành bản án ly hôn giữa hai vợ chồng do Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử. Người chồng đã đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Tú nộp gần 50 triệu đồng tiền thi hành án. Ông Mới chỉ đạo cho Luận không ra biên lai, chỉ lập biên bản việc thu tiền rồi lấy hơn 30 triệu đồng tiêu xài, số tiền còn lại cũng bị Luận chi xài cá nhân. Sự viêc sau đó bị phanh phui, hai bị cáo Văn Công Mới và Nguyễn Văn Luận đã phải nộp lại số tiền đã chiếm dụng. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tiền Phong (20-8) cho biết, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật đảng - Ủy ban Giám sát quốc gia tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ra thông báo khai trừ đảng tịch và công chức, chuyển cơ quan tư pháp xử lý theo trình tự pháp luật 5 quan chức cấp sở, gồm: Chu Quốc Lợi, Bí thưu Đảng ủy Ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Thiệu Dương; Trần Tam Tân, Bí thư Thành ủy Tương Đàm; Triệu Văn Bân, Phó Bí thư Thành ủy Tương Đàm; Tạ Lập, Phó Giám đốc Sở Bảo vệ môi trường và Tiêu Dương, Phó Chủ tịch Chính hiệp thị xã Lâu Để. Trước đó, Tổ Tuần thị Trung ương đã kết luận môi trường chính trị của Hồ Nam bị phá hoại nghiêm trọng, 5 cán bộ này ngoài việc đối kháng tổ chức thẩm tra còn vơ vét, nhận hối lộ, đạo đức bại hoại, có quan hệ tình ái bất chính ngoài hôn nhân.
 
    Báo Thanh tra (24-8) đưa tin, ông Saulos Chilima, Phó Tổng thống Malawi đã cáo buộc Tổng thống Peter Mutharika tham nhũng cấp cao, liên quan đến một hợp đồng trị giá 4 triệu USD cung cấp khẩu phần ăn cho lực lượng cảnh sát Malawi. Tổng thống Mutharika cho rằng, các cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông là hoàn toàn vô căn cứ, hậu quả là sẽ thúc đẩy một cuộc nổi dậy đe dọa làm mất các khoản viện trợ từ nước ngoài cho quốc gia Nam Phi này. Tổng thống Mutharika cho biết, động cơ chính trị là căn nguyên của những tuyên bố mà ông Chilima đưa ra, bởi ông Chilima muốn ngồi ở vị trí Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Thành ủy Hải Phòng.
 
    - Phiên toàn thể thứ 10 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
 
    - Xét xử 12 đối tượng thuộc tổ chức phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
 
    - Khởi tố bị can, bắt tạm giam  nguyên Chi cục trưởng Chi cục Văn thư  lưu trữ thuộc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang.
 
    - Bắt khẩn cấp đối với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. 
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.