Điểm báo tuần số 276 từ ngày 13-8 đến ngày 18-8 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 20/08/2018, 16:34 [GMT+7]

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

Báo Công lý (14-8) đăng tải các nội dung của Hội nghị sơ kết các tòa án nhân dân cấp cao. Về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án theo thủ tục phúc thẩm: Từ ngày 01-10-2017 đến ngày 30-6-2018, tổng số phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là 5.299 vụ, việc; đã giải quyết được 2.886 vụ, việc đạt tỷ lệ 54%. Nhìn chung, công tác giải quyết, xét xử các vụ án theo thủ tục phúc thẩm của các tòa án nhân dân cấp cao đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Các vụ án hình sự trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm được giải quyết trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết; trường hợp cần thiết các Tòa cấp cao đều báo cáo Ban cán sự Đảng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác chuẩn bị xét xử. Vì vậy, các vụ án này đều được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Đã từng bước khắc phục tình trạng để quá hạn các vụ án dân sự, hành chính trên cơ sở làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ; chủ động xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết; chú trọng công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án. Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, các tòa án nhân dân cấp cao đã làm tốt nhiệm vụ xét xử, đảm bảo đúng người, đúng luật. Trong đó tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xét xử nhiều vụ án lớn, tạo được sự đồng tình ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số những hạn chế như tỷ lệ giải quyết đơn thấp, tình trạng sửa án, hủy án còn nhiều. Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án nhân dân cấp cao, 3 đơn vị tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục thực hiện tốt 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử đã được thông qua.

Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (14-8) cho biết, Thanh tra Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018. 6 tháng đầu năm 2018, toàn lực lượng Thanh tra Công an Nhân dân đã tiến hành 92 cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch và đột xuất đối với 511 đối tượng thanh tra. Qua đó, đã kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, giúp các đơn vị, địa phương chấn chỉnh, khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác và phòng ngừa sai phạm. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Công an Nhân dân đã tiến hành công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan, thấu đáo, có lý, có tình, củng cố được đoàn kết nội bộ, hạn chế thấp nhất tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Chủ động tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. 6 tháng cuối năm 2018 lực lượng thanh tra cần chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng Công an các cấp tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm.  Tập trung thanh tra về công tác cán bộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Bảo đảm trong năm 2018 đến năm 2019 đạt tỷ lệ 100% các đơn vị thuộc, trực thuộc được thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ”; đảm bảo phương châm: không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ;  tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm cho hoạt động thanh tra trong Công an Nhân dân tuân thủ pháp luật. 

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Thanh tra, Công lý, Xây dựng, Giao thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-8) đưa tin, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII. Chương trình học tập, bồi dưỡng theo hướng hệ thống lại những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và hoạt động đối ngoại; đồng thời, cung cấp thêm kiến thức mới, những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, phục vụ thiết thực công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Phát biểu ý kiến khai mạc lớp học, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các đồng chí học viên nhận thấy rõ trách nhiệm của mình, học tập nghiêm túc, lắng nghe đầy đủ, với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, biến quá trình học thành quá trình tự học, tự nghiên cứu, chủ động, tự giác, theo sự gợi mở, định hướng của các báo cáo viên; đồng thời, tìm đọc thêm tài liệu để mở mang kiến thức, tiếp nhận thêm thông tin, liên hệ, suy ngẫm, tìm cách vận dụng thực hiện cho phù hợp với công việc của mình...

Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Thanh Niên (15-8) cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HÐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xử lý các văn bản trái pháp luật, đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra. Ðồng thời kiểm điểm, xử lý, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30-11-2018 để tổng hợp. Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV-2018.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Thanh tra, Công lý, Xây dựng, Giao thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Đài TNVN, TTXVN  (16-8) phản ánh các nội dung của Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2006 - 2018. Những năm qua, lực lượng công an đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ðến nay, cả nước có hơn hai nghìn mô hình, tiêu biểu là “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh trật tự”, được thực hiện phổ biến và hiệu quả ở nhiều nơi; mô hình “Khu dân cư xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự” được tất cả địa phương trong toàn quốc triển khai thực hiện. Từ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an hàng triệu nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng điều tra, khám phá nhiều vụ án, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ hàng chục nghìn đối tượng, trong đó có những đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Xuất hiện hàng nghìn tấm gương quần chúng mưu trí, dũng cảm tiến công, truy bắt tội phạm, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mà cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần xác định rõ xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt. Cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, lĩnh vực, địa bàn; gắn kết, hòa nhập và cùng phát triển với các phong trào thi đua yêu nước do Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể phát động phục vụ hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị và trên cả nước.

Báo Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Thanh tra, Lao Động, Xây dựng, Văn hóa, Hải quan, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17-8) đưa tin, Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “không để vướng mắc nhiều hơn, tập trung vào quản lý vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư, phân cấp giao quyền mạnh mẽ”. Về phạm vi áp dụng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần nghiên cứu bổ sung các quy định đối với các dự án đầu tư công được thực hiện ở nước ngoài. Về khái niệm các nguồn vốn đầu tư công thì cần quy định rõ hơn, bảo đảm đồng bộ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và có quy định phân cấp quản lý phù hợp tính chất từng nguồn vốn, đồng bộ với nhiệm vụ chi. Về tiêu chí phân loại dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư  cần báo cáo rõ căn cứ, lý lẽ về sửa đổi tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, đồng thời báo cáo, giải trình về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chí đối với dự án nhóm A, B, C phù hợp với điều chỉnh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp thu ý kiến, phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật; nhấn mạnh tinh thần không để có quá nhiều quy hoạch trên cùng một địa bàn, lĩnh vực; tạo thuận lợi, phân cấp, giao quyền mạnh mẽ.

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Hà Nội mới, Người đưa tin, TTXVN (14-8) đưa tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên án phúc thẩm đối với 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank (nay là Ngân hàng Quốc Dân) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa đã bác đơn kháng cáo kêu oan của bảy bị cáo, y án 13 năm tù đối với bị cáo Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc Navibank; y án 12 năm tù với các nguyên Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Giang Nam, Cao Kim Sơn Cương và Nguyễn Hùng Sơn; y án 11 năm tù đối với Ðoàn Ðăng Luật, nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn và Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên Trưởng phòng Kế toán; y án 10 năm tù với Trần Thanh Bình, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp. Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, giảm án sơ thẩm từ bảy năm tù xuống còn sáu năm tù đối với ba bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là Phạm Thị Thu Hiền, nguyên Trưởng phòng Pháp chế Navibank; Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro và Ðinh Thị Ðoan Trang, nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng. Về dân sự, Tòa tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước 24,3 tỷ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro Vietinbank, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) trả cho Navibank.

Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN (14-8) thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lục Minh Nhậm, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Hoàng Thị Hạnh, nguyên Trưởng phòng 1 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tỉnh Cao Bằng để điều tra hành vi lạm dụng chức vu, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”, Nhậm và Hạnh cùng một số đối tượng khác đã chiếm đoạt tiền và tài sản thu giữ, trị giá hơn 1 tỷ đồng của bị can. Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Báo Pháp luật Việt Nam (14-8)  có bài viết “Nông dân mất mùa bị cán bộ xã ăn chặn tiền hỗ trợ”. Theo nội dung bài báo, hàng ngàn nông dân tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai bị mất mùa thuộc diện được hỗ trợ tiền khôi phục sản xuất đã bị cán bộ cấp phát tiền “xà xẻo”, kê khống hồ sơ để hưởng lợi hàng trăm triệu đồng bằng nhiều thủ đoạn. Qua kiểm tra ngẫu nhiên chỉ khoảng 70 hộ dân trồng xoài có nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại, đã phát hiện ra 46 hộ bị ăn chặn tiền ngân sách rót xuống hỗ trợ. Hộ ít, bị xén 200.000 đồng, hộ nhiều lên đến vài triệu đồng. Năm 2017, chỉ riêng xã Thanh Sơn đã có hơn 2.000 hộ dân được hỗ trợ với tổng số tiền từ ngân sách gần 7 tỷ đồng, không hiểu con số rơi rớt trước khi đến tay người nông dân còn lớn cỡ nào? Việc một bộ phận cán bộ, công chức của UBND xã Thanh Sơn tìm cách trục lợi, ăn bớt khoản tiền hỗ trợ vốn đã ít ỏi trước khi đến tay người nông dân đang gây ra nỗi bức xúc không hề nhỏ tại địa phương này…

Báo Nhân Dân, Đắk Lắk, Lao Động, Dân trí (16-8) thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Buôn Ma Thuột cho biết, đã quyết định thi hành đối với đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, trong thời gian làm Bí thư Chi bộ, Giám đốc chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột đã thiếu kiểm tra khi ký duyệt hồ sơ kế toán dẫn đến xảy ra sai phạm trong việc lập chứng từ khống để rút số tiền hơn 63,8 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước; chưa thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và vai trò của người đứng đầu nên chưa tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đơn vị, dẫn đến sự bức xúc của một số cán bộ, nhân viên, ảnh hưởng vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, uy tín của đơn vị và của bản thân đồng chí Dũng. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Buôn Ma Thuột đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Tiến Dũng. 

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17-8) đồng loạt đưa tin về Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sau 5 năm thành lập, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh với nguyên tắc: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 40 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và 63 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc đã kiến nghị 404 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức và đã nghỉ hưu (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý). Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Sau 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, làm việc trách nhiệm, nghiêm túc và thu được nhiều kết quả cụ thể. Nhờ đó công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, nhất là hơn 2 năm gần đây. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội. Tổng Bí thư chia sẻ, tâm trạng xã hội đang lo lắng, mong muốn làm sao phải duy trì và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, đây là cuộc chiến đấu gian khổ lâu dài, đòi hỏi phải làm quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng “vặt” còn nhiều, trước mắt cần thực hiện tốt chương trình công tác 2018, chuẩn bị chương trình 2019, với tinh thần làm liên tục, lâu dài, nhưng phải biết mình đang làm gì, cái gì làm trước, cái gì làm sau, bài bản, nghiêm túc…

Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Báo Nhân Dân, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (17-8) cho biết, Công an tỉnh Phú Yên cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Phan Văn Công, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 4-2015 đến tháng 10-2017, Huỳnh Ngọc Tuấn, Kế toán trưởng và Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Thủ quỹ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã câu kết  “rút ruột” công quỹ hơn 5,8 tỷ đồng. Cả Tuấn và Nguyên đã bị bắt tạm giam cùng về tội tham ô tài sản. Phan Văn Công với chức trách Chi cục trưởng, chủ tài khoản Chi cục kiểm lâm Phú Yên nhưng đã buông lỏng quản lý tài chính, không tuân thủ các quy định pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Người lao động, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Dân trí, Đài TNVN (17-8) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam 4 tháng và khám xét nơi ở đối với 3 cán bộ công tác tại UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, gồm: Lê Thành Nguyên, Hoàng Trọng Nghĩa và Lê Sơn để phục công tác điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong quá trình được giao nhiệp vụ lập hồ sơ đền bù dự án giải phóng mặt bằng Hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng, 3 cán bộ này nhờ đứng tên chủ sở hữu các thửa đất để trục lợi số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

TIN QUỐC TẾ

Thông tấn xã Việt Nam (14-8) cho biết, bà Cristina Fernandez de Kirchner, cựu Tổng thống Argentina đã ra tòa để đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và một lần nữa bà Fernandez bác bỏ các cáo buộc về việc đã nhận tiền hối lộ từ nhiều công ty trong giai đoạn nắm quyền từ năm 2007-2015 để tạo điều kiện cho các công ty này nhận nhiều hợp đồng lớn có giá trị. Bà Fernandez nêu rõ đã đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra tất cả các dự án công liên quan tới các cáo buộc đối với bà song "đề nghị này đã bị từ chối." Cựu Tổng thống Fernandez cáo buộc vụ việc của bà đang bị lợi dụng để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề kinh tế trong nước.

Báo Công an TP. Hồ Chí Minh (15-8) đưa tin, Cảnh sát Hong Kong cáo buộc tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý (hiện đang sống lưu vong tại Mỹ) đã cùng con gái và con trai tiến hành rửa tổng cộng 32,9 tỷ đô la Hong Kong (khoảng 4,1 tỷ USD). Bốn tài khoản ngân hàng của gia đình ông Quách Văn Quý đã bị cảnh sát Hong Kong yêu cầu đóng băng để phục vụ điều tra. Quách Văn Quý cũng đang bị điều tra ở Trung Quốc vì cáo buộc đã hối lộ một số quan chức cấp cao của Trung Quốc. Theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc, Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế (Interpol) đã phát lệnh truy nã đỏ đối với tỷ phú này.

Thông tin đáng chú ý trong tuần:

- Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

- Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc , giai đoạn 2006 - 2018.

- Khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, khóa XII.

- Xét xử phúc thẩm đối với 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank.

- Khởi tố nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên.

BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

 

.