Điểm báo tuần số 271 từ ngày 09-7 đến ngày 14-7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 17/07/2018, 08:18 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Công lý, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tài nguyên và Môi trường (10-7) thông tin về Hội thảo tham vấn lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Các chuyên gia của Bộ Nội vụ Australia và Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) chia sẻ các chuẩn mực quốc tế, đưa ra bình luận và đóng góp ý kiến cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho biết: Ở Việt Nam, tội phạm rửa tiền không phải là tội phạm truyền thống, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế. Thực tiễn phòng, chống tội phạm cho thấy, hiện nay ở Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất tinh vi. Tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, nhà cửa, ô tô, vàng bạc, đá quý…, sau đó nhờ người khác đứng tên nhằm hợp thức nguồn tiền “đen” thu được từ các hoạt động tội phạm. Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của UNODC và Bộ Nội vụ Australia trong việc tổ chức hội thảo và mong rằng trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng hành với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam trong việc triển khai các nhiệm vụ của mình, đặc biệt là trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính Phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Nhà báo và Công luận, Công lý, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-7) phản ánh các nội dung của Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án các Luật: Cảnh sát biển Việt Nam, Bảo vệ bí mật Nhà nước, Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); cho ý kiến về việc thực hiện một số quy định của Luật đầu tư, Luật đầu tư công và Luật bảo vệ môi trường liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư. Đồng thời, xem xét, cho ý kiến về các nội dung liên quan về phương án phân bổ, sử dụng vốn đầu tư trung hạn từ nguồn ngân sách nhà nước còn lại giai đoạn 2016-2020; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho chương trình mục tiêu quốc gia Biển Đông-hải đảo; sử dụng 15.000 tỷ vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 cho các dự án giao thông quan trọng và bổ sung dự toán ngân sách năm 2018 phần vốn ngoài nước; cho ý kiến về việc xử lý số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường và dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ; việc thực hiện một số quy định của Luật đầu tư, Luật đầu tư công và Luật bảo vệ môi trường liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư… 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Tiền Phong, Giao thông, Người đưa tin, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, Đài THVN, TTXVN (11-7) đồng loạt đăng tải nội dung cuộc họp của Ban Bí thư dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 121-TTr/UBKTTW ngày 6-7-2018 về việc đề nghị xem xét thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 và xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Trần Việt Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm của Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông là rất nghiêm trọng, đã làm thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và quá trình cổ phần hoá của Tổng Công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức cảnh cáo; quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Việt Thắng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (11-7) đưa tin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương đã làm việc với Đảng đoàn và Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Những năm qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam - tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đội ngũ luật sư nước ta luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện hoạt động; nghề luật sư và đội ngũ luật sư ngày càng phát triển, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội ngày càng được đề cao, không những góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị lãnh đạo Liên đoàn Luật sư cần hết sức quan tâm phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, bảo đảm ngày càng có nhiều luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế. Đồng thời tăng cường giám sát các hoạt động hành nghề luật sư, hỗ trợ các luật sư hành nghề, đồng thời kịp thời uốn nắn những sai sót của luật sư trong hoạt động hành nghề, kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của đội ngũ luật sư.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (12-7) cho biết, Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đoàn tiến hành kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ban hành ngày 25-10-2017 gồm: Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” gắn với thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc; đề nghị Bộ tiếp tục hoàn thiện các báo cáo; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị để việc thực hiện cuộc kiểm tra bảo đảm theo đúng kế hoạch. Đồng chí yêu cầu các thành viên trong Đoàn công tác phát huy cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tập trung trong thẩm tra, xác minh, bảo đảm nội dung, tiến độ thực hiện cuộc kiểm tra theo kế hoạch đã đề ra; lắng nghe ý kiến phản hồi của Bộ để xây dựng báo cáo đánh giá khách quan, trung thực.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13-7) đăng tải nội dung Công văn số 7144-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng gửi các cơ quan thông tấn, báo chí công bố về việc Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Đề nghị Ban Chấp hành hành Trung ương thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 122-TTr/UBKTTW, ngày 6-7-2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, và đồng chí Trương Minh Tuấn, Bộ Chính trị nhận thấy: Những vi phạm của đồng chí Nguyễn Bắc Son và đồng chí Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định  thi hành kỷ luật đồng chí Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021. Đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định. Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son theo thẩm quyền.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14-7) cho biết, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Sáu tháng đầu năm, Văn phòng Chủ tịch nước đã tập trung nghiên cứu, tham mưu, phục vụ có hiệu quả các hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, các chương trình xây dựng pháp luật và công tác cải cách tư pháp... Tham mưu Chủ tịch nước ký, phê chuẩn và sửa đổi các hiệp định tín dụng, góp ý, bổ sung cho Nghị định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; tham mưu Chủ tịch nước ký và ban hành Chiến lược Quốc phòng Việt Nam... Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, sáu tháng cuối năm, Văn phòng cần tiếp tục tham mưu, phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đó có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước triển khai nhiệm vụ được Hiến pháp quy định, thực hiện các hoạt động đối nội, đối ngoại, công tác xây dựng luật, pháp lệnh, cải cách tư pháp. Thẩm định các hồ sơ trình Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước về thi đua - khen thưởng, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh.
 
Quang cảnh Hội nghị
Ban Nội chính Trung ương sơ kết 6 tháng đầu năm 2018
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Bảo vệ phát luật (09-7) thông tin về việc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Quang Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển thương mại dịch vụ nông nghiệp Gia nghĩa (Công ty Gia Nghĩa) về tội “Tham ô tài sản”. Kết quả điều tra cho thấy, trong khi Công ty Gia Nghĩa được giao thực hiện Dự án “Mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại Đắk Nông” với kinh phí 11 tỷ đồng. Phạm Quang Hải đã lập chứng từ khống về việc trả tiền thuê công nhân để chiếm đoạt hơn 272 triệu đồng tiền ngân sách. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, An ninh Thủ đô, Xây dựng, Doanh nghiệp Việt Nam, Đài TNVN (09-7) cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) - Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ty Việt Bắc, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi và Nguyễn Văn Tam, Giám đốc Công ty TNHH Tam Lộc về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Lợi dụng chức vụ Chủ tịch xã, Bắc cấu kết với Tam, tổ chức đầu tư công trình kênh cấp 3 làm bằng ống nhựa PVC D200mm vi phạm các quy định về đầu tư xây dựng công trình. Sau đó Tam lập khống hồ sơ thanh toán giai đoạn 1 công trình để chuyển số tiền hơn 385 triệu đồng vào tài khoản của công ty Tam Lộc, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. PC46 - Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục làm rõ sự việc.
 
    Báo Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, An ninh Thủ đô, Tài nguyên và Môi trường, Người đưa tin, Đài TNVN, TTXVN (09-7) dẫn nguồn tin từ UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết, đã ra quyết định giáng chức bà Lưu Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Bờ Ngoong và bà  Siu Huyn- Kế toán nhà trường bị Toà án nhân dân huyện Chư Sê tuyên án 8 năm tù giam về tội “Tham ô tài sản”. Trước đó, Thanh tra huyện Chư Sê thành lập đoàn liên ngành kiểm tra theo nội dung tố giác và phát hiện bà Siu Huyn đã giả mạo chữ ký Hiệu trưởng, tự ý lấy con dấu của nhà trường sử dụng sai mục đích, chiếm đoạt lương giáo viên, quỹ đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
 
    Theo tin từ Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người đưa tin (10-7), Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 06 bị can về tội Tham ô tài sản xảy ra tại Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng. Trong số bị can có ông Ngô Hồng Phi, nguyên Giám đốc; Đặng Minh Út, nguyên Kế toán trưởng. Theo kết luận điều tra trong quá trình thực hiện 39 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân giai đoạn 2006-2007, ông Phi bị chỉ đạo kế toán thanh toán đúng với con số được duyệt, hoàn thành tất cả đề án vì tiền đã được tạm ứng nhập quỹ cơ quan; trong khi cho các nhân viên tìm đến các chủ nhiệm hợp tác xã để thỏa thuận ký kết những hợp đồng dạy nghề nhưng chỉ thực hiện một phần và khai man chứng từ thanh toán để chiếm đoạt 402 triệu đồng. Khi được tống đạt kết luận điều tra, các bị can đều kêu oan.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh tra, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, An ninh Thủ đô, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-7) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan; quyết định Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (hiện là cán bộ Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông); quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm đối với Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 220, Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Thanh tra, Xây dựng, Hà Nội mới, Người lao động, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14-7) đưa tin về Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Nội chính Trung ương. Trong 6 tháng qua, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì và đồng chủ trì nhiều cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương và địa phương để đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo, hướng dẫn xử lý nhiều vụ án, vụ việc khác thông qua đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh. Đã triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác nội chính và PCTN tại 17 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 24 địa phương; trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ công tác đối với 07 địa phương; tham dự 56 cuộc họp, hội nghị của tỉnh ủy, thành ủy… Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm là: Tham mưu, triển khai có hiệu quả 5 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo về kiểm tra việc sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Bám vụ án, vụ việc, khẩn trương, quyết liệt, theo dõi, đôn đốc, tham mưu kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 21 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc trong năm 2018 theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước theo dõi, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán làm rõ đúng, sai, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận quan tâm…
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Thông tấn xã Việt Nam (10-7) cho biết, Cảnh sát điều tra Israel tiếp tục thẩm vấn Thủ tướng Benjamin Netanyahu về cáo buộc tham nhũng liên quan đến Tập đoàn viễn thông lớn nhất Israel Bezeq. Ngoài ra, ông Netanyahu đang phải đối mặt với cuộc điều tra về tham nhũng có tên "Case 3000" liên quan đến thương vụ mua bán tàu ngầm trị giá 2 tỷ USD giữa tập đoàn đóng tàu ThyssenKrupp Marine Systems của Đức với Israel và ông cũng bị tình nghi nhận những món quà đắt tiền từ tỷ phú Arnon Milchan. Trong hai cuộc điều tra này, cảnh sát đã đề nghị truy tố ông Netanyahu với tội danh nhận hối lộ. Quyết định cuối cùng sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Israel đưa ra, song dự kiến sẽ mất nhiều tháng.
 
    Báo An ninh Thủ đô (10-7) cho biết, Thụy Sĩ đang điều tra 6 đối tượng tình nghi đã hối lộ các quan chức nước ngoài và phạm một số tội danh khác liên quan đến cuộc điều tra vụ bê bối rửa tiền của Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB). Ông LauberMichael, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ cũng cho biết, 2 ngân hàng Thụy Sĩ là Falcon Private Bank và BSISA cũng bị nghi ngờ liên quan đến vụ bê bối 1MDB. Vụ  bê bối tham nhũng 1MDB gây thất thoát 3,7 tỷ USD được cho chuyển tiền ra nước ngoài để rửa tiền, khiến hàng loạt các quốc gia như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc…  tiến hành các cuộc điều tra liên quan. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
    - Ban Nội chính Trung ương sơ kết 6 tháng đầu năm 2018.
 
    - Khởi tố bị can, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
    - Truy tố 06 bị can về tội tham ô tài sản xảy ra tại Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.