Điểm báo tuần số 268 từ ngày 18-6 đến ngày 23-6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 26/06/2018, 14:34 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-6) đồng loạt đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 3 TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông và Cầu Giấy, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; nội dung trả lời của các cơ quan chức năng về những kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc lần trước. Cử tri đánh giá cao kỳ họp thứ 5, thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ, nhất là các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, mang tính đối thoại, tranh luận thẳng thắn và trách nhiệm, nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra. Cử tri tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội và đề nghị Quốc hội có sự giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp. Cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng, tiêu cực chưa được ngăn chặn đẩy lùi; việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có thấp; phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên và công khai cho dân biết. Các vụ tham nhũng, tiêu cực còn chủ yếu do báo chí, nhân dân phát hiện, vai trò của các cơ quan chức năng chưa rõ. Về chủ trương thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng như những việc hệ trọng khác của đất nước cần phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để phát huy sức mạnh và đề cao vai trò của toàn dân; đồng thời kiên quyết trừng trị kẻ xấu lợi dụng kích động gây rối. Phát biểu ý kiến tại các cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn chân tình của các cử tri đã thể hiện sự sâu sát, gắn bó, quan tâm của cử tri đối với hoạt động Quốc hội. Tổng Bí thư đã làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến Dự án luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Tổng Bí thư mong muốn cử tri và nhân dân cả nước hết sức tỉnh táo, bình tĩnh và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội vì đây là Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả việc làm chỉ vì nước, vì dân, ngoài ra không có mục đích nào khác.
 
    Báo Ninh Bình, Lao Động, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Giao thông, Đài TNVN (19-6) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh Ninh Bình rà soát, báo cáo một số nội dung liên quan 11 dự án đầu tư tại Ninh Bình giai đoạn 2006-2010 mà Quốc hội và dư luận quan tâm. Theo Kết luận 1121 ngày 9/5/2012 của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2006-2011, tỉnh Ninh Bình xây dựng 62 dự án với tổng mức đầu tư hơn 59.481 tỷ đồng. Cơ quan Thanh tra xem xét 10/62 dự án thì cả 10 dự án đều đội vốn. Điều đáng nói, trong 10 dự án kể trên có 2 dự án được thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi, một dự án áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế. Tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu thì dự án mà Ninh Bình cho đấu thầu hạn chế này lại không thuộc nhóm được áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế. Còn lại, 7 dự án khác đều được chỉ định thầu nhưng công tác tổ chức thực hiện đều có sai phạm. Cụ thể, 5/7 dự án được phê duyệt kết quả chỉ định thầu không có kế hoạch đấu thầu được duyệt. Có những dự án lĩnh tạm ứng trên 600 tỷ đồng trong nhiều năm nhưng chỉ thực hiện khối lượng công việc tương ứng khoảng trên 300 tỷ đồng. Nhận thấy sai phạm của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình trong các dự án trên là nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể và những cá nhân lãnh đạo để xảy ra sai phạm.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Hải quan, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Công an TP. Hồ Chí Minh (20-9) đưa tin về Hội nghị triển khai đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu tại vùng biển phía nam, chống buôn lậu đường cát, thuốc lá tại khu vực biên giới Tây Nam Bộ trong 6 tháng đầu năm 2108. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; yêu cầu Chủ tịch UBND và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố nêu cao trách nhiệm người đứng đầu để có giải pháp chỉ đạo quyết liệt đối với lực lượng chức năng địa phương thực hiện tốt công tác chống buôn lậu. Bộ Quốc phòng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng như cảnh sát biển, hải quan, công an, quản lý thị trường để ngăn chặn buôn lậu từ biên giới, khu vực tiếp giáp biên giới; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để chiến sĩ bị mua chuộc và lôi kéo bảo kê, tiếp tay hoặc làm ngơ cho buôn lậu; kịp thời xử lý cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới và vùng biển, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp vùng biên, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa...
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Hải quan, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20-6) đăng tải nội dung của Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền kiện toàn thành viên, bàn thảo quy chế làm việc và triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế và giải pháp trong công tác phòng, chống rửa tiền; chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) và kế hoạch tiến tới thực hiện đầy đủ khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF); phối hợp các lực lượng nòng cốt trong công tác chống khủng bố nhằm nghiên cứu, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chính sách pháp luật, chương trình, biện pháp chống tài trợ cho khủng bố trên lãnh thổ Việt Nam… Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền nêu rõ các nội dung quan trọng liên quan hoạt động của Ban Chỉ đạo là đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố, hành vi rửa tiền liên quan hoạt động giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng,... nhằm tham mưu tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách pháp luật phòng, chống, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội... Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, Bộ Công an chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ khủng bố…
 
    Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Thanh Niên, Biên Phòng, TTXVN (20-6) đưa tin, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị tập huấn cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các đại biểu được quán triệt nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13/2012/QÐ-TTg ngày 23-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ; Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương trong chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng khu vực phòng thủ… Ðồng thời, nghiên cứu, trao đổi về hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với cấp ủy, chính quyền địa phương; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố thời gian tới. Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các đơn vị quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa một số nội dung trọng tâm trong nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, các nghị định của Chính phủ về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Các bộ, ngành cần chủ động phối hợp tốt hơn với Bộ Quốc phòng và các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn quốc phòng, an ninh  trong từng khu vực phòng thủ. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm mỗi bước phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội là một bước tăng cường cho tiềm lực về quốc phòng, an ninh có hiệu quả cao.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, TTXVN (21-6) Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố cụm Đông Nam Bộ. Thời gian qua, các cấp ủy đảng và chính quyền đã gắn việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tinh giản bộ máy, cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được triển khai tích cực. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả trên nhiều mặt của đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân… Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc, khiếu kiện đông người; gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sao cho gần gũi với người dân và thiết thực với đời sống xã hội hơn nữa.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Giao thông, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Pháp luật và Xã hội, Đài TNVN, TTXVN (19-6) cho biết, Bộ Nội vụ ra mắt Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ. Theo đó, hệ thống thông tin PAKN trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ, có địa chỉ  http://phananh.moha.gov.vn là kênh thông tin tương tác giữa Bộ Nội vụ với người dân, doanh nghiệp. Với 3 hình thức gửi phản ánh, kiến nghị (qua mạng internet, qua tin nhắn với đầu số 8088, qua tổng đài 19001547), người dân dễ dàng truy cập hệ thống từ máy vi tính, thiết bị di động được kết nối mạng internet, điện thoại cố định để gửi phản ánh, kiến nghị; nhận kết quả trả lời về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp thực tế, không đồng bộ, trái quy định pháp luật, về hành vi chậm trễ gây phiền hà hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ và hoạt động nghề nghiệp. Thời hạn xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị là 20 ngày kể từ ngày nhận được phản ánh, kiến nghị; nếu hết thời hạn này mà chưa xử lý xong, định kỳ 7 ngày làm việc, Bộ Nội vụ sẽ cập nhật tình hình xử lý vào hệ thống PAKN hoặc thông qua hộp thư điện tử, điện thoại, tin nhắn để thông tin cho người dân, doanh nghiệp. 
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (19-6) có bài viết “Ninh Bình, dự án du lịch Tam Cốc – Bích Động đội vốn 40 lần, có lợi ích nhóm trong các dự án đầu tư xây dựng”
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-6) đồng loạt đưa tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm xét kháng cáo của Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng sáu đồng phạm trong vụ PVN góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), gây thiệt hại 800 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN là do hành vi trái pháp luật của Đinh La Thăng và các bị cáo đồng phạm gây ra. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, buộc bồi thường 600 tỷ đồng. Sáu đồng phạm còn lại lĩnh án từ 15 tháng cải tạo không giam giữ đến 23 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong bảy ngày.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Sài Gòn giải phóng, Đời sống và Pháp luật, Đài THVN, Đài TNVN (20-6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã hoàn tất điều tra bổ sung vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAB), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.  Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB cùng 22 đồng phạm khác về 4 nhóm tội danh đã nêu trên.
 
    Báo Gia Lai, Lao Động, Đại đoàn kết, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, TTXVN (21-6) dẫn nguồn tin Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 04 cán bộ về tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: ông Tưởng Tín và ông Nguyễn Đức đều là nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ; ông Ngô Văn Bằng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trà Đa và ông Mã Phi Bình, cán bộ địa chính xã Diên Phú. Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có Kết luận nhiều sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để “mất” gần 3.000ha đất lâm nghiệp, đất rừng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc ký xác nhận nguồn gốc đất vào hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân… Hành vi này của các đối tượng gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 345,5 triệu đồng. Thanh ra tỉnh đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra làm rõ.
 
    Báo Lao Động, Tiền Phong, Công an nhân dân, Tuổi Trẻ, Người đưa tin, VietnamNet, Đài TNVN (21-6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng, thành phố Thái Bình và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Lê Thị Nhung, kế toán nhà trường để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Trước đó, cơ quan điều tra nhận được nhiều đơn tố cáo về việc hai nghi can trên có liên quan đến một số hoạt động thu, chi “bất minh” tại trường; các thông tin phản ánh của giáo viên và phụ huynh học sinh tố Hiệu trưởng trường mần non Hoa Hồng lộng quyền, chèn ép giáo viên hợp đồng, phân công giáo viên dạy không đúng chuyên môn, cắt tiền chế độ, không trả lương giáo viên theo quy định, can thiệp trực tiếp vào việc thu, chi quỹ công đoàn của nhà trường, thực hiện nhiều khoản thu chi đầu năm học 2016-2017  trái quy định...
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động,  Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Tiền Phong, Giao thông, Tuổi Trẻ, An ninh Thủ đô, Dân trí, Công an TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Đài TNVN, TTXVN (22-6) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tiến hành điều tra 3 vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Căn cứ kết quả điều tra vụ án, C46 đã ra các Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Từ Thành Nghĩa, nguyên Tổng Giám đốc VSP; Võ Quang Huy, nguyên Chánh Kế toán VSP; Đinh Văn Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc BSR và Nguyễn Tuấn Hùng, Trưởng Ban Tài chính PVEP. C46 đang tiếp tục tập trung lực lượng làm rõ hành vi của các bị can và mở rộng điều tra triệt để đối với những đối tượng liên quan, thu hồi kê biên tài sản cho Nhà nước. 
    
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (21-6) đưa tin, Clifford Keith Gwinn, Cựu Thư ký Văn phòng Bộ Cựu chiến binh bang West Virginia, Mỹ đã thừa nhận tham ô 178.790 USD từ Cơ quan Cứu hỏa tình nguyện tại Teays Valley và đồng ý trả tiền bồi thường. Gwinn cũng nhận tội khai thuế thu nhập cá nhân giả và nộp hơn 68.000 USD cho Sở Thuế vụ. Bà Kathy Sue Gwinn, vợ của ông Gwinn, cũng bị kết án vì tội tham ô 75.000 USD từ Sở Cứu hỏa. Bà bị giam hơn 1 tháng trong tù, nhận mức án treo 10 tháng và phải nộp tiền bồi thường cho Sở Thuế vụ.
 
    Thông tấn xã Việt Nam (21-6) thông tin từ Bộ Tư pháp Israel cho biết, vợ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bà Sara Netanyahu bị buộc tội tham nhũng và lạm dụng lòng tin, sau khi cảnh sát tiến hành cuộc điều tra về các cáo buộc bà làm giả chi tiêu trong Phủ Thủ tướng hơn 100.000 USD tiền công quỹ. Quyết định buộc tội trên được đưa ra trong khi bản thân Thủ tướng Netanyahu đang phải đối mặt với một số cuộc điều tra tham nhũng. Thủ tướng Israel đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vợ ông và cho rằng những cáo buộc này không có cơ sở và vô lý. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
 
    - Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu rà soát, báo cáo 11 dự án đầu tư tại Ninh Bình giai đoạn 2006-2010.
 
    - Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền.
 
    - Kết thúc điều tra, đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm".
 
    - Khởi tố, bắt tạm giam 4 cựu lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.