Điểm báo tuần số 267 từ ngày 11-6 đến ngày 16-6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 19/06/2018, 09:47 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền Phong, Thanh tra, Nhân đạo, Giao thông, Xây dựng, Tuổi Trẻ, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12-6) cho biết, Quốc hội đã biểu quyết lùi thời gian thông qua dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  cho biết, ngày 10-6 một số ít địa phương đã xảy ra tình trạng một bộ phận nhân dân tụ tập đông người, kéo xuống đường gây ách tắc giao thông và có hành động quá khích làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân. Quốc hội kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những dự án luật mà Quốc hội đang thảo luận luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân. 
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân (12-6) đưa tin, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác dân vận đã làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương. 5 năm qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo công an các cấp đã bám sát nội dung Nghị quyết số 25 để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc. Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các bộ, ngành, đoàn thể các cấp được đẩy mạnh, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận và vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, thực hiện quy chế dân chủ thường xuyên được tăng cường và đổi mới... Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được về công tác dân vận trong lực lượng Công an nhân dân thời gian qua; đề nghị các cấp ủy đảng, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; gắn công tác dân vận với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm; tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); khẩn trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quyết tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Giáo dục, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16-6) phản ánh nội dung Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự” do Đảng ủy Công an Trung ương trình; xem xét, thông qua dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và dự kiến phân công các thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương do Ban Nội chính Trung ương trình. Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, phát biểu nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự” và dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Nội chính Trung ương đã tích cực chỉ đạo xây dựng dự thảo Đề án và dự thảo Kế hoạch trình Ban Chỉ đạo; Ban Thư ký và Văn phòng Ban Chỉ đạo đã chủ động nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu về dự thảo Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự” và chuẩn bị các tài liệu có liên quan phục vụ phiên họp. Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Thư ký và Văn phòng Ban Chỉ đạo đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực chuẩn bị tài liệu phục vụ Phiên họp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Chủ tịch nước đề nghị Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự” cần quán triệt, thực hiện đúng đắn mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49, để xác định rõ mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác thi hành án hình sự phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời cần xác định rõ mục tiêu của việc đổi mới công tác thi hành án hình sự là hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành, bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
 
Toàn cảnh Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Toàn cảnh Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
    Báo Nhân Dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16-6) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế, chương trình phối hợp với Báo Nhân Dân, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về thông tin, tuyên truyền công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ năm 2017 đến nay. Các ý kiến thảo luận nêu rõ: Việc thực hiện Quy chế, Chương trình phối hợp tuyên truyền trong thời gian qua giữa các cơ quan đã đạt nhiều kết quả tích cực, phản ánh kịp thời, lan tỏa sâu rộng trong xã hội về đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực nội chính và PCTN. Qua đó, xã hội hiểu rõ, đồng thuận và đánh giá cao quyết tâm của Ðảng và Nhà nước trong PCTN, được thể hiện rõ nét trong kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp thời gian qua... Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đề nghị, thời gian tới, công tác phối hợp về thông tin, tuyên truyền lĩnh vực nội chính và PCTN giữa Ban Nội chính Trung ương và bốn cơ quan báo chí Trung ương cần chặt chẽ hơn nữa, triển khai theo hướng tăng cường tuyên truyền hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN, nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân nhằm huy động toàn xã hội chung tay trong công tác đấu tranh PCTN... Đồng chí đề nghị, trong  thời gian tới chú trọng thông tin, tuyên truyền những vấn đề trọng tâm sau 5 năm thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại các địa phương và một số bộ, ngành; sơ kết 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN...
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Hậu Giang, VietNamNet, TTXVN (16-6) cho biết, Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang để công bố quyết định và kế hoạch kiểm tra tại tỉnh Hậu Giang về việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, gắn với thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh: Mục đích kiểm tra là để đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết của Trung ương ở địa phương, những thuận lợi, khó khăn phát sinh từ thực tế. Trên cơ sở đó có đề xuất, kiến nghị giải pháp, nhằm tiếp tục đưa các nghị quyết vào cuộc sống, làm sao để xây dựng được tổ chức bộ máy tinh gọn, vận hành và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Việc phải sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy không phải theo kiểu cơ học, mà phải thay đổi tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ để các đơn vị này hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao nhất. 
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Đại đoàn kết, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN (16-6) đưa tin, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị giao ban công tác tuyên giáo sáu tháng đầu năm 2018. Trong 6 tháng vừa qua, các đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Ðảng trong thực tiễn. Tập trung tuyên truyền, triển khai Chỉ thị 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; đa dạng hình thức tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin của đoàn viên, hội viên, người lao động. Các ý kiến tại hội nghị kiến nghị, thời gian tới, cần tăng cường chỉ đạo, định hướng thông tin, kịp thời cung cấp tài liệu cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề, sự kiện quan trọng, nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm; tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, xuất bản, văn hóa bảo đảm an ninh trên mạng internet, đấu tranh, phản bác các luận điệu phá hoại, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng định hướng thông tin tuyên truyền trên báo chí, tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, thông tin tích cực trên mạng xã hội; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, sớm phát hiện vấn đề nảy sinh để kịp thời định hướng và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Nhà báo và Công luận, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Văn hóa, Giao thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16-6) đồng loạt đăng tải nội dung bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân; tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Chủ tịch Quốc hội cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội đã đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2018, thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý vốn đầu tư, nợ công và bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia. Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật quy hoạch; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016"; Nghị quyết về hoạt động chất vấn.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Tuổi Trẻ, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Dân trí (11-6) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Mạc Thị Bưởi (nay là Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn). 5 bị cáo phải hầu tòa, trong đó có Phạm Thị Mai Toan, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc; Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc và Đỗ Thị Yến, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh. Theo cáo trạng, thời điểm vay vốn, Công ty Á Châu chưa được cấp phép thực hiện dự án, nhưng quá trình thẩm định, các cán bộ Agribank Mạc Thị Bưởi đều báo cáo dự án có tính khả thi cao. Phạm Thị Mai Toan đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục để Công ty Á Châu vay 90 tỷ đồng. Theo kết quả điều tra, sau khi đối trừ các tài sản thế chấp, Công ty Á Châu không còn khả năng thanh toán cho Agribank Mạc Thị Bưởi hơn 21 tỷ đồng. Bên cạnh đó, năm 2009, bà Phí Thị Ong đã ký phê duyệt cho Công ty A.D.N vay 75 tỷ đồng với tài sản thế chấp là 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, những người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác nhận họ không giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty A.D.N và một số giấy chứng nhận khác là giả. Đến nay, Công ty A.D.N không có khả năng thanh toán cho Agribank Mạc Thị Bưởi số tiền 75 tỷ đồng. Những sai phạm trên đã khiến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thiệt hại gần 100 tỷ đồng.
 
    Báo Thanh tra (12-6) đưa tin Hội nghị bàn tròn về kê khai tài sản ở Việt Nam do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức. Các đại biểu đã thảo luận về biện pháp xử lý hành chính khi chậm nộp bản kê khai, xác định những điểm mạnh, yếu trong bối cảnh của Việt Nam với từng phương án. Theo đó, tại Việt Nam chế tài xử lý kỷ luật áp dụng đối với công chức vi phạm quy định về kê khai theo Điều 31 Nghị định 78/2013. Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, chế tài xử phạt hướng tới cá nhân chứ không phải tài sản của người đó. 
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Tiền Phong, Thanh tra, Nhân đạo, Nông nghiệp, Tuổi Trẻ, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN (12-6) cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo về việc thanh tra các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hà Nội. Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành, có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, tiến hành thanh tra toàn diện các dự án theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra phản ánh của dư luận về việc của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu “đất vàng” tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất, kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan. Qua đó, kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về các vấn đề liên quan và kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-12-2018.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Công lý, Thanh Niên, Giao thông, Nông nghiệp, Hà Nội mới, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (13-6) dẫn nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) đang điều tra mở rộng vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). Liên quan đến vụ án, C46 đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Văn Phước, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần lương thực Nam Định; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Cúc, nguyên Trưởng Ban kiểm soát DAB. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, đã khởi tố tổng cộng 25 bị can, kê biên thu hồi tài sản có tổng giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng.
 
    Báo Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ (15-6) cho biết, Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố, tạm giam 4 tháng để điều tra đối với ông Nguyễn Đức Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Qua thu thập hồ sơ và kiểm tra thực tế tại 17 điểm kinh doanh dịch vụ do Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thấy, doanh nghiệp này đã tự ý cho các tổ chức, cá nhân vào sử dụng, kinh doanh dịch vụ và hầu hết đã cải tạo, sửa chữa, thay đổi nguyên trạng ban đầu; nghiêm trọng hơn, nhiều tổ chức còn cho thuê lại, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước, gây thất thoát số tiền lớn. Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan. 
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Nghệ An, Công an TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN (16-6) thông tin từ  UBND huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An xác nhận, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Nghệ An đã bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Thái Doãn Tồn, nguyên Bí thư và ông Phan Xuân Thủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ để làm rõ vụ việc UBND xã giao 143 thửa đất trái thẩm quyền để thu 1 tỷ 466 triệu đồng, trong đó UBND xã Nghĩa Thái mới chỉ nộp vào ngân sách nhà nước 175 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 1 tỷ 290 triệu đồng đã hạch toán, quản lý trái quy định pháp luật, trái nguyên tắc quản lý kinh tế.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Đài Truyền hình Việt Nam (11-6) đưa tin, các Công tố viên Peru mở cuộc điều tra nhằm vào 3 cựu Tổng thống nước này với cáo buộc nhận hối lộ từ Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil để sử dụng cho chiến dịch tranh cử tổng thống, đổi lại tạo điều kiện cho Tập đoàn này thắng thầu trong các dự án. Trước mắt, cuộc điều tra sơ bộ đối với ba cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, Alan Garcia và Alejandro Toledo với cáo buộc rửa tiền, đồng thời điều tra những nhân vật thân cận với ba cựu chính khách này. Ngoài ra, cơ quan chức năng Peru cũng đang tiến hành điều tra cựu Tổng thống Ollanta Humala (nhiệm kỳ 2011-2016) với cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD từ tập đoàn xây dựng Odebrecht.
 
    Báo Thanh tra (16-6) cho biết, Tòa án Thường Châu, Trung Quốc đã mở phiên xử Hạng Tuấn Ba, nguyên Ủy viên Trung ương khóa 18, Chủ tịch Ủy ban Giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) phạm tội nhận hối lộ. Hạng Tuấn Ba bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng 19,42 triệu NDT (69 tỷ VND). Tuấn Ba đã nhận tội. Phiên tòa đã kết thúc, mức án sẽ được tuyên vào ngày khác. Cáo trạng của cơ quan kiểm sát nêu rõ, từ 2005 đến 2017, Hạng Tuấn Ba đã lợi dụng các chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Chủ tịch Công ty Ngân hàng Cổ phần Nông nghiệp Trung Quốc… giúp các đơn vị và cá nhân trong việc nhận thầu, cho vay… rồi trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
 
    - Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
 
    - Ban Nội chính Trung ương sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng với 04 cơ quan báo chí.
 
    - Khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với nguyên Tổng Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
 
    - Điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.