Điểm báo tuần số 255 từ ngày 19-3 đến ngày 24-3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 26/03/2018, 14:21 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đài TNVN (19-3) cho biết, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Cụ thể, Quy định này quy định về nguyên tắc và những nội dung cơ bản để tổ chức thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những thành tích nổi bật để phát huy, chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém; liên hệ với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chỉ rõ nguyên nhân khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp và thời gian khắc phục. Bộ Chính trị yêu cầu việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại phải bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết, thống nhất; trung thực, khách quan, toàn diện; công bằng, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trách nhiệm; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở… Theo Quy định 132 này, các tổ chức, cơ quan, đơn vị sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nếu có đơn vị trực thuộc xảy ra các vụ, việc tham ô, tham nhũng và các vi phạm khác bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả); chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt 100% (trừ trường hợp bất khả kháng); Tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật hoặc có trên 20% số đơn vị trực thuộc bị kỷ luật trong năm cũng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Đại Đoàn kết, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-3) tiếp tục đưa tin về Phiên họp thứ 22, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề chính: (1) Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội. Trách nhiệm trả lời là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. (2) Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Trách nhiệm trả lời là và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh... Đây là lần đầu tiên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”… Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  nhấn mạnh: Với tinh thần không ngừng đổi mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này. Qua đó, tạo sự tương tác nhiều hơn giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn, nâng cao hơn trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn. Sau phiên họp này, tại phiên họp thứ 23 (tháng 4-2018) sẽ cho ý kiến 12 dự án luật cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Các dự án luật trình lần đầu tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp thứ 23 để kịp tiếp thu, chỉnh lý gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp thứ 24 (tháng 5-2018) sẽ tập trung cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét, rà soát đối với một số dự án luật. Ðề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị các dự án luật bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
 
Quang cảnh Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Quang cảnh Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    Báo Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Xây dựng, TTXVN (19-3) đưa tin, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này năm 2018. Theo đó, năm 2018, các bộ, ngành và cơ quan liên quan sẽ thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư của các bộ, ngành và các hoạt động khác. Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức các lớp đào tạo báo cáo viên, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ thu thập thông tin dân cư tại địa phương. Bộ Công an chủ trì tổ chức triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an, Bộ Tư pháp chủ trì triển khai mở rộng cấp số định danh cá nhân. Các bộ, ngành ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết (21-2) cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Kế hoạch phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, thống nhất phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Hội đồng tư vấn Đối ngoại - Kiều bào của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, về hoạt động giám sát, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc sẽ cử các Đoàn giám sát tại sáu tỉnh, thành phố trong quý III, tập trung vào phương án đổi mới về lĩnh vực giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông, những chủ trương đối với giáo viên và giảng viên, chương trình giáo dục, các nhóm giải pháp về quản lý như nhân lực, nguồn lực vật chất,... Hội đồng tư vấn Đối ngoại - Kiều bào tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn công tác đối ngoại nhân dân của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nam, mở rộng các kênh thông tin để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của kiều bào để phản ánh với Đảng, Chính phủ, Quốc hội...
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Dân trí (21-3) theo nguồn tin từ Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, vừa thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao-su Đắk Lắk khóa 9 (nhiệm kỳ 2005-2010) và khóa 10 (nhiệm kỳ 2010-2015) đối với ông Huỳnh Văn Khiết, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Đắk Lắk. Theo quyết định kỷ luật, ông Huỳnh Văn Khiết bị kỷ luật vì trong thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc công ty đã vi phạm quy chế làm việc, điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và các quy định trong đầu tư, xây dựng, tài chính. Cụ thể, ông tự ý quyết định cho Công ty TNHH Huỳnh Phước đầu tư xây dựng thêm một số công trình tại Trung tâm du lịch văn hóa-sinh thái Bản Đôn khi không xin phép UBND tỉnh và không đúng các quy định của Luật xây dựng. Ông góp vốn vào Công ty cổ phần thương mại và du lịch Bản Đôn, góp thêm vốn vào Công ty cổ phần Chỉ thun Đắk Lắk không đúng quy định của Bộ Tài chính. Các vi phạm của ông Huỳnh Văn Khiết là nghiêm trọng, gây thiệt hại vốn của Nhà nước, có biểu hiện vụ lợi, làm giảm uy tín của tổ chức đảng. Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Đảng ủy Công ty TNHH MTV Cao-su Đắk Lắk vì buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm trên.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-03) đồng loạt đưa tin về việc Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng và 6 đồng phạm khác ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, Đinh La Thăng trên cương vị Chủ tịch HĐQT PVN đã chỉ đạo các thuộc cấp, trong đó có Nguyễn Xuân Sơn (khi đó giữ chức Trưởng ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt) làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn đầu tư, trong đó có Ngân hàng Đại dương (OceanBank). Hậu quả việc làm này, PVN mất 800 tỷ đồng. Dự kiến phiên xét xử kéo dài trong 10 ngày.
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Bảo vệ pháp luật, Người lao động, Đài TNVN, TTXVN (19-3) đăng tải quyết định truy nã của Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với đối tượng Phạm Văn Ngoan, điều tra viên Công an quận 8, TP. Hồ Chí Minh để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Mọi công dân khi phát hiện đối tượng bị truy nã hoặc biết thông tin có liên quan về đối tượng thì báo ngay cho Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đại diện thường trực và phòng nghiệp vụ tại các khu vực biết để xử lý.
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Công lý, An ninh Thủ đô, Xây dựng, Vnexpress, Đài TNVN, TTXVN (20-3) đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo cáo trạng, Bùi Văn Khen, nguyên Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH Một thành viên BIDV và Nguyễn Việt Hưng, nguyên Trưởng phòng Khách hàng cá nhân BIDV Chi nhánh Chương Dương đã có hành vi cho thuê tài chính dưới hình thức cho Công ty Xi măng Lào Cai thuê máy móc, thiết bị phục vụ một dự án xây dựng thủy điện trái với quy định về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính, dẫn đến việc Công ty Xi măng Lào Cai bán, gán nợ và cho bên thứ ba thuê lại tài sản trái pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty Cho thuê tài chính BIDV hơn 11,3 tỷ đồng tiền gốc và 9,6 tỷ đồng tiền lãi. Hội đồng xét xử tuyên phạt Bùi Văn Khen 5 năm tù và Nguyễn Việt Hưng nhận 2 năm 6 tháng tù. 
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VietNamNet (21-3) cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 12 bị can trong đường dây buôn lậu xăng dầu cực lớn từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Các bị can bị đề nghị truy tố về các tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa và nhận hối lộ. C46 đã xác định chỉ trong 3 tháng, từ tháng 10-2015 đến tháng 1-2016 đã có 12 chuyến tàu vận chuyển hơn 130 triệu lít xăng dầu trị giá hơn 2.000 tỷ đồng từ Singapore về Công ty Dương Đông Hòa Phú (Tuy Phong, Bình Thuận) tiêu thụ với sự giúp sức, bảo kê của nhiều cán bộ Chi cục Hải quan tỉnh Bình Thuận và cán bộ giám định. C46 cũng đã chứng minh làm rõ có việc đưa và nhận hối lộ bằng phong bì “bồi dưỡng”, thậm chí có vụ nhận hơn 2 tỷ đồng. Vụ án đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam (22-3) có bài viết “Thái Nguyên: Sai phạm hàng loạt, Chi cục trưởng chi cục thủy lợi chỉ bị cảnh cáo”. Nội dung bài báo cho biết: ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Thái Nguyên đã để xảy ra hàng loạt sai phạm ở đơn vị này. Đơn cử là Dự án công trình nâng cấp đập Tân Hợp, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa chưa bàn giao đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; Dự án “Thi công lắp đặt trạm biến áp và hệ thống điện phòng chống lụt bão” thực hiện không đúng quy trình lựa chọn nhà thầu; Dự án công trình kè chống sạt lở đê sông Công thuộc địa bàn thị xã Phổ Yên với nguồn vốn gần 10 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ đã thi công “nhầm” vị trí gói thầu; Dự án xây mới phòng họp, phòng trực ban của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cốt thép các cột của công trình đã bị đặt sai thiết kế… Căn cứ quy định của Bộ Chính trị quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Tỉnh ủy Thái Nguyên thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Thành Nam. Cho rằng mức kỷ luật như trên đối với ông Nam chưa tương xứng, ông Nguyễn Trường Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Thái Nguyên đã có đơn gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị chỉ đạo, làm rõ các vi phạm của ông Nam và có hình thức xử lý đích đáng. Việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Thành Nam khiến dư luận và người dân bức xúc, hoài nghi có sự bao che cho ông Nam.
 
    Báo Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh niên, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, TTXVN (23-3) theo nguồn tin từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng - VNCB). Theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình được NHNN giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế; giúp Thống đốc trong việc chỉ đạo tái cơ cấu một số ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Ông Bình cũng ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với những hoạt động tại VNCB. Sau khi Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, tiền thân của VNCB) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện thì VNCB được xếp vào một trong những ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này, VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát. Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho nhóm Thiên Thanh, đứng đầu là Phạm Công Danh vi phạm pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tuổi Trẻ (22-3) cho biết, ông Nicolas Sarkozy, cựu Tổng thống Pháp chính thức bị điều tra liên quan đến cáo buộc nhận 50 triệu USD từ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi trong chiến dịch tranh cử 2007. Cựu tổng thống Pháp đã được bảo lãnh tại ngoại trong hôm 21-3 sau hai ngày bị thẩm vấn bởi các chuyên viên điều tra về tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế. Ông bị cáo buộc chi tiêu trong chiến dịch tranh cử bất hợp pháp, nhận hối lộ và biển thủ công quỹ của Libya. Cuộc điều tra hứa hẹn sẽ là quả bom bê bối chính trị lớn nhất tại Pháp trong hàng thập kỷ qua. 
 
    Báo Thanh tra (23-3) đưa tin, cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng có liên quan đến hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 2,5 tỷ USD. Trong thương vụ mua bán vũ khí kể trên, ông Zuma, khi đó là Phó Tổng thống Nam Phi, được cho là đã nhận hối lộ từ một công ty vũ khí của Pháp thông qua Cố vấn tài chính Schabir Shaikh (đã bị bắt giam năm 2005). Hiện nhà lãnh đạo 75 tuổi này vẫn phủ nhận mọi cáo buộc và chưa có thông báo chính thức về thời gian diễn ra phiên xét xử.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
    - Cách hết các chức vụ trong Đảng đối với nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Đắk Lắk.
 
    -  Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
 
    - Xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm làm thất thoát 800 tỷ đồng.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.