Điểm báo tuần số 219 từ ngày 10-7 đến ngày 15-7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 17/07/2017, 15:27 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10-7) đưa tin, 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.847 cuộc thanh tra hành chính và 136.096 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện sai phạm hơn 29,5 nghìn tỷ đồng, hơn 4,9 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 19,5 nghìn tỷ đồng và hơn 4,6 nghìn ha đất, đã thu hồi hơn 5,5 nghìn tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 9,9 nghìn tỷ đồng, 302 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 724 tập thể, 22 cá nhân; ban hành 82.074 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Ngành Thanh tra đã phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. 
 
    Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (11-7) phản ánh, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Quảng Nam trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo Thanh tra Chính phủ, ngoài những thành tích đạt được, UBND tỉnh Quảng Nam còn những hạn chế như: UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ chưa đầy đủ theo quy định. Việc kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các sở, ngành, huyện, thị chưa thường xuyên; vẫn còn đơn thư khiếu nại vượt cấp. Việc thực hiện kế hoạch thanh tra còn chậm, có cuộc thanh tra kéo dài so với thời gian quy định. Đặc biệt, một số kết luận thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế có giá trị lớn nhưng kết quả xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân có liên quan đến sai phạm thì không nhiều, đồng thời chưa nêu đích danh tập thể, cá nhân phải được xem xét xử lý do có liên quan đến những sai phạm. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tiếp công dân theo đúng quy định; kiện toàn, hoàn thiện bộ máy Ban Tiếp công dân tỉnh. Đồng thời chỉ đạo, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo…
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11 đến 12-7) phản ánh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 12, nghe và thảo luận về: Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh; việc điều chỉnh đối tượng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12-7) đưa tin, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật trợ giúp pháp lý; Luật cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật quản lý ngoại thương; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật chuyển giao công nghệ; Luật du lịch; Luật thủy lợi; Luật đường sắt.
 
    Báo Thanh Niên, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (12-7) phản ánh, trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế thực hiện 829 cuộc kiểm tra nội bộ, đạt 41,7% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016; phát hiện số tiền thuế sai phạm kiến nghị là hơn 17 tỷ đồng. Đã có 355 cán bộ thuế sai phạm với các hình thức như: Cán bộ thuế quản lý thu, nộp thuế hộ kinh doanh không thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước kịp thời theo quy định, có dấu hiệu gian lận, tham ô, chiếm dụng tiền thuế; thu thiếu tiền lệ phí trước bạ, thu về đất và thuế thu nhập cá nhân; tính sai, tính thiếu tiền thuế trong việc cấp hóa đơn bán lẻ... Ngành thuế đã xử lý hành chính 334 người, trong đó áp dụng hình thức kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 326 người, khiển trách 4 người, cảnh cáo 3 người, hạ bậc lương 1 người; riêng trường hợp 1 cán bộ thuế vi phạm tại Cục Thuế tỉnh Long An đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12-7) cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 855 tổ chức đảng và hơn 3.500 đảng viên; trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 9 tổ chức và 15 đảng viên, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật một tổ chức đảng và 6 đảng viên. Về thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 87 tổ chức đảng và hơn 6.000 đảng viên, tăng 61% tổ chức và 16% số đảng viên so với cùng kỳ năm 2016. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.600 đảng viên; trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 7 đảng viên, Ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị thi hành kỷ luật 1.641 đảng viên. Nội dung vi phạm chủ yếu là những điều đảng viên không được làm, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản...
 
Ủy ban Kiểm tra Trung ương sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017
Ủy ban Kiểm tra Trung ương sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ
6 tháng cuối năm 2017
    Báo Nhân Dân, Thanh niên (13-7) phản ánh, Bộ Thông tin - Truyền thông nhận định có nhiều biểu hiện tiêu cực từ không ít các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, gây khó khăn cho không ít cơ quan, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp và gây phản cảm đối với người dân. Bộ đã ban hành Công văn số 2411/BTTTT-CBC yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật về báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp. Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn thực hiện các thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13-7) thông tin, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức hội nghị sơ kết việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công khai, minh bạch để tạo đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cần tăng cường sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tổng kết 10 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; khẩn trương triển khai các bước nhằm thể chế hoá thành luật đối với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thanh tra nhân dân; xây dựng các kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở 6 khu vực, trong đó tập trung ở vùng sâu, vùng xa; kiểm tra một số chuyên đề; đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội…
 
    Truyền hình thông tấn (15-7) có phóng sự: “Lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Bể trù dập người tố cáo?” với nội dung chính: Lãnh đạo vườn quốc gia Ba Bể không chịu trách nhiệm khi để xảy ra hàng loạt vụ việc phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí còn trù dập người đã tố cáo những sai phạm đó. Cụ thể: Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2017 đến nay, Vườn quốc gia Ba Bể đã phát hiện 36 cây gỗ nghiến cổ thụ với khối lượng gần 240 mét khối (bị chặt hạ). Vụ việc chỉ bị phát hiện và có cơ quan chức năng kiểm tra khi có thông tin từ báo chí và người dân, còn lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Bể thì tìm mọi cách bưng bít thông tin. Thay vì tìm cách tốt nhất để bảo vệ và giữ rừng thì lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Bể đã trù dập cán bộ bằng hình thức buộc thôi việc cán bộ cấp dưới vì nghi ngờ cung cấp thông tin cho báo chí. Còn người trực tiếp chỉ đạo kiểm lâm viên lập biên bản khống thì chỉ bị cảnh cáo…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Thông tin từ báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10-7), Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã tuyên án vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh khu vực Minh Hải (VDB Minh Hải)... Bị cáo Đặng Thị Ngợi, nguyên Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh bị tuyên án 16 năm tù giam. Tòa cũng tuyên án 14 năm tù với Nguyễn Tấn Hải, nguyên Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải và Huỳnh Minh Trung, Công ty TNHH Nhật Đức; bị cáo Phan Xuân Minh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu và Nguyễn Hữu Thành, nguyên Tổng Giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Đại Dương đồng mức án 12 năm tù giam; bị cáo Võ Kiều Oanh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nam Thành mức 7 năm tù; bị cáo Phan Xuân Nhựt, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu, nguyên Kế toán trưởng Công ty Ngọc Châu mức 2 năm 7 tháng 28 ngày tù (được trả tự do ngay tại tòa). Đối với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng," nguyên Giám đốc VDB Minh Hải, Trịnh Tuấn Mẫn lĩnh án 12 năm tù giam; nguyên Phó Giám đốc VDB Minh Hải, Vũ Văn Hoan lĩnh án 7 năm tù. Riêng 6 người nguyên là cán bộ ngân hàng chịu mức án từ 18 tháng đến 7 năm tù, trong đó, hai bị cáo được Hội đồng xét xử trả tự do vì nhận án treo. Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến 2011, các bị cáo đã lập hồ sơ không đúng sự thật nhằm mục đích vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB Minh Hải và các ngân hàng thương mại khác. Phần lớn số tiền vay được, không sử dụng vào mục đích kinh doanh mà sử dụng vào mục đích cá nhân, từ đó dẫn đến mất khả năng thanh toán với tổng số tiền hơn 1.069 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-7) đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm vụ 7 cán bộ thanh tra giao thông, thuộc Sở Giao thông vận tải Cần Thơ cùng 2 bị cáo khác bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" hơn 4 tỷ đồng gồm: Dương Minh Tâm, nguyên Phó Chánh Thanh tra giao thông thành phố Cần Thơ; Đoàn Vũ Duy, nguyên Đội trưởng Đội 11, phụ trách địa bàn quận Bình Thủy; Võ Hoàng Anh, nguyên Đội trưởng Đội 3, phụ trách quận Ninh Kiều; Nguyễn Trần Lưu, nguyên Đội trưởng Đội 6, phụ trách quận Thốt Nốt; Lý Hoàng Minh, nguyên Đội phó Đội 3, phụ trách quận Ninh Kiều; Hồ Công Thiện, nguyên Đội phó Đội 7, phụ trách huyện Phong Điền và Trần Lập Pháp, nguyên cán bộ Đội 4, phụ trách quận Cái Răng. Hội đồng xét xử tuyên phạt Đoàn Vũ Duy mức án tù chung thân; Võ Hoàng Anh 15 năm tù; Dương Minh Tâm 10 năm tù; Lý Hoàng Minh 9 năm tù; nhóm ba bị cáo gồm Nguyễn Trần Lưu, Hồ Công Thiện và Trần Lập Pháp mỗi bị cáo 7 năm tù. Hai bị cáo Trần Tường An (ngụ Cần Thơ) và Nguyễn Văn Cần (ngụ Vĩnh Long) là những người giúp sức cho nhóm 7 thanh tra giao thông nhận hối lộ lần lượt lĩnh án 7 năm tù và 20 năm tù.
 
    Theo thông tin từ báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-7), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra giai đoạn 2 vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), đề nghị truy tố Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh) và 23 đồng phạm về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của VNCB, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới đem tiền của VNCB gửi qua 3 ngân hàng khác làm tài sản đảm bảo rồi từ đó vay tiền nhằm mục đích trả nợ cho các công ty mà ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn, làm thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm tù về các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng." Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo, tuyên y án đối với Phạm Công Danh.
 
    Báo Thanh niên, Tiền phong (13-7) dẫn thông tin trong báo cáo kết quả thi hành án dân sự (THADS) trong hình sự quý 3-2017 của Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đã thi hành xong toàn bộ tiền án phí hơn 3,4 tỷ đồng; thu được khoảng 233 tỷ đồng/11.080 tỷ đồng tiền sung công quỹ nhà nước; bồi thường các ngân hàng, tổ chức cá nhân 39 tỷ đồng/gần 2.700 tỷ đồng. Hiện thi hành án đang gửi tiết kiệm hơn 56,7 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Huyền Như, do một phần bản án bị tuyên hủy (khoảng 1.000 tỷ đồng) điều tra lại. Đối với vụ Phạm Công Danh, với tổng số tiền phải thi hành án, thu hồi về cho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam là hơn 12.000 tỷ đồng, hiện tổ thi hành án đã yêu cầu ngân hàng tất toán 124 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích trị giá 5.190 tỷ đồng để thi hành án cho ngân hàng, đạt tỷ lệ 40% trên tổng số tiền phải thu hồi; thu được của Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt 3 tỷ đồng để chuyển trả cho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam; số tiền 621.900 USD hiện đang có trong tài khoản tạm giữ của Cục THADS thành phố, chấp hành viên đã đề nghị Kho bạc nhà nước thành phố chuyển đổi sang tiền VND để xử lý thi hành án cho Phạm Công Danh. Riêng phần thi hành án liên quan đến Công ty cho thuê tài chính II đã thi hành xong 39 tỷ đồng sung công quỹ nhà nước, chỉ còn một phần tiền án phí, bồi thường cho công ty. Ngoài ra, Cục THADS TP vẫn đang tiếp tục tổ chức thi hành các bản án liên quan đến Vinalines (theo ủy thác của Cục THADS TP Hà Nội), vụ Epco - Minh Phụng, Ngân hàng Việt Hoa…
 
    Báo Quân đội nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Truyền hình An ninh (13-7) đưa tin, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí Bộ Công an sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan điều tra khởi tố mới tăng 29 vụ án và 33 bị can so với cùng kỳ năm 2016. Cơ quan điều tra đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc về tham nhũng; tập trung thu hồi, kê biên nhiều tài sản, áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát không để đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu phải nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời các vụ án tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm; đẩy nhanh các vụ án điều tra đã khởi tố, các chuyên án, đầu mối vụ việc; chú trọng công tác kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý tin báo tố giác tội phạm tham nhũng, công tác bắt, giam giữ, xử lý tội phạm về tham nhũng, kiên quyết không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Tuổi trẻ, An ninh thủ đô, Hà Nội mới, Kinh tế đô thị (14-7) dẫn thông tin từ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 Ban Chỉ đạo Chương trình 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020” cho biết: Về công tác xử lý các vụ án tham nhũng, 6 tháng đầu năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan nội chính thành phố giải quyết 7 vụ việc, vụ án quan trọng. Cơ quan điều tra Công an TP đã thụ lý điều tra 26 vụ/68 bị can; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 9 vụ/39 bị can; tài sản thiệt hại là 11.019m2 đất, 939 triệu đồng; tài sản thu hồi gồm 1.223m2 đất và hơn 2,5 tỷ đồng (gồm cả các vụ đã khởi tố chuyển sang). Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý 16 vụ/66 bị can; đã giải quyết 10 vụ/39 bị can; truy tố, chuyển Toà án 10 vụ/39 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 29 vụ/106 bị cáo; đã xét xử 16 vụ/50 bị cáo; đang thụ lý giải quyết 10 vụ/43 bị cáo. Tòa án nhân dân TP cũng tập trung đẩy nhanh giải quyết các vụ án tham nhũng nói chung, nhất là các vụ án nổi cộm như vụ án Trịnh Hồng Khánh và đồng bọn phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hồng Hà (Hà Nội).
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (13-7) đưa tin, cựu Tổng thống Brazil, ông Luiz Lula da Silva, bị kết án 9 năm rưỡi tù vì tội danh tham nhũng. Thẩm phán xác định ông có tội khi nhận 1,2 triệu USD tiền hối lộ từ công ty xây dựng OAS SA khi còn làm Tổng thống Brazil từ năm 2003 đến 2010. Các công tố viên cho rằng, công ty dùng khoản tiền này để tân trang lại căn nhà bên bãi biển cho ông Lula, đổi lấy việc ông giúp công ty thắng hợp đồng với công ty dầu khí nhà nước Petroleo Brasileiro. Đây là cáo trạng đầu tiên trong 5 cáo trạng chống lại ông Lula da Silva. Ông vẫn được tự do, chờ kháng cáo và sẽ dự thêm 4 phiên xét xử tham nhũng nữa. Những người bào chữa cho ông Lula cho rằng ông vô tội và họ sẽ kháng cáo. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Kết thúc điều tra giai đoạn 2 vụ án kinh tế tại Ngân hàng Xây dựng.
 
    - Nguyên Đội trưởng đội Thanh tra giao thông Cần Thơ lĩnh án chung thân.
 
    - Tuyên án các "đại gia thủy sản" chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.