Điểm báo tuần số 217 từ ngày 26-6 đến ngày 01-7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 03/07/2017, 16:14 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Đài TNVN (27-6) cho biết, Thanh tra Chính phủ đã công bố Quyết định số 1614/QĐ-TTCP ngày 26-6-2017 thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, việc chấp hành pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về minh bạch tài sản thu nhập. Đoàn sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có liên quan đến hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ. Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai liên quan đến thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân của gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái). Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái; đồng thời xác minh việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai; việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép với lô đất tại tổ 42, 52 của hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ.
 
    Báo Thanh niên, Tuổi trẻ, TTXVN (28-6) thông tin về việc kiến nghị Bộ Công an tránh oan sai, liên quan đến việc bác sĩ Hoàng Công Lương, Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, vừa bị bắt tạm giam sau khi xảy ra tai biến chạy thận sáng 29-5, khiến 8 người tử vong ở Hoà Bình. Theo đó, thay mặt Hội Hồi sức - Cấp cứu và chống độc Việt Nam, GS-TS Nguyễn Gia Bình kiến nghị lên Bộ Công An, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan, trong đó kiến nghị Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận một cách khách quan để tránh oan sai. Ông Bình cho rằng về quy trình chuyên môn, việc cung cấp nguồn nước đủ tiêu chuẩn lọc máu là trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện, các phòng ban và nhân viên kỹ thuật được phân công. Chính vì thế, bác sĩ Hoàng Công Lương, cán bộ Đơn nguyên Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, không có trách nhiệm trong việc này.
 
    Báo Lao động, Dân trí, Vietnamnet (28-6) phản ánh Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ. Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cung cấp thông tin kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương gây bức xúc, bất bình trong dư luận. Thời gian qua, số lượng cấp phó tại một số cơ quan, đơn vị vượt quá so với quy định. Bộ Nội vụ đã kiểm tra, thanh tra tại một số đơn vị như Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa (có 08 Phó Giám đốc Sở); Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Định (có 06 Phó Giám đốc Sở), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương (có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo); Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên (thừa 23 cấp phó). Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương có phương án sắp xếp số lượng cấp phó bảo đảm đúng số lượng theo quy định và tổ chức kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định pháp luật.
 
    Báo Tuổi trẻ, Lao động, Tiền phong, Giao thông, Dân trí, Điện tử VTC, Đài TNVN, TTXVN (29-6) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi xin lỗi oan sai theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với hai vợ chồng ông Phan Chí Lộc và bà Nguyễn Thị Hòa (trú tại phường 1, Thành phố Đông Hà). Năm 2009, ông Lộc và bà Hòa bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc đưa người ra nước ngoài. Phiên tòa sơ thẩm lần 1 đã tuyên ông Lộc 9 năm tù giam, bà Hòa 7 năm tù giam. Vụ án lần lượt trải qua 4 phiên tòa xét xử cuối cùng cơ quan tố tụng tuyên ông Lộc và bà Hòa không phạm tội lừa đảo. Ngày 25-01-2016, giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị Trần Đức Việt - thủ trưởng cơ quan điều tra tỉnh đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Lộc và bà Hòa trong vụ án nói trên. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đã xin lỗi công khai các nạn nhân và cải chính thông tin trên 3 số báo liên tiếp trên báo Nhân Dân và báo Quảng Trị.
 
    Báo Nhân Dân, Đời sống pháp luật, Infonet, Vietnamnet (29-6) phản ánh, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh công bố kết quả xử lý kỷ luật đối với hai tập thể và 11 đảng viên liên quan đến sai phạm tại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Tân Phú (nhiệm kỳ 2010-2015): kỷ luật cảnh cáo đối với Chi bộ Ban BTGPMB; khiển trách Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú; khai trừ Đảng đối với ông Thi Danh (nguyên Trưởng Ban BTGPMT) và ông Nguyễn Duy Linh (nguyên Kế toán trưởng); kỷ luật cảnh cáo đối với bà Võ Thị Thanh Hằng, Phó Trưởng ban và ông Phan Tấn Lực, nguyên Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tân Phú. Kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các đồng chí: Hứa Thị Hồng Phấn (Chủ tịch UBND quận), Lương Thị Phượng (Phó Chủ tịch UBND quận), Nguyễn Tiến Lực (Chánh Thanh tra quận)... Theo kết luận kiểm tra, Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú (nhiệm kỳ 2010-2015) và một số tổ chức đảng, đảng viên đã có thiếu sót, khuyết điểm thực hiện không đúng các quy định trong công tác cán bộ; việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ không đúng thực chất dẫn đến bổ nhiệm và bổ nhiệm lại chức vụ Trưởng Ban BTGPMB đối với ông Thi Danh sai quy định; Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú thiếu quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra giám sát đối với UBND quận về quản lý các dự án BTGPMT, lỏng lẻo trong quản lý tài chính để ông Thi Danh chiếm dụng số tiền hơn 54 tỷ đồng kinh phí BTGPMB…
 
    Báo Nhân Dân (29-6) cho biết, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành Thông báo số 1613/TB-TTCP kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Ninh Thuận trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, giai đoạn từ ngày 01-01-2013 đến ngày 15-12-2015. Qua thanh tra tại 18 cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Ninh Thuận TTCP cho biết: Một số đơn vị thực hiện thanh tra chưa đầy đủ trình tự, thủ tục, như không thông báo kết thúc thời gian thanh tra trực tiếp; thời gian thanh tra vượt quá thời hạn quy định; không xây dựng kế hoạch thanh tra; chậm công bố quyết định thanh tra; tiến hành hai cuộc thanh tra vượt quá nội dung và đối tượng thanh tra so với kế hoạch thanh tra được phê duyệt. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra còn hạn chế cho nên tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản và nhất là đất đai chưa kịp thời; chưa quan tâm việc quy trách nhiệm, kiến nghị kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với những đơn vị, tổ chức cá nhân để xảy ra sai phạm. Việc tiếp dân định kỳ của lãnh đạo một số đơn vị chưa đầy đủ, dưới 50% theo quy định… Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai nhiều công việc nhằm khắc phục những khuyết điểm nêu trên.
 
    Báo Nhân Dân, Thanh tra (30-6) phản ánh, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban về công tác thanh tra, tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân các địa phương khu vực phía Bắc tuy có chiều hướng giảm so các năm trước cả về số lượng đoàn đông người và số vụ việc, nhưng tính chất vẫn còn phức tạp. Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng...; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện phải bảo đảm đúng trình tự, quy định, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch; nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh vụ việc mới, vụ việc phức tạp, kéo dài; một số địa phương hiện đang còn những vụ việc kéo dài cần tập trung giải quyết dứt điểm.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Người lao động, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Vietnamnet, Vnexpress, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (30-6) đưa tin, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (SN 1979, thường trú tại phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) 10 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Hội đồng xét xử có cùng nhận định, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, mặc dù đã được cơ quan tiến hành tố tụng phân tích, giáo dục nhưng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn không có sự chuyển biến tư tưởng, luôn giữ thái độ chống đối Nhà nước, không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, nhận thức xã hội còn phiến diện, tiêu cực, do vậy cần xử lý nghiêm minh.

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

    Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Lao động, Thanh niên Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26-6) đưa tin về các hoạt động tiếp xúc cử tri của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để báo cáo kết quả kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV. Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và nhà nước rất quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Những năm gần đây, số tài sản thu hồi cao hơn trước rất nhiều. Chính phủ cũng sẽ tăng cường quản lý cán bộ, điều tra xử lý những trường hợp sai phạm nghiêm minh, đồng thời thực hiện cơ chế động viên, khen thưởng người phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trao đổi với cử tri huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai về xử lý sai phạm, phòng chống tham nhũng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc này rất kiên quyết, coi vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, coi việc tham nhũng, lãng phí là nguy cơ rất lớn và phải kiên quyết đấu tranh để ngăn chặn đẩy lùi; quyết tâm này không chỉ thể hiện trong nghị quyết của Đảng, trong pháp luật của Nhà nước mà còn thể hiện bằng hành động cụ thể, trong xử lý không có vùng cấm, dù bất cứ là ai cũng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng ngày 26-6
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng ngày 26-6
 
   Báo Người Lao động, Pháp luật và xã hội, Dân trí (26-6) phản ánh, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đưa vụ án “Tổ chức buôn lậu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng” ra xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Lê Dũng, nguyên Giám đốc Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn cùng 34 đồng phạm khác. Trước đó, TAND TP HCM đã tuyên bị cáo Lê Dũng tù chung thân về tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 37 bị cáo khác bị tuyên phạt mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 26 năm tù giam với các tội danh khác nhau. Dũng, Châu (Giám đốc Công ty Lâm Kim Ngọc), Tuyền (Giám đốc Công ty Lam Tuyền) đã cấu kết với các cán bộ hải quan dùng thủ đoạn xuất khẩu 20 tấn gạo nhưng ghi tờ khai hải quan là thuốc lá rồi lập hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng, được Cục thuế TP HCM cho hoàn thuế 80,3 tỷ đồng. Ngoài ra, với thủ đoạn này, Lê Dũng đã chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ xin hoàn thuế 45,6 tỷ đồng nhưng chưa hoàn tất thì bị phát hiện.
 
    Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Đại đoàn kết, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Người lao động, Thanh tra, Đời sống pháp luật, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Dân trí, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27-6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam hai bị can: Trần Văn Hoàng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại huyện đảo Phú Quốc và Trần Đăng Kiên, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại huyện đảo Phú Quốc để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cơ quan chức năng, Trần Văn Hoàng và Trần Đăng Kiên bị bắt liên quan đến vụ Phạm Thị Ngọc Ánh, nguyên Kế toán trưởng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại Phú Quốc. Nguyễn Thị Ngọc Ánh bị bắt tạm giam ngày 13-3-2017, về hành vi tham ô tài sản. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện tổng số tiền mà Phạm Thị Ngọc Ánh đã thu khống trong giai đoạn từ năm 2013-2015 là hơn 2 tỷ đồng, với thủ đoạn kê khống số tiền nộp để đăng ký quyền sử dụng đất lên cả chục lần. Có trường hợp, người dân chỉ cần nộp 700.000 đồng, nhưng Ánh ghi khống số tiền lên đến 10,7 triệu đồng để lấy phần chênh lệch.
 
    Báo Thanh niên, Sài Gòn giải phóng, Infonet, Dân trí (28-6) dẫn thông tin từ cuộc họp báo về tình hình công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Công an, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), cho biết Cục cảnh sát phòng chống tội phạm và tham nhũng (C46) Bộ Công an đang khẩn trương điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến dự án xơ sợi Polyester Đình Vũ (xơ sợi Đình Vũ). Đến thời điểm này, C46 đã bắt giữ 4 bị can, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với 5 bị can, thu giữ nhiều tài liệu phục vụ cho công tác điều tra. Riêng bị can Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX), chưa bắt được do đã bỏ trốn trước thời điểm cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố. Sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra ra lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc đã tiếp tục đề nghị Tổ chức Interpol truy nã quốc tế.
 
    Báo Thanh tra (28-6) phản ánh, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo Tham vấn các bên liên quan về Dự thảo Báo cáo quốc gia thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) đối với các quy định về phòng, ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng lần này sẽ tập trung đánh giá về yêu cầu của Công ước trong phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng như: Chính sách và thực tiễn phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan phòng ngừa tham nhũng, khu vực công, quy tắc ứng xử cho công chức, báo cáo công khai, các biện pháp liên quan đến hoạt động truy tố và xét xử, sự tham gia của xã hội, các biện pháp chống rửa tiền, các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp, các cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu, hợp tác quốc tế về mục đích tịch thu, trả lại và định đoạt tài sản, thỏa thuận dàn xếp song phương và đa phương…
 
    TTXVN (28-6) đưa tin, Phòng Cảnh sát quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Đặng Văn Toàn (34 tuổi, nguyên Trưởng Phòng kinh doanh Kênh siêu thị Unilever thuộc Hợp tác xã Thương mại Quận 3) để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo Cơ quan điều tra, Toàn là Trưởng phòng kinh doanh kênh siêu thị Unilever thuộc Hợp tác xã Thương mại Quận 3, TP.HCM. Đây là đơn vị phân phối sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam sản xuất và tổ chức bán lẻ vào các hệ thống siêu thị tại thành phố. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, từ tháng 6-2012 đến tháng 7-2012, Trưởng phòng này đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt một số tiền hơn 3 tỷ đồng của Hợp tác xã.
 
    Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Giao thông, Điện tử VTC, Vietnamnet (30-6) thông tin, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu chi Cục kiểm lâm báo cáo gấp vụ bà Nguyễn Thị Kim Hương (Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên), đi nước ngoài trong thời gian Công an đang tiến hành điều tra hành vi tham nhũng. Ngày 23-5, UBND tỉnh Gia Lai có công văn yêu cầu chuyển hồ sơ của Thanh tra tỉnh kết luận bà Hương tham nhũng số tiền hơn 113 triệu đồng sang cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh thì bà Hương báo cáo bị bệnh và được ông Nguyễn Nhĩ (Chi Cục trưởng kiểm lâm tỉnh Gia Lai) ký giấy cho phép và ông Trương Phước Anh (Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) ra văn bản đồng ý cho bà này đi nước ngoài. Ngay sau khi đến Nhật Bản, bà Hương chia sẻ trên facebook cá nhân với những hình ảnh ở Nhật, vẻ mặt rất phấn khởi, không hề có dấu hiệu của bệnh tật. 
 
    Theo thông tin từ Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng (30-6), ông Nguyễn Phan Anh, Phó Ban Thi đua khen thưởng của Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, cho biết: Tại cuộc họp Hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh Cà Mau để xét trường hợp bà Bùi Lệ Oanh - cán bộ Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau, người từng đưa một vụ đưa và nhận hối lộ 200 triệu đồng ra ánh sáng; kết quả bỏ phiếu kín có 8 thành viên đồng ý xét khen thưởng cho bà Oanh, 5 trường hợp còn lại không đồng ý. Theo quy định tại Quy chế thi đua khen thưởng tỉnh Cà Mau, nếu bà Oanh đạt số phiếu thuận 75% trở lên, Hội đồng sẽ có đề xuất đến Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định khen thưởng. Tuy nhiên, bà Oanh chỉ đạt số phiếu thuận 8/13, tức khoảng 61% nên Hội đồng không đề nghị Chủ tịch tỉnh khen thưởng. Năm 2012, bà Bùi Lệ Oanh tố giác một vụ đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Sở mình; ra tòa làm chứng. Tháng 10-2016, tòa án đã xử phạt hai người đưa và nhận hối lộ, thu về cho nhà nước 200 triệu đồng. Sau khi vụ án này kết thúc, Thanh tra tỉnh Cà Mau, Sở Lao động, thương binh và xã hội cùng đề nghị xét khen thưởng cho bà Bùi Lệ Oanh theo Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV về thành tích tố cáo hành vi tham nhũng.
 
    Báo Lao động, Giao thông, Gia đình và xã hội, Vietnamnet, Điện tử TVC, Đài TNVN (30-6) phản ánh, Công an thành phố Hải Phòng phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Nguyễn Văn Cường (SN 1967), nhân viên kế toán trường THCS Hồng Phong, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng để phục vụ công tác điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cường đã mang 7 quyển sổ bảo hiểm xã hội của các giáo viên trong trường đi cầm cố với số tiền 84 triệu đồng. Trong thời gian làm nhân viên kế toán của nhà trường kiêm cộng tác viên của Bảo hiểm Xã hội huyện An Dương (từ tháng 1-2013) đã nhiều lần thu nộp tiền bảo hiểm của cán bộ, giáo viên không rõ ràng, có dấu hiệu của việc sử dụng tiền đóng bảo hiểm để sử dụng vào mục đích cá nhân, dẫn đến việc nợ tiền bảo hiểm. Ngày 22-6, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn Cường để phục vụ công tác điều tra, tuy nhiên Cường đã bỏ trốn khỏi địa phương.
 
    Báo Điện tử Chính phủ (01-7) đưa tin, Bộ Công Thương tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Quản lý thị trường. Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) yêu cầu, lực lượng Quản lý thị trường cả nước cần phải thực sự gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XII về xây dựng Đảng hiện nay. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cần nghiêm túc đánh giá, nhận diện trúng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống để có các giải pháp phòng ngừa ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả. Chú trọng công tác xây dựng lực lượng, thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức lối sống, tác phong công tác, văn hoá  ứng xử, tăng cường kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm khắc công chức vi phạm, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    TTXVN (29-6) cho biết, Tổng thống Brazil Michel Temer hủy chuyến tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức chỉ ít giờ sau khi Tòa án tối cao Brazil chuyển cáo buộc ông phạm tội tham nhũng tới Hạ viện. Ngày 28-6, Thẩm phán Tòa án tối cao Edson Fachin đã chuyển cáo buộc Tổng thống Temer tham nhũng tới Hạ viện, đồng thời bác bỏ yêu cầu dừng điều tra vụ việc của các luật sư bảo vệ người đứng đầu nhà nước. Trước đó hai ngày, Viện kiểm sát Brazil đã chuyển lên Tòa án tối cao kết luận điều tra trong đó khẳng định Tổng thống Temer dính líu tới tham nhũng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, một Tổng thống đương nhiệm bị khởi tố vì tội tham ô. Tổng thống Temer đã bác bỏ kết luận điều tra và tuyên bố đây là sự vu khống không có cơ sở pháp lý với âm mưu làm tê liệt đất nước. Ông khẳng định sẽ không trốn chạy và sẽ tiếp tục đấu tranh bảo vệ danh dự. 
 
    Báo Thanh tra (30-6) thông tin, Luis Gustavo Moreno, Giám đốc Chống tham nhũng của Văn phòng Công tố Nhà nước Colombia đã bị bắt tại Mỹ vì tội rửa tiền có liên quan đến một kế hoạch hối lộ ở nước ngoài. Gustavo Moreno bị bắt giữ bởi một nhóm hoạt động cấp cao với sự hỗ trợ của Cơ quan Thi hành pháp luật về ma túy của Mỹ. Vụ bắt giữ được tiến hành sau khi Interpol ban hành "Thông báo đỏ" với mục đích dẫn độ sau khi Mỹ buộc tội một nhóm người về âm mưu rửa tài sản để thúc đẩy hối lộ, tham nhũng ở Colombia. Mỹ cáo buộc nhóm người nêu trên đã nhận hối lộ từ một chính khách Colombia - người đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tham nhũng. Chính trị gia này đã làm việc như một người cung cấp thông tin cho các cơ quan chống tham nhũng.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Ra lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc, đề nghị Interpol truy nã quốc tế đối với Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc PVTEX;
 
    - Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định thanh tra tại Yên Bái;
 
    - Bắt giam Giám đốc, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại Phú Quốc;
 
    - Gia Lai: Nữ trưởng phòng đi nước ngoài khi vướng cáo buộc tham nhũng;
 
    - Không đề nghị khen người chống tham nhũng ở Cà Mau.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.