Điểm báo tuần số 214 từ ngày 05-6 đến ngày 10-6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 12/06/2017, 16:20 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Lao động, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh niên, Tiền phong, Thanh tra, Giáo dục, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tuổi trẻ, Dân trí, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (từ 05-6 đến ngày 10-6) đưa tin về tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Nhiều vấn đề “nóng”, được dư luận cử tri đặc biệt quan tâm được Quốc hội thảo luận tại các Phiên họp toàn thể trong tuần như: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành… Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật cảnh vệ, dự án Luật thủy lợi; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo của cơ quan thẩm tra và tiến hành thảo luận Tổ về dự án Luật thủy sản (sửa đổi), dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
 
    Báo điện tử Chính phủ, Trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (05-6) thông tin: Viện kiểm sát nhân dân tối cao công bố và trao Quyết định thành lập Phòng Điều tra tội phạm các tỉnh miền núi phía Bắc (phòng 8) Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục 1), địa bàn gồm 9 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Trụ sở phòng 8 đặt tại Yên Bái. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống các tội phạm hoạt động tư pháp, căn cứ thực tế Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao Quyết định thành lập Phòng Điều tra tội phạm các tỉnh miền núi phía Bắc, theo đó bổ sung các chức vụ lãnh đạo cấp phòng, tạo điều kiện để đơn vị sớm ổn định đi vào hoạt động. 
 
    Báo điện tử Infonet (07-6) có bài “Đắk Nông: Sẽ xử lý thêm nhiều cán bộ cấp đất trái phép cho nguyên cán bộ tỉnh”. Theo đó, liên quan đến vụ cấp đất cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và vợ là bà Từ Thị Khanh (Chánh Văn phòng Sở Lao động, thương binh và xã hội), ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông thông tin với báo chí: UBND tỉnh đang chỉ đạo các huyện báo cáo về việc cấp đất cho gia đình ông Sơn để có cơ sở thu hồi và xử lý. Theo ông Lộc, ngoài việc được cấp đất trái quy định ở huyện Đắk Song, ông Nguyễn Thanh Sơn còn được một số huyện khác trong tỉnh cấp đất rừng trái quy định, đã yêu cầu các huyện này báo cáo để có cơ sở xử lý. "Cho đến nay đã kỷ luật hơn 20 cán bộ, công chức liên quan đến việc phá rừng và lấn chiếm đất rừng, sắp tới chúng tôi sẽ xử lý thêm nhiều cán bộ". 
 
    Báo Lao động (07-6) cho biết, bà Vũ Thị Phương - Phó Ban Thường trực, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương - xác nhận với báo Lao Động: Giữa tháng 5-2017, Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận được đơn công dân phản ánh về việc ông Phạm Trung Thành (Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương), không có bằng cấp 3 và sử dụng bằng cấp 3 của người khác để dự thi Đại học Luật Hà Nội. Sau đó, ông Thành có báo cáo giải trình về vụ việc và xác nhận mình không có bằng cấp 3. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đã thành lập tổ công tác giải quyết đơn thư, đồng thời gửi công văn đến Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh để xác minh bằng cấp của ông Thành. Kết quả xác minh tại Sở không có tên ông Thành trong danh sách học cấp 3 tại trường. Hiện nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đã gửi văn bản đến trường Đại học Luật Hà Nội để xem xét đầu vào đại học đối với ông Thành. Khi có kết quả, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương sẽ thực hiện các bước tiếp theo liên quan đến xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ công chức.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07-6) đưa tin về Hội nghị sơ kết việc thực hiện các quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2016; triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2017. Chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá, việc thực hiện các quy chế phối hợp công tác ngày càng nền nếp, đạt được kết quả tích cực, góp phần tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thúc đẩy tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đồng chí đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài để sớm kết thúc việc xử lý; khẩn trương chỉ đạo điều tra bổ sung, truy tố, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm ba vụ án còn lại theo đúng kế hoạch; khẩn trương kết thúc xác minh, xử lý 4 vụ việc, điều tra, truy tố 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo... Ban Nội chính Trung ương cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản của Đảng và các quy định của pháp luật liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, đặc biệt là vấn đề giám định thiệt hại, định giá tài sản, thu hồi tài sản... 
 
    Báo Thanh tra (07-6) phản ánh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa quyết định điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 của Bộ, theo đó bổ sung 6 cuộc thanh tra hành chính bao gồm: Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư xây dựng (thời kỳ 2014-2016); Thanh tra chuyên đề công tác quyết toán dự án hoàn thành, công tác thu phí và khai thác đối với các dự án hoàn thành theo hình thức PPP; Thanh tra trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án BOT giai đoạn đầu tư xây dựng chuẩn bị đưa vào khai thác hoặc chưa quyết toán; Thanh tra trách nhiệm về huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng; Thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng và Thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
 
    Báo Thanh niên (08-6) dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tây Đô (Vietcombank Tây Đô); Trần Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Tín dụng Vietcombank Tây Đô; Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên cán bộ Vietcombank Tây Đô, cùng tội danh Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; và 10 nguyên giám đốc các doanh nghiệp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết luận điều tra, từ năm 2010 đến tháng 4-2014, với vai trò giám đốc Vietcombank Tây Đô, Chuyển đã chỉ đạo thuộc cấp phòng khách hàng lập hồ sơ tín dụng, báo cáo thẩm định và đề xuất hạn mức tín dụng mà không tổ chức họp hội đồng tín dụng để xét duyệt cho vay, ký 56 hợp đồng tín dụng cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay theo hạn mức đã cho vay đối với 42 doanh nghiệp, trong đó 6 nhóm khách hàng như: Nam Sông Hậu, Trường Nguyên, Cơ khí Tây Đô, An Đô, Thép Đông Dương và Du lịch Đại Dương, gây thiệt hại cho Vietcombank Tây Đô hơn 1.800 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Lao động, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, An ninh thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09-6) đưa tin, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thời gian qua; xem xét, thống nhất một số chủ trương, nội dung công tác trọng tâm thời gian tới. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gợi ý những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cần tập trung chỉ đạo thực hiện từ nay đến hết năm 2017; mong muốn, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, giải pháp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước và tổ chức thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó…
 
    Báo Lao động, Thanh tra, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Dân trí, Vietnamnet, Vnexpress (09-6) cho biết, UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành (gồm Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh). Đoàn Thanh tra liên ngành sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với thửa đất gần 1.300m2 của hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ. Bà Huệ là vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ năm 2014 đến 2016, gia đình bà Huệ đã làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng gần 1.300m2 đất đồi và xây dựng công trình trên đất.
 
    Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh (08-6), Báo Tiền phong (09-6) phản ánh, Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc chi trả chế độ chính sách người có công với cách mạng. Kết luận thanh tra của Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh chỉ rõ sai phạm của Phòng LĐ-TB&XH thành phố Bắc Ninh và ông Nguyễn Thế Khu - cán bộ Văn hóa xã hội xã Nam Sơn (người có biểu hiện chiếm dụng tiền điều dưỡng của thân nhân người có công trên địa bàn xã Nam Sơn). Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến hết tháng 4-2017, các cơ quan, tổ chức cá nhân vẫn chưa thực hiện một số nội dung của kết luận thanh tra, chưa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, hình thức xử lý ông Nguyễn Thế Khu chưa thỏa đáng... 
 
Ban Nội chính Trung ương: Sơ kết Quy chế phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương
Ban Nội chính Trung ương sơ kết Quy chế phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Sài gòn Giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (05-6) đưa tin: ngày 3-6-2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Nghị quyết nêu 05 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước thật sự vận hành theo cơ chế thị trường; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp tại doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, nêu rõ: Kiên quyết đấu tranh và thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau", lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
 
    Báo Tiền phong (05-6) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã hoàn tất cáo trạng truy tố nguyên Phó Giám đốc Phòng bán hàng Kiên Lương (thuộc Trung tâm kinh doanh VNPT Kiên Giang) Nguyễn Trung Kiên (37 tuổi) về tội “Tham ô tài sản”. Liên quan đến vụ án này, Lê Phương Nhi (30 tuổi, nhân viên VNPT Kiên Giang) cũng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, trong vòng 4 tháng (từ tháng 02-2016 đến tháng 6-2016), Kiên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao bán các sản phẩm thẻ cào Vinaphone trả trước, Eload và sim đầu số 0888 của Trung tâm kinh doanh VNPT Kiên Giang để chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng. Lê Phương Nhi là nhân viên Trung tâm kinh doanh VNPT Kiên Giang với trách nhiệm được giao cung ứng vật tư cho các phòng bán hàng đã không thực hiện đúng trách nhiệm, nhiệm vụ được giao đã để Kiên chiếm đoạt số tiền trên.
 
    Báo Tuổi trẻ, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Dân trí, Vietnamnet, VnExpress, Đài TNVN (06-6) cho biết, Công an tỉnh Kiên Giang vừa khởi tố bị can đối với bà Mạc Diệu Lan, nguyên Phó Chánh văn phòng Sở Nội vụ tỉnh, về tội Tham ô tài sản. Theo cơ quan công an, bà Lan từng là kế toán trưởng của Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang. Năm 2012, bà được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng của Sở nhưng bà đã đề nghị được kiêm nhiệm công việc kế toán vì người mới chưa thạo việc. Từ đó, bà kê khống một người khi thực hiện bảng lương và đã tham ô 424 triệu đồng. Đến tháng 9-2016, sau khi kiểm tra, Kho bạc Nhà nước tỉnh Kiên Giang phát hiện sự việc.
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08-6) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam". Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến đề nghị, cần hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng theo hướng hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Muốn vậy, Việt Nam cần có lộ trình rõ ràng và đủ dài cho quá trình thực hiện, trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản và quản lý dữ liệu về tài sản đăng ký. Quy định các biện pháp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt và bảo đảm thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế và quản lý thông tin về người nộp thuế. Tăng cường quản trị hệ thống ngân hàng. Cũng có ý kiến đề nghị, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm hối lộ và xây dựng chế tài thích hợp với pháp nhân; xây dựng các chế định và chế tài chuyên biệt dành cho tham nhũng khu vực tư. Tăng cường kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Nghiên cứu phương thức thu hồi tài sản tham nhũng theo quy trình khởi kiện dân sự…
 
    Báo Công an nhân dân (08-6) phản ánh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng và tống đạt truy tố bị can Nguyễn Trường Duy, nguyên công chức Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh về tội Nhận hối lộ. Từ tháng 9-2014, Duy nhận nhiệm vụ tại nhóm trinh sát địa bàn, nắm tình hình tại Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu thuộc Chi cục khu vực 1 và Chi cục Hải quan khu chế xuất Linh Trung…Từ tháng 1-2015 đến tháng 12-2015, Duy đã liên hệ, đe dọa, ép buộc các chủ doanh nghiệp và người làm dịch vụ Hải quan cho các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua các cảng tại TP Hồ Chí Minh phải thỏa thuận chi tiền cho Duy, để hàng hóa không bị kiểm tra. Tháng 12-2015, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Duy, thu giữ 64 phong bì thư, giấy gói tiền tổng cộng 964,5 triệu đồng. Trong đó hơn 541 triệu đồng được xác định là tiền mà Duy đã nhận hối lộ. Còn lại tổng số hơn 422 triệu đồng không xác định được danh tính doanh nghiệp, cá nhân đã đưa tiền cho Duy. 
 
    Báo Thanh tra (09-6) đưa tin, Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai ký quyết định chuyển hồ sơ vụ sai phạm nghiêm trọng về đất đai và tài chính xảy ra tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (BQL Bắc Biển Hồ) sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh để tiếp tục làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân liên quan. Trong quá trình làm việc của đoàn thanh tra, BQL Bắc Biển Hồ báo cáo diện tích đất thực tế hiện nay đơn vị quản lý chỉ còn lại 6.677,5ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 2.000ha, rừng trồng 3.000ha và đất chưa có rừng hơn 1.600ha. Như vậy, so với diện tích được tỉnh giao thì BQL Bắc Biển Hồ đã để “mất” 2.471ha đất và trên thực tế diện tích đất này đã bị lấn chiếm để sản xuất. Trong giai đoạn năm 2012-2016, BQL Bắc Biển Hồ tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn hỗ trợ thực hiện công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng; nguồn dịch vụ môi trường rừng và kinh phí trồng lại rừng thay thế; với số tiền hơn 25 tỷ đồng và đã quyết toán với cơ quan quản lý hơn 20 tỷ đồng. BQL Bắc Biển Hồ không làm thủ tục nhập quỹ hơn 3,6 tỷ đồng, trong đó chứng minh chi có chứng từ là 2,4 tỷ đồng, còn lại 1,2 tỷ đồng không biết còn tồn quỹ hay đã “bốc hơi”…
 
    Theo tin từ báo Nhân Dân, Tuổi trẻ, Người lao động (09-6), ông Nguyễn Hữu Tường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết cơ quan này vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với 23 người nguyên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên viên thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cửa khẩu quốc gia Giang Thành để điều tra hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Tường, 23 cán bộ hải quan vừa bị khởi tố có liên quan đến vụ án chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng tiền hoàn thuế do Trần Hữu Thọ (ngụ xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành) cùng con rể Võ Thanh Tuyến và một số đối tượng khác thực hiện từ năm 2010 đến tháng 7-2013. Các đối tượng này đã bị xét xử trong năm 2015, trong đó mức án cao nhất là tù chung thân dành cho Trần Hữu Thọ. Liên quan đến vụ án này, trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử và tuyên phạt mức án từ 2-4 năm tù đối với 10 bị cáo cũng nguyên là cán bộ Hải quan của hai chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu quốc gia Giang Thành về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (10-6) cho biết, Henrique Alves - cựu Bộ trưởng Du lịch Brazil, vừa bị bắt giữ trong khuôn khổ cuộc điều tra bê bối tham nhũng liên quan đến các dự án phục vụ Vòng Chung kết Cúp Bóng đá thế giới 2014, trong đó có Dự án Sân vận động Natal. Ông Henrique Alves bị cáo buộc có hành vi tham nhũng, nhận hối lộ và rửa tiền. Vào thời điểm triển khai Dự án Sân vận động Natal, ông Henrique Alves lúc đó đang là Thống đốc bang Rio Grande do Norte (TP Natal là thủ phủ của bang này), đã dùng quyền lực của mình "ép" các đơn vị trực thuộc phải giải ngân quyết toán cho dự án, cho dù thời điểm đó nhiều cơ quan đã nghi ngờ sân vận động này bị "đội giá" lên gấp nhiều lần. Sau khi quyết toán, tổng chi phí cho Sân vận động Natal là 77 triệu real (khoảng 23,5 triệu USD), cao gấp nhiều lần so với dự toán ban đầu. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
 
    - Hội nghị sơ kết việc thực hiện các quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao.
 
    - Ban Nội chính Trung ương phối hợp với UNDP tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam”.
 
    - Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác.
 
    - Tống đạt cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Trường Duy, nguyên công chức Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.