Điểm báo tuần số 209 từ ngày 01-5 đến ngày 06-5 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 08/05/2017, 15:11 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Tiền phong, Giao thông, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, An ninh Thủ đô, Người lao động, Vnexpress, Đài THVN, Đài TNVN (04-5) đưa tin về Phiên họp thường kỳ tháng 4-2017 của Chính phủ. Trong tháng, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi; tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây (đạt 4,86%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (tăng 15,4%, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản). Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng cao (đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%). Thu ngân sách nhà nước tăng khá (tăng 17,8% so với cùng kỳ). Thành lập mới doanh nghiệp đạt kết quả tích cực (gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng). Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo thực trạng tình hình và đề xuất giải pháp để lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính và không để tình trạng vi phạm trong công tác cán bộ, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm… tiếp diễn. Thủ tướng cũng đánh giá tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội nói chung được giữ vững nhưng còn nảy sinh một số vụ việc như kích động giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội)… diễn biến phức tạp. 
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Dân trí, TTXVN (05-5) cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ để xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung nội dung mới, liên quan đến chính sách hình sự mà chưa được Quốc hội khóa XIII xem xét thông qua và chính sách hình sự chưa được thực thi trong cuộc sống. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng phản biện xã hội về lồng ghép giới, các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; trách nhiệm hình sự pháp nhân; tội lợi dụng, chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật; tội không tố giác tội phạm của luật sư...
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Xây dựng, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật và Xã hội (05-5) đưa tin Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 609/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 225/QĐ-TTg ngày 04-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai nội dung cải cách thủ tục hành chính (trừ nhiệm vụ tổ chức thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và nhiệm vụ tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020); chủ trì xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp tính chi phí thực hiện thủ tục hành chính; chủ trì việc hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc cải cách thủ tục hành chính; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, vận hành Mạng thông tin hành chính điện tử Chính phủ và Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bộ Tư pháp theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; chủ trì triển khai nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chuyển nhiệm vụ xây dựng Đề án "Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước" từ Bộ Tư pháp sang Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, bổ sung cơ quan thực hiện nhiệm vụ "tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020". Cụ thể, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền phong, Công lý, Xây dựng, Thanh niên, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (05-5) đồng loạt đăng tải các nội dung của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xem xét thi hành kỷ luật cán bộ; và một số nội dung quan trọng khác. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Để chuẩn bị cho Hội nghị lần này, từ tháng 10-2016, Ban Bí thư đã thành lập các ban chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các đề án, báo cáo về những nội dung nêu trên để Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định. Bộ Chính trị đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện các báo cáo. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng báo cáo trình Hội nghị Trung ương lần này. Nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị lần này là những vấn đề rất lớn và quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét quyết định vào cuối kỳ họp…
 
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền phong, Công lý, Xây dựng, Thanh niên, Tuổi trẻ, Người lao động, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (01-5) cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ký ban hành Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW và Quyết định số 65-QĐ/BCĐTW thành lập 08 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đối với 20 ban thường vụ tỉnh ủy. Việc kiểm tra, giám sát nhằm nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; góp phần “nhận diện” và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian tới. Việc kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Ban Nội chính Trung ương được giao chủ trì tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước ngày 30-10-2017.
 
    Báo Phú Yên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí (02-5) phản ánh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã truy tố bị can Vũ Thị Kim Hoa, nguyên kế toán và bà Trịnh Thị Hoa, nguyên thủ quỹ của Trường Chính trị tỉnh Phú Yên về tội Tham ô tài sản; truy tố Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Hiệu trưởng và Lê Văn Sự, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Phú Yên về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo kết luận điều tra, Trịnh Thị Hoa và Vũ Thị Kim Hoa đã lập khống chứng từ thanh toán chế độ tiền ăn của học viên  để chiếm đoạt hơn 2,56 tỷ đồng chia nhau. Riêng Trịnh Thị Hoa còn chiếm đoạt tiền mặt tại quỹ với số tiền hơn 578 triệu đồng. Lê Văn Sự đã ký duyệt 66 bộ chứng từ làm thiệt hại hơn 1,64 tỷ đồng. Nguyễn Thị Tuyết Nga đã ký duyệt 46 bộ chứng từ gây thiệt hại 654,5 triệu đồng.
 
    Báo Tiền phong (03-5) có bài viết “Nhiều sai phạm tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh”. Bài báo phản ánh nhiều bác sĩ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ phẫu thuật Phaco và Lasik nhưng không kê khai đầy đủ theo quy định. Đơn cử như ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc bệnh viện trong năm 2015 thu nhập thực tế hơn 6,1 tỷ đồng nhưng kê khai chỉ 2,6 tỷ đồng. Năm 2016, ông Tuấn thu nhập thực tế 8 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai 4 tỷ... Hàng loạt sai phạm trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, hoạt động trong xã hội hóa y tế và thu tiền kiểu “ăn gian” của người bệnh với số tiền lên đến 11 tỷ đồng trong các năm 2013-2014 đã được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh yêu cầu kiểm điểm nhưng đến nay các bác sĩ trên cũng không bị xử lý nghiêm khắc…
 
    Báo Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Người lao động (05-5) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Quốc Anh, nguyên Kế toán Trường THPT Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để tiếp tục điều tra làm rõ về tội “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2012 đến tháng 10-2016, Lê Quốc Anh đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tự ý sửa chữa, nâng khống phần trăm số tiền trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn với tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng rồi chiếm đoạt. Ngay sau khi bị phát hiện, Lê Quốc Anh đã tự nguyện khắc phục được 1,3 tỷ đồng.
 
    Báo Khánh Hòa, Công lý, Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh niên (05-5) cho biết Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Phổ, nguyên Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang 7 năm tù về tội Nhận hối lộ. Theo cáo trạng, Lê Ngọc Phổ được phân công kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Phổ đồng ý giúp bị can giảm án với giá 200 triệu đồng. Sau khi nhận trước số tiền 10 triệu đồng của gia đình bị can, Phổ đã bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Thông tấn xã Việt Nam (05-5) dẫn nguồn tin từ Đài Truyền hình Trung Quốc cho biết, Cựu Thị trưởng thành phố Tế Nam, thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc là Dương Lỗ Dự đã bị kết án 14 năm tù vì tội Nhận hối lộ; ngoài ra Dương Lỗ Dự cũng phải nộp phạt 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 294.000 USD) và bị tịch thu mọi tài sản cá nhân, sung công quỹ quốc gia. Trong thời gian tại nhiệm ở các vị trí công tác khác nhau từ năm 2004 đến 2016, ông Dương Lỗ Dự đã nhận hối lộ hơn 23 triệu NDT (gần 3,3 triệu USD). 
 
    Báo An ninh Thủ đô (05-5) cho biết, ngày 27-4-2017, Tòa án Matxcơva đã tuyên phạt 22 năm tù đối với Trung tướng Denis Sugrobov, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh kinh tế và Chống tham nhũng, Bộ Nội vụ Nga cùng các cựu thuộc cấp của mình về các tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, thành lập tổ chức tội phạm và tổ chức gợi ý hối lộ. Đồng thời, ông Sugrobov cũng đã bị tước quân hàm Trung tướng.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
 
    - Thành lập 08 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đối với 20 ban thường vụ tỉnh ủy. 
 
    - Truy tố các bị can trong vụ án Tham ô tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trường Chính trị tỉnh Phú Yên.
 
    - Kiểm sát viên nhận hối lộ lãnh án 7 năm tù.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.