Điểm báo tuần số 206 từ ngày 10-4 đến ngày 15-4 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 17/04/2017, 13:56 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Biên phòng, Lao động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-4) cho biết, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác quân sự, quốc phòng thời gian qua; xem xét, cho chủ trương một số nội dung trọng tâm công tác quân sự, quốc phòng thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương; đại biểu lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và đại biểu một số cơ quan của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Sau khi đánh giá những kết quả nổi bật về công tác quân sự, quốc phòng trong thời gian vừa qua, Quân ủy Trung ương đã thống nhất chủ trương, triển khai một số nội dung trọng tâm công tác quân sự, quốc phòng thời gian tới nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (11-4) đưa tin, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương để bàn về các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp lễ kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5). Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, để bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự từ nay đến dịp kỷ niệm 30-4, 1-5 và thời gian tiếp theo, công an các đơn vị, địa phương cần tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công an. Chủ động công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý kịp thời, không để xảy ra các vụ việc tụ tập đông người chặn đường quốc lộ, gây ách tắc giao thông, tuần hành gây rối an ninh trật tự; tăng cường bảo đảm trật tự công cộng, bảo vệ tuyệt đối an toàn các trụ sở chính quyền; công an ở địa bàn trọng điểm, phức tạp, đồng thời bảo đảm việc hoạt động bình thường của các tổ chức, cơ quan các cấp. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, lực lượng công an sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng tham gia các hoạt động tuần hành biểu tình thời gian qua tại một số tỉnh miền Trung có hành vi vi phạm pháp luật như tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xúc phạm Quốc kỳ, gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Biên phòng, Tiền phong, TTXVN (13-4) cho biết, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy chế làm việc của Bộ Quốc phòng và Đề án “Cải cách hành chính của Bộ Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Quy chế làm việc Bộ Quốc phòng gồm 9 chương, 40 điều, trong đó quy định nguyên tắc làm việc; chế độ trách nhiệm; quan hệ công tác; cách thức quy trình giải quyết công việc về lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng. Đề án “Cải cách hành chính của Bộ Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ cải cách hành chính theo Quy định của Chính phủ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trọng tâm vào các nhiệm vụ còn yếu, thiếu, cần tập trung đột phá. Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng nền hành chính công của Bộ Quốc phòng dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Tiền phong, Công lý, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công thương, Sài Gòn giải phóng, Giáo dục, Thanh niên, Đài THVN, Đài TNVN  (14-4) đồng loạt đưa tin về buổi làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Kiểm toán Nhà nước. Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán 276 cuộc; đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 38.000 tỉ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động và tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đồng thời Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị, sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; cung cấp hàng chục bộ hồ sơ, tài liệu cho các đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để phát hiện hiện tượng, dấu hiệu tham ô, tham nhũng, không tuân thủ pháp luật về kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước. Chủ tịch Nước đề nghị, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm; chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu phạm tội. Các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm tiếp nhận, điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước phải chủ động kiểm toán những ngành, nghề, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và các dự án đầu tư xây dựng; luôn theo sát và phục vụ quá trình quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, góp phần tích cực, thiết thực vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Đài TNVN, TTXVN (14-4) phản ánh các nội dung Phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, gồm: Cho ý kiến vào đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; thẩm tra Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; Đề án thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hoá. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng thảo luận, cho ý kiến với dự án Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi); Thường trực Ủy ban xin ý kiến báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); cho ý kiến vào dự thảo báo cáo thẩm ra về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, các đại biểu xem xét về thủ tục, hồ sơ từng dự án luật, cũng như chất lượng các báo cáo đánh giá tác động của dự án luật; đồng thời, chú ý không phân công quá 3 dự án (cả thông qua và cho ý kiến) cho một cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan thẩm tra, trừ trường hợp đặc biệt; cần đánh giá về nguồn lực thực hiện các chính sách được đề xuất đưa vào dự án luật, kể cả về nhân lực và kinh phí thực hiện. Bởi, xây dựng luật thà ít mà chất lượng, còn hơn nhiều mà không làm được, gây mất thời gian của Quốc hội...
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Đời sống pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Vnexpress, Đài THVN (15-4) cho biết,  Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ thứ 13 xem xét, kết luận các nội dung sau: 1) Về thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và cá nhân các đồng chí: Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bùi Cách Tuyến, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường; Nguyễn Thái Lai, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường và đồng chí Mai Thanh Dung trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Thẩm định có nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. 2) Thi hành kỷ luật đồng chí Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và đồng chí Hồ Anh Tuấn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. 3) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số đơn tố cáo, khiếu nại theo thẩm quyền.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Người lao động, Vnexpess (11- 4) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Phan Thị Giang, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy và Nguyễn Thị Xiêm, nguyên kế toán trường này về tội “Tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, trong năm 2013-2014, hai bị cáo đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tiền lương trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, chế độ thai sản và tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một số cán bộ, giáo viên nhà trường, lập khống chứng từ thanh toán tiền làm thêm giờ để chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Trong đó, Xiêm chiếm đoạt là 285 đồng, còn Giang chiếm đoạt 15 triệu đồng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 12 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Thị Xiêm và và 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Phan Thị Giang.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, An ninh Thủ đô, TTXVN (12-4) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 11 bị cáo trong vụ án lập khống dự án trồng rừng ở Nghệ An để chiếm đoạt hơn 863 tỷ đồng, trong đó có Trịnh Khánh Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Tân Hồng;  Đỗ Đức Hưng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank Chi nhánh Hồng Hà. Theo cáo trạng, bị cáo Trịnh Khánh Hồng đã lập dự án, lập hồ sơ vay 20,5 triệu USD (khoảng hơn 380 tỷ đồng) của Ngân hàng Agribank để trồng rừng nguyên liệu. Khi đã vay được vốn, Hồng không thực hiện dự án mà sử dụng vào mục đích riêng. Hồng đã tạo dựng 965 chứng từ chi tiền khống cho các hộ dân để trồng rừng. Đến nay, Hồng không còn khả năng thanh toán toàn bộ số tiền hơn 380 tỷ đồng vay của ngân hàng nói trên. Đỗ Đức Hưng cùng 4 cán bộ cấp dưới đã có hành vi tiếp tay cho Hồng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay tín dụng, chỉ đạo cấp dưới cho vay đảo nợ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 581 tỷ đồng. 
 
    Báo Công an nhân dân, Lao động, Thanh niên, Dân trí (13-4) thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phạm Văn Hà, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần than Tây Nam Đá mài thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cùng 06 đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2009-2010, Phạm Văn Hà đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc lập các báo cáo, chứng từ nâng khống khối lượng vận chuyển đất, đá và than nguyên khai để quyết toán với Tập đoàn, hưởng lợi trái phép số tiền lên đến trên 90 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (13-4) cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ nội dung của bài viết "Ép doanh nghiệp vận tải đóng tiền bảo kê 1 triệu đồng/tháng" của Báo Tuổi trẻ đăng ngày 03-4-2017. Nội dung bài báo đề cập tới nhóm đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Phú Yên có mạng lưới hoạt động rộng khắp từ các tỉnh phía Nam ra Bắc, ép doanh nghiệp vận tải đóng tiền "bảo kê" 1 triệu đồng/tháng nếu không sẽ chặn, bắt xe. Về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an điều tra, xác minh làm rõ, nếu đúng như nội dung bài báo phản ánh thì phải có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Báo Công an nhân dân (14-4) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Quách Vân Loan, nguyên kế toán Ban Giảm nghèo, tăng hộ khá thuộc UBND phường 11, Quận 6 về tội “Tham ô tài sản”. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, lợi dụng việc được giao quản lý Quỹ xóa đói, giảm nghèo, Loan đã lập 18 hồ sơ khống vay vốn để tham ô số tiền 480 triệu đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tuổi trẻ (12-4) dẫn nguồn tin của Hãng Reuters cho biết, Tòa án Tối cao Brazil ngày 11-4 ra phán quyết mở 83 cuộc điều tra nhằm vào các chính trị gia cao cấp. Tổng cộng có 108 người có tên trong danh sách bị điều tra, trong đó có 08 Bộ trưởng trong Chính phủ của Tổng thống Michel Temer, 03 Thống đốc bang, 29 Thượng nghị sĩ và 42 thành viên của Thượng viện và Hạ viện liên quan đến vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Đây là một đòn giáng vào chính phủ của Tổng thống Michel Temer và tầng lớp chính trị Brazil.
 
    Báo Thanh tra (14-4) cho biết, Thẩm phán Sylvester Ngwuta của Tòa án Tối cao Nigeria sẽ bị luận tội trước Tòa án Đạo đức vào ngày 20-4 tới về việc khai báo sai về tài sản. Thông tấn xã Nigeria thông báo, Chính phủ Liên bang đã cáo buộc 10 tội đối với ông Ngwuta trước tòa. Ông Ngwuta bị Sở An ninh Quốc gia phát hiện sở hữu một lượng tiền lớn với các mệnh giá khác nhau. Ngoài các cáo buộc trên, ông Ngwuta cũng đang bị Tòa án Tối cao Liên bang xét xử về 16 tội liên quan tới rửa tiền.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    
    - Phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
 
    - Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với Kiểm toán Nhà nước;
 
    - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và ông Nguyễn Minh Quang, cựu Bộ trưởng Tài nguyên;
 
    - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo điều tra, xác minh  vụ "Ép doanh nghiệp vận tải đóng tiền bảo kê 1 triệu đồng/tháng"; 
 
    - Truy tố nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần than Tây Nam Đá mài thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.