Điểm báo tuần số 204 từ ngày 27-3 đến ngày 01-4 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 03/04/2017, 15:17 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Giáo dục, Quân đội nhân dân, Biên phòng (27-3) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009, để đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Luật và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội khóa XIV (Kỳ họp thứ 5, năm 2018) xem xét, quyết định và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ giai đoạn 2010-2017 được tiến hành trên phạm vi toàn quốc. Nội dung tổng kết cần tập trung đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về Dân quân tự vệ; đánh giá sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Dân quân tự vệ với Hiến pháp năm 2013, các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế có liên quan và những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Dân quân tự vệ...
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật (28-3) cho biết, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án, có hiệu lực từ ngày 01-7-2017. Việc công bố bản án, quyết định phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật điều tra, bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh; bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Không được sử dụng bản án, quyết định công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án vào những mục đích trái pháp luật. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án thuộc trường hợp được công bố có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đó phải được công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án.
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Văn hóa, Xây dựng, Nông nghiệp (30-3) cho biết, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời đảm bảo sự kết nối đồng bộ của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính trong các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế, sử dụng ngân sách Nhà nước; huy động tối đa các nguồn lực và đầu tư của doanh nghiệp, xã hội để thuê dịch vụ công nghệ thông tin, triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Đại biểu nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài TNVN (30-3) đưa tin về Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tại Phiên họp lần này, Ủy ban thẩm tra dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về Đề án vị trí việc làm của Tòa án Nhân dân Tối cao; Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.  
 
Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (28-3) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phan Văn Hải, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; Đinh Bạt Phong, Tổ trưởng Tổ tín dụng và Nguyễn Thị Phương, Trưởng bộ phận kế toán về tội “Tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, từ  năm 2008 đến giữa năm 2014, Phan Văn Hải đã lập khống 14 hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt số tiền 338 triệu đồng. Đinh Bạt Phong, lập khống 54 bộ hồ sơ vay vốn; lập khống chứng từ giải ngân của 73 bộ hồ sơ chiếm đoạt 3 tỷ 689 triệu đồng. Nguyễn Thị Phương đã lập khống 111 bộ hồ sơ vay vốn; lập khống chứng từ giải ngân của 12 bộ hồ sơ vay vốn chiếm đoạt hơn 3 tỷ 223 triệu đồng. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Hải 05 năm tù, Đinh Bạt Phong và Nguyễn Thị Phương mỗi bị cáo 19 năm tù, buộc các bị cáo hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.
 
    Báo Công an nhân dân, Lao động, Tiền phong (28-3) cho biết, ngày 27-3, quá trình điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ tiêu cực xảy ra tại Cty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu (Cty Xổ số Bạc Liêu), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Trần Thanh Hậu, nguyên Kế toán trưởng Cty Xổ số Bạc Liêu và Trần Thanh Hoa, Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Ngân hàng Nam Việt (Navibank) chi nhánh Bạc Liêu về tội tham ô tài sản. Trước đó, năm 2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam 3 bị can Trần Thanh Hậu, Trần Thanh Hoa và Quách Lạc (nguyên Giám đốc Navibank Bạc Liêu) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm quyền trong thi hành công vụ”... Cách đây ít ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 3 bị can trên. 
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, TTXVN (29-3) cho biết, Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống hối lộ các quan chức nước ngoài khi thực hiện các thương vụ quốc tế. Đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trực thuộc Bộ Công an đã cung cấp thông tin về Luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam và các biện pháp áp dụng ở Việt Nam để đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực nhập khẩu. Các đại biểu nhất trí cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống hối lộ khi thực hiện các thương vụ quốc tế.
 
    Báo Bình Thuận, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VietnamNet, Vnexpress (30-3) phản ánh, Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết đã đưa vụ án sai phạm tại Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Bình Thuận ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Chí Khanh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Thuận. Theo cáo trạng,  ông Khanh phân công bà Nguyễn Thị Duyên, Kế toán trưởng lập 44 hồ sơ thanh quyết toán chi cho các chuyến đi sáng tác nhiếp ảnh, âm nhạc, văn học, mỹ thuật trong và ngoài tỉnh. Các chuyến đi này đều được Kho bạc Nhà nước Bình Thuận chấp nhận thanh quyết toán với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó có 12 chuyến trên thực tế không đi nhưng vẫn lập hồ sơ để lấy số tiền 400 triệu đồng. Trong 32 chuyến có đi thì được ghi tăng thêm ngày đi, ghi thêm số lượng hội viên tham gia để lấy chênh lệch hơn 500 triệu đồng. Hội VHNT còn ký 8 hợp đồng với khách sạn Bình Minh để thuê hội trường, liên hoan hội nghị với số tiền 315 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế tổng số tiền chi này chỉ hơn 200 triệu đồng… 
 
    Báo Thanh tra, VietnamNet (31-3) dẫn nguồn tin từ Công an thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cơ quan điều tra bắt giữ Lê Minh Tâm, cán bộ địa chính xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Trong lúc Lê Minh Tâm đang nhận tiền của một người dân thì bị lực lượng Cảnh sát kinh tế bắt giữ cùng tang vật. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Công an nhân dân (31-3) đưa tin, Bộ Công cộng Brazil yêu cầu Tổng thống Michel Temer ngừng điều hành đất nước để tiến hành điều tra về những cáo buộc có liên quan tới việc ông nhận tiền bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử năm 2014. Đề nghị điều tra Tổng thống Temer được đưa ra dựa trên lời khai của ông Marcelo Odebrecht, cựu Chủ tịch Tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht, người đã bị kết án 19 tháng tù giam trong vụ bê bối khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Trong trường hợp ông Temer bị kết tội, Brazil sẽ phải tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.
 
    Báo Nông nghiệp Việt Nam (30-3) cho biết, Tân Hoa Xã đưa tin Toà án Nhân dân Trung cấp thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam ngày 29/3 đã đưa ra xét xử cựu Phó Chủ tịch Chính Hiệp kiêm Giám đốc Công an thành phố Thiên Tân Vũ Trường Thuận... Theo cáo trạng, Vũ Trường Thuận đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 342 triệu Nhân dân tệ (khoảng 49,7 triệu USD) từ công quỹ thông qua các công ty nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của ông này; nhận hối lộ, trực tiếp hoặc thông qua người thân, với tổng số tiền lên tới 84,4 triệu Nhân dân tệ (12,2 triệu USD); lạm chi công quỹ trên 101 triệu Nhân dân tệ (14,6 triệu USD). Ông này còn đưa hối lộ hoặc ra lệnh cho các công ty nói trên đưa hối lộ cho cơ quan Cảnh sát giao thông Thiên Tân và các quan chức chính quyền với tổng số tiền 10,57 triệu Nhân dân tệ (1,5 triệu USD).
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
 
    - Chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống hối lộ các quan chức nước ngoài khi thực hiện các thương vụ quốc tế.
 
    - Xét xử sơ thẩm đối với nguyên Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận về tội Tham ô tài sản.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.