Điểm báo tuần số 202 từ ngày 13-3 đến ngày 19-3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 21/03/2017, 11:13 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Đại biểu nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Văn hóa, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuổi trẻ, Giao thông, Hải quan, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14-3) đồng loạt đưa tin về Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 5 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu là tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội gồm: Luật du lịch (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật quản lý ngoại thương. Đồng thời xem xét cho ý kiến đối với 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới là các dự án Luật: thủy sản (sửa đổi); bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); quản lý nợ công (sửa đổi); tố cáo (sửa đổi); xem xét, thông qua hai dự thảo Nghị quyết: Quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 3-7-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế; Đề án tự chủ của Viện nghiên cứu lập pháp... 
 
Khai mạc Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
Khai mạc Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Đài TNVN, TTXVN (15-03) cho biết, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2015). Hội nghị nhằm tổng kết công tác triển khai đo lường, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố được khảo sát để hướng tới việc hình thành phương pháp đo lường, đánh giá thống nhất trong cả nước. Trên cơ sở đó, hằng năm triển khai hiệu quả công việc này ở tất cả các bộ, ngành, địa phương, hướng đến năm 2020 xác định được tỷ lệ người dân hài lòng với cách phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, trong chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020, có nội dung quan trọng là đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức. Để triển khai hiệu quả nội dung này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Trên cơ sở đó, định kỳ hằng năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân ở quy mô quốc gia, ngành, địa phương để phát hiện kịp thời những yếu kém trong chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính cũng như nắm bắt nhu cầu của người dân, xác định các giải pháp phù hợp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân. Đồng chí lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân và tổ chức thấy được triển khai SIPAS là cần thiết nhằm giúp các cơ quan hành chính có giải pháp phù hợp cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của nhân dân, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo điều kiện để nhân dân góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quảng Ninh, TTXVN (15-03) đưa tin về Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2010-2016 của Bộ Công an. Hiện, toàn vùng Đông Bắc có hơn 6.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều lứa tuổi và hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại đa số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là “cầu nối” đưa chủ trương, chính sách đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng là "cánh tay nối dài" giúp lực lượng công an trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chia rẽ đoàn kết dân tộc, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động, nhằm chống phá cách mạng nước ta. Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín thực sự gương mẫu, tiêu biểu đã vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bình yên thôn, bản. Nhân dịp này, Bộ Công an đã khen thưởng và trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho các tập thể, cá nhân và người có uy tín tiêu biểu vùng Đông Bắc.
 
    Báo Nhân Dân, Lào Cai, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Đại Đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Biên phòng, Đài TNVN, TTXVN (15-3)  phản ánh các nội dung của Hội nghị Giao ban việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và các Đảng ủy trực thuộc Trung ương. Gần một năm qua, việc học tập, quán triệt, triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị được ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy phía Bắc và các đảng ủy trực thuộc Trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, bước đầu đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nét mới trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05 khu vực phía Bắc và các đảng ủy trực thuộc Trung ương là các ban tuyên giáo địa phương đã xây dựng nghị quyết, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Các địa phương tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về tìm hiểu nội dung Chỉ thị 05; các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị. Một số địa phương lựa chọn những vấn đề trọng tâm, nổi cộm, bức xúc, tổ chức đối thoại với nhân dân để tháo gỡ, giải quyết... Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 05 cần gắn với tuyên truyền thực hiện các nghị quyết của Đảng, các sự kiện quan trọng của đất nước, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 05; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác để tiếp tục tạo sự lan tỏa trong xã hội.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân (18-3) đưa tin Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 08/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin. Chỉ thị nêu rõ, Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2018. Để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả đạo Luật Tiếp cận thông tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương quán triệt nội dung và tinh thần các quy định của Luật tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan để kịp thời đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ...
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Tuổi trẻ, Xây dựng, Dân trí (14-3) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Kế toán trưởng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Quốc, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”. Từ năm 2013-2015, với vai trò là Kế toán trưởng Chi nhánh, bà Ánh đã tự ý thu tiền phí làm giấy tờ đất của người dân địa phương vượt mức cho phép để tiêu xài cá nhân. Sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của các doanh nghiệp và người dân, các cơ quan chức năng ở huyện Phú Quốc vào cuộc xác minh làm rõ tổng số tiền mà bà Ánh đã thu khống là hơn 2 tỉ đồng.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiên phong, An ninh Thủ đô, Thanh niên, Đài TNVN (15-3) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với vụ án thất thoát xảy ra tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec). Theo đó, Toà tuyên phạt Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Quyền Giám đốc 5 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo Võ Huệ Trân, nguyên Giám đốc lĩnh 3 năm tù; Ngô Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng xuất nhập khẩu lĩnh 2 năm 5 tháng 3 ngày tù; Đặng Hữu Thịnh, Trưởng Phòng xuất nhập khẩu 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Theo cáo trạng, Nguyễn Thanh Xuân và Võ Huệ Trân mặc dù biết rõ không được phép xuất khẩu với hình thức ký gửi, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hợp đồng mua bán giả với đối tác nước ngoài để mở các tờ khai hải quan đưa một số lượng lớn tôm đông lạnh sang Mỹ tiêu thụ, gây thiệt hại cho Công ty Cofidec 2,4 triệu USD, tương đương 38,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình điều hành hoạt động của Công ty Cofidec, Xuân đã lợi dụng chức vụ là quyền Giám đốc Công ty Cofidec, thanh toán phần chi phí đi lại cho chuyên gia lắp máy, thuê cẩu máy trong khi hợp đồng ủy thác nhập khẩu máy không quy định, gây thất thoát cho Công ty Cofidec số tiền 73 triệu đồng. 
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Lao động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16-3) Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án vụ án lừa đảo xảy ra tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land. Căn cứ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh cùng 6 đối tượng khác, gồm: Nguyễn Ngọc Sinh, Đào Duy Phong, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, Thái Kiều Hương có dấu hiệu phạm tội "Tham ô tài sản". Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Sinh và Phong ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế để hưởng khoản tiền chênh lệch 18 triệu đồng/1m2, gây thiệt hại cho PVP Land trên 87 tỷ đồng. 
 
    Báo Lao động, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, Anh ninh Thủ đô, Đài TNVN (16-3) Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC)  tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016”. Kết quả cho thấy, điểm số trung bình của cả nước về PCTN 2016 là 58,34/100 điểm. Điểm số của các địa phương có những khoảng cách nhất định, trong đó, địa phương đạt điểm cao nhất là 77,67 điểm và địa phương có điểm thấp nhất là 43,53 điểm. Có 31 địa phương có điểm số thấp hơn điểm số trung bình trên toàn quốc. Hội nghị Tổng kết công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016 sẽ làm sáng tỏ hơn những kết quả của dự án và hướng tới áp dụng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam cũng như hy vọng rằng kết quả của dự án không phải chỉ dành riêng ở Việt Nam mà còn góp phần cho công cuộc phòng, chống tham nhũng toàn cầu.
 
    Báo Nhân Dân, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Thanh niên, Tuổi trẻ (18-3) Tòa án TP. Hồ Chí Minh xét xử vụ án “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bến Thành (Agribank Bến Thành). Hội đồng xét xử đã nghe công bố bản cáo trạng truy tố bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành cùng 10 bị cáo khác. Lợi dụng vị trí là Giám đốc Agribank Bến Thành, Oanh đã sử dụng tên một số cá nhân, pháp nhân và chỉ đạo các nhân viên cấp dưới lập khống các hồ sơ, hoàn tất các thủ tục vay tiền, vàng của Agribank Bến Thành để rút 2.360 lượng vàng của Agribank chi nhánh Bến Thành (tương đương hơn 47 tỉ đồng). Ngoài ra, thông qua mối quan hệ cá nhân, Oanh đã ký cho Lê Văn Tính (ngụ quận 2) vay  nợ của Agribank Bến Thành tổng cộng 300 tỉ đồng và không có khả năng trả nợ, thông qua việc cho vay, Oanh đã nhận hối lộ hơn 24,6 tỷ đồng… Dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày 30/3. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Dân trí (15-3) dẫn nguồn tin từ Hãng Reuters, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ Bruce Loveless đã phải ra hầu tòa ở thành phố San Diego vì bị cáo buộc nhận hối lộ để đối lấy việc chia sẻ những thông tin quân sự bí mật. Leonard Glenn Francis, một doanh nhân người Malaysia, đã hối lộ các xa xỉ phẩm và gái mại dâm cho các sĩ quan hải quân Mỹ để đổi lấy các bí mật quân sự. Theo cáo buộc, các sĩ quan hải quân Mỹ nói trên đã nhận hối lộ nhiều bữa ăn đắt tiền, khách sạn sang trọng và gái mại dâm. Đổi lại, những người này đã cung cấp nhiều thông tin mật về hoạt động của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho ông Leonard. Người này sau đó đã dùng các thông tin có được để giành được gói thầu cho công ty dịch vụ hàng hải của mình tại các cảng biển ở châu Á - Thái Bình Dương. Cho đến nay đã có 25 người bị điều tra liên quan đến vụ “Leonard Béo”. Nếu bị kết luận là có tội, những người này có thể phải đối diện với mức án lên tới 25 năm tù giam.
 
    Báo Thanh tra (18-3) cho biết, Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia (KPK) vừa chỉ ra thêm 3 nghi phạm trong vụ tham nhũng có liên quan đến dự án xây dựng của Học viện Quản lý Hành chính (IPDN) ở Rokan Hilir, tỉnh Riau. Ông Dudi Jocom là một  trong ba nghi phạm, là quan chức Bộ phận Quản lý tài sản và Tài chính Trung ương, Bộ Nội vụ, đóng vai trò là người bảo lãnh cho dự án. 2 người khác là Budi Rahmat Kurniawan và Bambang Mustaqim - cựu giám đốc và quản lý cấp cao của Công ty Xây dựng Hutama Karya. Các nghi phạm bị cáo buộc đã lạm dụng quyền hạn của mình để làm giàu cho bản thân và đem lợi về cho công ty trong dự án xây dựng trị giá 91,62 tỷ Rp (6,85 triệu USD). KPK ước tính, tham nhũng tại đây đã gây thiệt hại cho Nhà nước 34 tỷ Rp. Số tiền này được lấy ra từ ngân sách của Bộ Nội vụ năm 2011.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
 
    - Hội nghị đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2015);
 
    - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 08/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin;
 
    - Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố tại tòa về tội “Tham ô tài sản”;
 
    - Xử vụ án “Tham ô tài sản” tại ngân hàng Agribank Chi nhánh Bến Thành.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.