Điểm báo tuần số 201 từ ngày 06-02 đến ngày 11-3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 13/03/2017, 16:24 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Pháp luật Việt Nam, TTXVN (07-3) đưa tin về Hội nghị kiểm điểm của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã kiểm điểm tập thể, kiểm điểm cá nhân về việc lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hợp tác với nước ngoài về xây dựng pháp luật, thảo luận và giải trình những nội dung trao đổi của Đoàn công tác Trung ương về việc kiểm điểm… Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là công việc thường xuyên của cấp ủy đảng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; cần tập trung đánh giá, làm rõ kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, công tác xây dựng Ðảng; Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tập trung làm rõ những mặt tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm điểm các mặt thiếu sót, từ đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp cần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, làm rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; phân tích nguyên nhân các hạn chế, yếu kém trong phân công, phân nhiệm, các nội dung gắn với chức trách nhiệm vụ được giao; trách nhiệm từng người đứng đầu các lĩnh vực, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Dân trí, Xây dựng, Đài TNVN, TTXVN (07-3) đồng loạt đưa tin về Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP. Các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình tội phạm ở nước ta trong năm 2016, hoạt động của Ban Chỉ đạo 138/CP trong năm 2016. Thảo luận những việc làm được, chưa làm được, các khó khăn và vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2017. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương những thành tích mà Ban Chỉ đạo 138 Trung ương và các địa phương đã đạt được trong năm 2016; khẳng định những kết quả đó đã góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, góp phần quan trọng tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng, chống tội phạm, như: Công tác nắm và dự báo tình hình còn yếu nên có nơi, có lúc giải quyết một số vụ việc còn lúng túng bị động; hiệu quả đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm chưa đủ mạnh, vẫn còn sai sót trong điều tra, xử lý tội phạm. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, các lực lượng chức năng cần chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, thống kê, đánh giá, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự từ cơ sở. Trong thời gian tới, các lực lượng cần tập trung tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia. Truy bắt đối tượng bị truy nã phải kiên quyết, dù là tội phạm trốn chạy trong nước hay tội phạm trốn chạy ra nước ngoài.
 
Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020
Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020
    Báo Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Hà Giang (10-3) đưa tin, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ hai (nhiệm kỳ 2016-2021) với chủ đề “Kinh nghiệm tổ chức thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015”. Qua thời gian thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hoạt động giám sát của HĐND các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung giám sát khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc thu - chi ngân sách Nhà nước, thi hành Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết của HĐND ở địa phương. Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhân dân từ cơ sở, ghi âm, ghi hình tạo sự sinh động và có tính thuyết phục cao, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực HĐND các tỉnh cần tiếp tục đổi mới và chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động giám sát. Có sự phối hợp chặt chẽ, bảo đảm không chồng chéo về thời gian, địa điểm cũng như nội dung và đối tượng giám sát. Đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát, tổ chức tái giám sát và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không nghiêm túc thực hiện kết luận giám sát. Chú trọng hướng dẫn hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND tỉnh, huyện. Định kỳ tổ chức hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm, trả lời hướng dẫn đối với hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu HĐND huyện, thị xã, thành phố. HĐND cấp huyện tích cực hướng dẫn, tập huấn kỹ năng hoạt động đối với các Ban HĐND cấp xã. Quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động giám sát có tính chuyên sâu cho các đại biểu, nhất là đối với các đại biểu chuyên trách và đại biểu HĐND tham gia ứng cử lần đầu.
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (10-3) phản ánh các nội dung của Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo; thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu; cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế; thẩm tra dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban Pháp luật nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo bổ sung một số điều của Luật tố cáo nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Các ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.  
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Hải quan, VietnamNet, Đài THVN, TTXVN (06-3) đưa tin, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài Chính kiểm tra báo cáo vụ việc tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng. Nếu cán bộ hải quan có tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và trách nhiệm của người đứng đầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-3-2017. Đồng thời rà soát, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Hải quan, cải cách thủ tục hành chính, có biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước đó, dư luận phản ánh việc cán bộ hải quan cửa khẩu Khu vực 3 Cảng Hải phòng có hành vi nhận hối lộ khi làm thủ tục thông quan.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN (06-3) dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Bến Tre: Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Võ Văn Ngàn, nguyên Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre; Trần Văn Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bến Tre; Nguyễn Đức Dục và Tiết Kim Chiêu, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre. Cả 5 bị can nói trên bị điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”, liên quan đến vụ đốn gần 26 ha rừng đước với lý do sâu bệnh xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập mặn, thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Theo kết luận điều tra, việc bán tài sản của Nhà nước tại Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre không qua đấu giá là không đúng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Đồng thời, Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre kết luận số gỗ đước bị đốn hạ “không thấy có dấu hiệu phát triển của sâu bệnh”. 
 
    Báo Thanh niên (07-3) có bài viết “Nhiều sai phạm tại Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang”. Theo nội dung bài báo, ngày 06-02-2017, Thanh tra Tiền Giang kết luận việc chấp hành pháp luật về quản lý rừng (từ năm 2013 - 2016), Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang đã ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,534 tỷ đồng, tịch thu 129,8m3 gỗ các loại. Đoàn thanh tra phát hiện có 7 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với tổng số gỗ sai phạm là 228,5m3, nhưng Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang chỉ xử lý 37,5m3 (bằng 16,9%), gây thiệt hại cho ngân sách số tiền 1,687 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra, trong hàng loạt sai phạm nói trên có 5 vụ vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nhưng Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang đã không khởi tố, điều tra theo thẩm quyền, không chuyển sang cơ quan điều tra theo quy định; có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định pháp luật… Do vậy, Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Tiền Giang để tiến hành điều tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với 6 vụ việc gây thất thoát cho Nhà nước tổng cộng 3,072 tỷ đồng.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Lạng Sơn, Thanh tra, Vnexpress (08-03) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong phiên sơ thẩm tuyên phạt Hoàng Thị Pỉn, nguyên kế toán của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc 8 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và Hứa Văn Giai, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc 24 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ được giao trong việc chi trả các khoản tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án, Pỉn đã chiếm đoạt hơn 342 triệu đồng. Ngoài ra, Pỉn không lập sổ theo dõi thu chi quỹ tiền mặt, không lập chứng từ nhập xuất các khoản… gây thất thoát hơn gần 550 triệu đồng. Hứa Văn Giai với cương vị Giám đốc Trung tâm đã thiếu kiểm tra giám sát công tác thu chi tài chính nên đã để Pỉn lợi dụng tham ô.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh niên, Người lao động, TTXVN (09-3) dẫn nguồn từ Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Cần Thơ cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Thanh Hải, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ); khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Huy Liệu, nguyên Phó Giám đốc Agribank Cần Thơ về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, cả hai bị can này đã thông đồng với Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (có trụ sở tại tỉnh Hậu Giang) nâng khống giá trị thế chấp, lập hồ sơ chứng từ khống trong việc cho vay tín dụng gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng tiền lãi suất.
 
    Báo Lao động, Thanh tra, Sài Gòn giải phóng, Phụ nữ, Dân trí, Đài TNVN (10-2) cho biết, UBND huyện Hương Khê đã ban hành Quyết định cách chức Chủ tịch UBND xã Hương Lâm đối với ông Đinh Viết Mạnh. Với cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, ông Mạnh đã chỉ đạo kế toán lập hồ sơ không đúng quy định để thanh toán nguồn vốn hỗ trợ tuần tra, bảo vệ biên giới và nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; chi sai nguyên tắc, có dấu hiệu thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền 611 triệu đồng. Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với: Phan Văn Thông, Bí thư Đảng ủy xã; Đinh Viết Mạnh, Chủ tịch UBND xã; Võ Thị Hồng Nhung, công chức tài chính - kế toán và Nguyễn Thị Thuận, công chức địa chính kiêm thủ quỹ về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Thông tấn xã Việt Nam (08-3) cho biết, ngày 9-3, một tòa án ở Indonesia mở phiên tòa xét xử 2 quan chức thuộc Bộ Nội vụ trong một vụ bê bối tham nhũng lớn ước tính khoảng 170 triệu USD liên quan tới Bộ trưởng Tư pháp, cựu Bộ trưởng Nội vụ, người phát ngôn hiện thời của Quốc hội và một số thống đốc tỉnh. Cảnh sát chống tham nhũng Indonesia phát hiện mạng lưới gồm khoảng 80 nhân vật và một số công ty đã lấy hơn 1/3 số tiền từ các quỹ được dùng để triển khai hệ thống thẻ nhận diện điện tử trị giá 440 triệu USD vào năm 2011 và 2012 ở Indonesia. Hai quan chức của Bộ Nội vụ nói trên bị cáo buộc tham nhũng 4,4 triệu USD. Các công tố viên cho biết, khoản tiền 172 triệu USD còn lại được chia cho hàng chục người khác liên quan.
 
    Báo Công lý (10-3) đưa tin, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ủng hộ việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye, phế truất bà vì bê bối tham nhũng. Phán quyết được quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp đọc và truyền hình trực tiếp trên cả nước. Bà Park trở thành lãnh đạo được bầu một cách dân chủ đầu tiên tại Hàn Quốc bị buộc thôi chức. Bà bị Quốc hội luận tội ngày 9-12-2016 với các cáo buộc để người bạn thân can thiệp vấn đề của nhà nước, thông đồng với bà này nhằm trục lợi từ các doanh nghiệp lớn và lơ là trách nhiệm trong vụ chìm phà năm 2014 làm hơn 300 người chết.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP.
 
    - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài Chính kiểm tra báo cáo vụ việc tiêu cực xảy ra tại Hải quan Hải Phòng.
 
    - Khởi tố nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Cần Thơ.
 
    - Bắt nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.