Điểm báo tuần số 192 từ ngày 19-12 đến ngày 24-12 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 26/12/2016, 16:16 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-12) đồng loạt đưa tin về phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với các nội dung: xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về 3 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về: ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức; ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nước; nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24-10-2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; cho ý kiến về việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2017-2020 và các Đề án của Kiểm toán Nhà nước, gồm: tổ chức, biên chế của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; vị trí việc làm của Kiểm toán Nhà nước; tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14, năm 2018; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội; thông qua 5 Nghị quyết về: ban hành Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.
    
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, TTXVN (19-12) đưa tin, Hội nghị Tổng kết chương trình phối hợp năm 2016 và ký kết Chương trình phối hợp năm 2017 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Cơ quan Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam). Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả phối hợp công tác giữa các cơ quan trong năm 2016; đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan trong nắm bắt nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; giám sát, phản biện xã hội; hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai và sự cố môi trường biển. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, năm 2017,  bên cạnh triển khai quyết liệt hoạt động giám sát phản biện - xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các cơ quan cần phối hợp triển khai hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Đoàn kết sáng tạo thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế" và xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên phạm vi cả nước.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20-12) đưa tin, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức tôn giáo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc. Thủ tướng đề nghị các chức sắc, chức việc, các tôn giáo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp bảo đảm hoạt động đúng quy định pháp luật, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện mê tín dị đoan, gây rối trật tự, chống phá Nhà nước; tổ chức quán triệt, tuyên truyền để thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo; hướng các hoạt động tôn giáo đồng hành, gắn bó với dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập dân tộc của đồng bào có đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức tôn giáo
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức tôn giáo
    Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Khánh Hòa, Đài TNVN, TTXVN (21-12) phản ánh các nội dung của Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào lần thứ 4 do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tổ chức. Với chủ đề "Nâng cao hiệu quả hợp tác trong việc giải quyết các vụ án hình sự và dân sự", các đại biểu thảo luận các nội dung: tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự; nâng cao hiệu quả hợp tác xét xử các vụ án dân sự và đánh giá việc thực hiện Thông cáo chung Hội nghị lần thứ 3 từ năm 2014 đến nay và xây dựng định hướng, giải pháp tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong năm 2017 và những năm tiếp theo; nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực của Tòa án, đảm bảo công lý, công bằng xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, xây dựng nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật. Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa ba nước ngày càng phát triển, đã xuất hiện nhiều tác động tích cực nhưng cũng có những thách thức. Vì vậy sự hợp tác chặt chẽ của tòa án ba nước để giải quyết hiệu quả các tranh chấp xuyên quốc gia trong lĩnh vực dân sự và phối hợp phòng chống tội phạm là yêu cầu tất yếu; đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xét xử, phối hợp giải quyết các vụ việc. 
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24-12) đưa tin về Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2016, triển khai công tác năm 2017. Năm 2016, Bộ tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trình Quốc hội thông qua 12 luật, Nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trên 1.000 văn bản. Tình trạng nợ đọng văn bản giảm xuống mức thấp nhấp trong nhiều năm qua; thẩm định 11.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện 659 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền; công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 95,85% so với yêu cầu; hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 530.000 vụ việc với trên 29.000 tỷ đồng; giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ trên 96%. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác tư pháp đã có nhiều đổi mới, bám sát các nghị quyết của Trung ương Đảng, chỉ đạo của chính phủ, quán triệt tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, ban hành luật nhiều nhưng việc thực thi pháp luật còn yếu, chưa có tính nghiêm minh, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính và trách nhiệm của cán bộ tư pháp còn nhiều hạn chế. Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp, tạo ra khuôn khổ ngày càng minh bạch, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người dân, tạo điều kiện doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển; đồng thời cần chủ động theo dõi việc thực thi pháp luật, có đề xuất bổ sung kịp thời đối với những chính sách phục vụ người dân, doanh nghiệp…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Tuổi trẻ (19-12) có bài viết “Sai phạm hơn 4,5 tỷ đồng vẫn được đề bạt lên chức”. Bài báo thông tin: Thanh tra huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cho biết đã kết luận ông Nguyễn Trúc Giang, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Giồng Riềng cùng một số cán bộ dưới quyền phải chịu trách nhiệm cho nhiều sai phạm tài chính với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Mặc dù sai phạm hơn 4,5 tỷ đồng, nhưng Thanh tra huyện Giồng Riềng chỉ kiến nghị thu hồi nộp ngân sách huyện gần 438 triệu đồng, buộc ông Giang nộp lại 384,4 triệu đồng, còn lại cho Bệnh viện đa khoa khu vực Giồng Riềng khắc phục và thanh toán số tiền gần 4 tỷ đồng. Mới đây, ông Giang đã được đề bạt giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang. Trao đổi với Báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay: "Tới thời điểm này chưa nghe các ý kiến thắc mắc liên quan tới việc bổ nhiệm ông Nguyễn Trúc Giang. Có thể trong khi làm quy trình bổ nhiệm anh em có sơ suất, tôi sẽ cho kiểm tra việc bổ nhiệm này. Riêng việc xử lý kỷ luật ông Giang có thỏa đáng hay chưa thì còn phải chờ kết luận phúc tra của Thanh tra tỉnh".
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Người đưa tin (21-12) dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hồng Sơn và Trần Huy Quang, đều là cán bộ Ban quản lý Dự án xây dựng và giải phóng mặt bằng huyện Tam Đảo về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành điều tra làm rõ.
 
    Báo Lao động, Công an nhân dân, Tiền phong, Dân trí, Tuổi trẻ, An ninh Thủ đô, Đài TNVN (22-12) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Đình Hòa, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch thị trường, Tổng Công ty xây dựng đường thủy (Vinawaco) mức án 13 năm tù; Hồ Thành Nghĩa, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án nạo vét phía Bắc, Vinawaco nhận án 8 năm 6 tháng tù cùng về tội “Nhận hối lộ”. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 20 tháng đến 15 năm tù giam về các tội “Đưa hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Để nhận được hợp đồng gói thầu nạo vét Luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân năm 2013, Thắng và Huyền là Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng và cơ khí Tân Việt đã chấp nhận yêu cầu của Hồ Thành Nghĩa và Phạm Đình Hòa là phải chi 50% giá trị hợp đồng. Trong quá trình thi công Huyền và Thắng đã tổ chức thi công không đúng theo hợp đồng đã ký để gian dối chiếm đoạt gần 7,9 tỷ đồng. Nghĩa và Hòa nhận được lại quả 800 triệu đồng.
 
    Báo Công an nhân dân, Người lao động, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông (22-12) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tuyên phạt 3 bị cáo nguyên là cán bộ của Chi cục Thuế TP. Cao Lãnh gồm: Nguyễn Thanh Bình nguyên công chức thu thuế Đội trước bạ nhận 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; bị cáo Nguyễn Tấn Nhặn, nguyên Chi cục trưởng và bị cáo Nguyễn Khắc Sỹ, nguyên đội trưởng Đội trước bạ đồng mức án 3 năm tù nhưng được hưởng án treo cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, từ năm 2006 đến 2011, Nguyễn Thanh  Bình được giao nhiệm vụ trực tiếp thu tiền lệ phí trước bạ đã lợi dụng sự thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát của Nguyễn Tấn Nhặn, Nguyễn Khắc Sỹ, để dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt 2,3 tỷ đồng. 
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Đời sống và Pháp luật, Dân trí, Đồng Tháp, VietnamNet (23-12) dẫn nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với bà Phòng Thị Phương Kiều, Trưởng Đài Truyền thanh thị xã Hồng Ngự, do sai phạm tài chính. UBND thị xã Hồng Ngự đã có quyết định buộc thôi việc đối với bà Kiều. Trong thời gian làm Trưởng Đài phát thanh, bà Kiều đã có những sai phạm như trực tiếp sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, tài sản; thực hiện không đúng quy định về quản lý tài sản công; chỉ đạo thủ quỹ thu tiền quảng cáo bỏ ngoài sổ sách; từ năm 2014 đến 2016 chỉ đạo kế toán và thủ quỹ xây dựng chứng từ khống, nâng giá để quyết toán số tiền trên 550 triệu đồng. Hồ sơ sai phạm tài chính liên quan đến bà Kiều đã được chuyển cho Công an thị xã Hồng Ngự thụ lý điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Dân trí (23-12) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố đối với bị can Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) cùng 47 đồng phạm nguyên là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch về các tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Oceanbank tổng số tiền là gần 2.000 tỷ đồng.
 
    Báo Công an nhân dân (24-12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ôtô số 2 Lạng Sơn về hành vi tham ô tài sản. Thông qua đơn thư tố cáo của cán bộ, công nhân viên Công ty, ông Nguyễn Tuấn Anh đã lập khống hồ sơ kê khai tiền đền bù từ ngân sách Nhà nước đối với dự án mở rộng khuôn viên trụ sở làm việc của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn. Nguyễn Tuấn Anh đã ký 2 hợp đồng với Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ phát triển Trường Phát để chuyển hơn 1,2 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty vận tải ôtô số 2 Lạng Sơn vào tài khoản của Công ty Trường Phát, sau đó đã chuyển số tiền này về một số công ty gia đình của Nguyễn Tuấn Anh để sử dụng vào mục đích cá nhân.
 
    TIN QUỐC TẾ 
 
    Thông tấn xã Việt Nam (22-12) cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil đã chấp nhận trả 3,5 tỷ USD tiền phạt vì tội đưa hối lộ cho các quan chức và chính trị gia trong và ngoài nước. Odebrecht điều hành một mạng lưới đưa hối lộ khổng lồ, trong suốt một thập kỷ để giành những hợp đồng trong quá trình đấu thầu các dự án. Đây là vụ tham nhũng lớn nhất mà cơ quan tư pháp Mỹ thụ lý có liên quan tới một công ty nước ngoài và cũng là số tiền phạt kỷ lục về hành vi trên.
 
    Báo Thanh tra (23-12) cho biết, sau khi chi trả một khoản tiền bảo lãnh 100 triệu Shekel, ông Steinmetz, 1 trong 10 tỷ phú kim cương giàu nhất thế giới được cho về quản thúc tại nhà ở Israel trong 2 tuần. Các hộ chiếu bị tịch thu và ông bị cấm rời khỏi Israel trong vòng 180 ngày. Cảnh sát Israel cho biết, Steinmetz và một số người Israel khác bị nghi ngờ chi hàng chục triệu USD hối lộ các quan chức cấp cao khu vực công ở Guinea trong một vụ việc có liên quan đến tranh chấp quyền khai thác một trong những mỏ sắt có giá trị nhất toàn cầu. Cảnh sát Israel đã phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ, Thụy Sỹ, Guinea và Israel tiến hành điều tra vụ việc như một phần trong nỗ lực chống hối lộ tại khu vực công nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức tôn giáo; 
    - Truy tố Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương cùng 47 đồng phạm;
    - 08 bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy lĩnh án;
    - Trưởng Đài truyền thanh thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bị khai trừ khỏi Đảng, buộc thôi việc do sai phạm tài chính. 
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.