Điểm báo tuần số 190 từ ngày 05-12 đến ngày 10-12 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 13/12/2016, 09:23 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh niên, Người lao động, Biên phòng, VietnamNet (05-12) đưa tin, Hội nghị giao ban công tác Công an tháng 11, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12-2016 của Bộ Công an. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu thời gian tới Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Tăng cường các giải pháp đấu tranh với tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm vi phạm pháp luật môi trường; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, phòng, chống cháy, nổ và phòng ngừa tội phạm; kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên liên quan đến công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, kinh tế, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh mạng; xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ngay từ cơ sở. 
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, Biên phòng, Thanh tra, Văn hóa, TTXVN, Đài THVN (06-11) phản ánh Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Phú Thọ tổ chức. Đây là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối đúng đắn của Ðảng cũng như thực hiện lời dạy của Bác Hồ về phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc và cộng đồng, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc. Trong những năm qua, người có uy tín đã có những đóng góp quan trọng giúp Tây Bắc phát triển ổn định, bền vững, thiết lập thế trận lòng dân vững chắc; nhiều tấm gương tiêu biểu được cộng đồng tôn vinh và cấp ủy, chính quyền các cấp khen thưởng. Họ luôn là người đi đầu, phát động đồng bào tham gia tích cực phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần làm cho diện mạo nông thôn miền núi thay đổi. Ngoài ra, nhiều người uy tín còn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động người thân, cộng đồng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên cương Tổ quốc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Dân trí, Pháp luật Việt Nam, Giáo dục Việt Nam, Hà Nội mới, Đài THVN, TTXVN (08-12) cho biết, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Năm 2016, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt; công tác cải cách thể chế có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực chưa được giải quyết dứt điểm. Một số bộ, ngành thực hiện chưa nghiêm việc đánh giá tác động của các quy định, thủ tục hành chính mới; trách nhiệm phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong thi hành nhiệm vụ chưa tốt... Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đề nghị, năm 2017, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Quyết định 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020, bảo đảm thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn của bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính; loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Trong việc xây dựng thể chế phải kiên quyết chống “lợi ích nhóm”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức; tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án liên quan người đứng đầu được dư luận xã hội quan tâm.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10-12) đồng loạt đưa tin về Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương IV, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là Nghị quyết rất quan trọng, đề cập đến vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm, hoan nghênh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở Trung ương và cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm và có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý kỷ luật đối với những nơi làm không tốt. Tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột", khi quán triệt, triển khai Nghị quyết thì rầm rộ nhưng khi thực hiện lại tắc trách, không có tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII) về xây dựng Đảng thì nhận thức phải tốt, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với Đảng với Tổ quốc để thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc và có hiệu quả, tránh tình trạng thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc hoặc có tư tưởng chỉ trông chờ, phán xét người khác; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khoá XII) phải thực hiện đồng bộ với các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội và của Chính phủ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình; tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân…  
 
Hội nghị cán bộ toàn quốc trực tuyến phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương IV, khóa XII
Hội nghị toàn quốc trực tuyến phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương IV khóa XII
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Người lao động, Tài nguyên và Môi trường, Dân trí (07-12) dẫn nguồn tin cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang có thông báo chính thức về kết luận sai phạm tại Đảng ủy và đồng chí Nguyễn Đông Hải, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang. Cụ thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế; điều hành tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản, các nguồn kinh phí do đơn vị quản lý còn nhiều thiếu sót, sai phạm với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Với các sai phạm trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu các cá nhân có sai phạm phải thu hồi, nộp lại số tiền sai phạm, đồng thời đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể Đảng ủy và đồng chí Nguyễn Đông Hải, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; kiểm điểm theo quy trình đối với các đồng chí Võ Thị Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng; đồng chí Trương Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng và các cá nhân có liên quan.
 
    Báo Tiền phong, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Giao thông, Đại đoàn kết, Nông nghiệp Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Dân trí, Thanh niên, Đài TNVN (08-12) cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Cần Thơ đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Trần Lưu, nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Thốt Nốt; Trần Lập Pháp, nguyên cán bộ Đội Thanh tra giao thông quận Cái Răng và Hồ Công Thiện, Đội phó Đội Thanh tra giao thông huyện Phong Điền. Từ lời khai của Lý Hoàng Minh, nguyên Đội phó Đội Thanh tra giao thông  số 3 nhận tiền bảo kê của nhiều chủ doanh nghiệp bị bắt quả tang, Cơ quan điều tra lần lượt bắt giữ Võ Hoàng Anh, Lý Hoàng Minh và Nguyễn Văn Cần khai nhận nhận tiền hối lộ hơn 3,5 tỷ đồng. Mở rộng điều tra, Công an TP. Cần Thơ phát hiện một đường dây bảo kê, nhận hối lộ số tiền gần 4 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thái Nguyên, Lạng Sơn, TTXVN, Đài TNVN (08-12) đưa tin, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng Đoàn chủ trì Hội nghị công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 02 tỉnh là Lạng Sơn và Thái Nguyên. Làm việc tại tỉnh Lạng Sơn, Đoàn Công tác đã chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng mà tỉnh Lạng Sơn cần khắc phục trong thời gian tới như: phát hiện tham nhũng của các cơ quan chức năng còn ít, chưa tương xứng với tình hình thực tế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt thấp; một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác phòng ngừa tham nhũng; công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp thiếu chặt chẽ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kết luận của Đoàn công tác; chỉ đạo các cấp ủy cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém mà Đoàn công tác đã nêu... Tại tỉnh Thái Nguyên, Đoàn công tác số 1 lưu ý Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên khi thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường đoàn kết nội bộ nhằm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. 
 
 
    Báo Tuổi trẻ (08-12) dẫn nguồn tin từ UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Thanh tra tỉnh Tiền Giang phát hiện 04 vụ có dấu hiệu tham nhũng và đã chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo pháp luật. Cụ thể: 1) Giám đốc và lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho cố ý làm trái gây thiệt hại kinh tế với số tiền gần 15 tỷ đồng; 2) Giám đốc Trung tâm khuyến công thuộc Sở Công thương tỉnh và một số cá nhân quyết toán khống 680 triệu đồng; 3) Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xử phạt vi phạm hành chính sai quy định làm thất thoát ngân sách 2,9 tỷ đồng; 4) Trường PTCS Thanh Bình, huyện Chợ Gạo với hàng loạt sai phạm khi nâng giá mua quà phát thưởng cho học sinh, chi khống nguồn thu hội phí, sử dụng trái phép quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu của bảo hiểm y tế…
 
    Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Thanh tra, Hà Nội mới, TTXVN (09-12) phản ánh nhân ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng 09-12, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNODC) tổ chức hội thảo bàn tròn về chu trình thứ hai đánh giá việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận về công tác chuẩn bị của Việt Nam cho chu trình thứ hai đánh giá việc thực thi UNCAC về các nội dung phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng. Các đại biểu nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát, xử lý tham nhũng, nhất là việc tham gia và góp phần thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật và hoạt động phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Tuy nhiên, chưa có quy định pháp luật cụ thể về quyền và trách nhiệm của tổ chức xã hội không phải là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, Chính phủ cần tham khảo ý kiến và tạo điều kiện hơn nữa cho tổ chức xã hội tham gia các lĩnh vực về xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách nhằm phát huy vai trò của chủ thể nàycực trong phòng, chống tham nhũng.
 
    Báo An ninh Thủ đô, Người lao động, Tuổi trẻ, Vnexpress (10-12) đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can với một số cựu lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á (Đông Á Bank) vì vi phạm các quy định hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng Giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó Tổng Giám đốc và 3 nhân viên khác. Trước đó, ngày 13-8-2015, DongA Bank bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của ngân hàng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Công an nhân dân (06-12) đưa tin, ngày 06-12, Tòa án tối cao Iran đã ra tuyên bố y án tử hình đối với tỷ phú, doanh nhân Babak Zanjani với tội danh biển thủ khoảng 2,68 tỷ USD trong các thương vụ xuất khẩu dầu của Iran dưới thời cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
 
    Báo Thanh tra (09-12) cho biết, Quốc hội Iceland thông qua Nghị quyết tăng thêm 44% lương cho tất cả các nghị sĩ của nước này. Việc tăng lương này là rất quan trọng, vì nó sẽ thu hút được nhiều người tài. Lương cao, các nghị sĩ sẽ không phải làm thêm, họ sẽ dành toàn bộ thời gian, tâm trí vào công việc để đưa ra những chính sách tích cực hơn, có lợi hơn cho người dân và cho đất nước. Hơn nữa, khi lương cao thì bản thân các nghị sĩ cũng sẽ ít quan tâm hơn đến những lợi ích vật chất khác như tham nhũng, nhận hối lộ, biển thủ… Đó cũng là một cách phòng ngừa tham nhũng hiệu quả…
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Hội nghị toàn quốc trực tuyến, phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương IV khóa XII;
    - Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017;
    - Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng  công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên;
    - Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án và khởi tố bị can với một số cựu lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á;
    - Thanh tra tỉnh Tiền Giang chuyển hồ sơ 04 vụ có dấu hiệu tham nhũng sang Công an để điều tra, xử lý.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.