Điểm báo Tuần số 187 từ ngày 14-11 đến ngày 19-11 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 21/11/2016, 15:16 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
    
    Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (14-11 đến 19-11) tiếp tục phản ánh nội dung Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14. Quốc hội đã: Biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; thảo luận về dự án Luật thủy lợi, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, dự án Luật đường sắt (sửa đổi), dự án Luật du lịch (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; biểu quyết thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Luật đấu giá tài sản. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ. 
 
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
    Báo Thanh tra, Công lý, Đại đoàn kết, Nông nghiệp Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN (15-11) cho biết, Ban Chỉ đạo Đề án 1-1133 “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2013-2016” họp về chuẩn bị tổng kết Đề án. Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện Đề án 1-1133. Sau 4 năm thực hiện, đa số các địa phương đều đánh giá, tình hình khiếu nại, tố cáo trên các địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo của người dân và ý thức trách nhiệm của nhiều công chức, người có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên. Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm rõ rệt; phần lớn các vụ khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được tập trung giải quyết. Các vụ khiếu kiện đông người được tập trung chỉ đạo xử lý, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn, nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài nhiều năm được giải quyết dứt điểm.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (18-11) đưa tin, Hội nghị trực tuyến tập huấn “Nâng cao kỹ năng thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy” trong ngành kiểm sát. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy; kỹ năng trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kỹ năng kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang; kỹ năng kiểm sát việc khám xét thu giữ vật chứng; kỹ năng kiểm sát quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định; kỹ năng kiểm sát việc thu giữ thư tín, điện tín; kỹ năng kiểm sát điều tra đối với các vụ án ma túy được phát hiện qua biện pháp “truy xét”; kỹ năng kiểm sát hoạt động hỏi cung và trực tiếp hỏi cung bị can; kỹ năng của Kiểm sát viên khi xây dựng cáo trạng đối với các vụ án về ma túy… Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, đối với viện kiểm sát nhân dân các cấp và cán bộ ngành viện kiểm sát nhân dân thì yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó chính là không để oan sai và không để lọt tội phạm. Để đảm bảo yêu cầu này, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định của pháp luật, đặc biệt là những đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật tố tụng hành chính để nâng cao chất lượng công tác của ngành Kiểm sát nói chung và đối với án ma túy nói riêng. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Xây dựng, Thanh niên, Công lý, Hà Nội mới, TTXVN (18-12) cho biết Chính phủ vừa có Nghị quyết 100/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, Chính phủ có 06 nhiệm vụ chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành gồm: Tổ chức bộ máy Chính phủ tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
 
    Báo Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (19-11) đưa tin về nội dung Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Kế hoạch 03/KH-BCA-C41 ngày 06-01-2014 của Bộ Công an về đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức. Từ khi triển khai Kế hoạch 03 đến nay, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã triệt phá 6.300 băng nhóm, 31.528 đối tượng. Lực lượng Cảnh sát hình sự khám phá nhiều chuyên án, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, băng nhóm nguy hiểm. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác quản lý hành chính về an ninh, trật tự, kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp hành chính và biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, cần đặc biệt làm tốt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thường xuyên tổ chức tổng kiểm tra, vận động nhân dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ còn ở ngoài xã hội; đấu tranh triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, tàng trữ vũ khí. Chủ động các biện pháp ngăn chặn, không để tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” nước ngoài xâm nhập hoạt động tại Việt Nam.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công lý, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công an nhân dân, Người lao động, Dân trí, VietnamNet (16-11) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm (lần thứ 3) xét xử nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy TP.Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Quyền; nguyên Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Lại Hữu Lân và 06 đồng phạm liên quan đến vụ án tại Dự án trang trại phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Các bị cáo đều bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các đối tượng trên lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo, soạn thảo các văn bản, các quy định trái pháp luật để thu hồi đất và giao hơn 25 ha đất cho Nguyễn Anh Quân và Dương Đình Tâm dưới danh nghĩa là Dự án trang trại phường Đồng Tâm do UBND phường Đồng Tâm đầu tư. 
 
    Báo Thanh tra, Cần Thơ (16-11) đưa tin, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 của 28 tỉnh, thành khu vực phía Nam, khu vực Nam Trung Bộ. Hội nghị được nghe thông báo về kết quả ban đầu của công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng khi áp dụng bộ công cụ PACA INDEX 2016, với đối tượng là UBND cấp tỉnh, thành trong cả nước. Vì là công cụ hiệu quả để khắc phục hiện tượng đánh giá chung chung đã xảy ra trong thời gian qua khi thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Đây là năm đầu tiên thực hiện, Bộ chỉ số nhiều, phức tạp có liên quan đến nhiều đơn vị, thời gian thực hiện ngắn nên việc triển khai còn chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan trong việc đánh giá, tự đánh giá và tổng hợp điểm số, tài liệu chứng minh còn chưa đầy đủ và kịp thời… Có 62/63 tỉnh, thành phố đã hoàn chỉnh báo cáo đánh giá gửi Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, thành phố, Thanh tra Chính phủ đã hoàn chỉnh dự thảo báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 đối với UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Tiền phong, Vnexpress (18-11) dẫn nguồn tin của Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi thanh tra quá trình thực hiện đầu tư Dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyeste Đình Vũ tại Hải Phòng có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, cùng với kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền gần 55 tỷ đồng và hơn  23.000 USD, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý những dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự xảy ra tại dự án này.
 
    Báo Người lao động, Thanh niên, Dân trí, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, TTXVN (19-11) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hùng Linh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại tỉnh Kiên Giang mức án 13 năm tù và Lê Nguyễn Hoàng Nam, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh  8 năm tù với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 06  bị cáo còn lại lĩnh mức án từ 18 tháng đến 2 năm tù. Riêng bị cáo Lê Thị Thanh Diễm, nguyên Giám đốc Công ty Việt Phong phải chịu mức án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang ký 4 hợp đồng mua 12.000 tấn gạo với Công ty Việt Phong do Lê Thị Thanh Diễm làm Giám đốc. Diễm đã ứng trước số tiền 65,3 tỷ đồng và sử dụng số tiền này để trả nợ và chỉ cung ứng được cho Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang 2.000 tấn tương đương 13,65 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Diễm đã lừa đảo chiếm đoạt của Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang hơn 50,58 tỷ đồng. Ngoài hình phạt tù, các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang trên 50 tỷ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tiền phong (15-11) dẫn nguồn tin Hãng tin RT cho biết, Ủy ban Điều tra Nga đã mở vụ án hình sự đối với Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukayev vì bị cáo buộc tống tiền và nhận hối lộ. Theo cáo buộc, ông Ulyukayev nhận hối lộ 2 triệu USD để đưa ra những đánh giá có lợi cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft mua lại 50% cổ phần của Công ty cổ phần dầu khí Bashneft.
 
    Báo Thanh tra (17-11) cho biết, trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi và săn cáo” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mới đây Dương Tú Châu, người đứng đầu trong danh sách truy nã 100 quan chức tham nhũng Trung Quốc trốn ra nước ngoài, đã trở về nước và tự nộp mình cho cảnh sát sau 13 năm trốn ở nước ngoài. Dương Tú Châu bị truy nã với cáo buộc biển thủ hơn 40 triệu USD tiền ngân sách khi còn giữ chức Phó Chủ tịch thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Quốc hội tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ;
    - Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm (lần thứ 3) các bị cáo trong vụ án trang trại Đồng Tâm;
    - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam lĩnh án 13 năm tù với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.