Điểm báo tuần số 168 (từ ngày 02-7 đến ngày 8-7) về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 11/07/2016, 19:06 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, VnExpress, Hà Nội mới (2-7) đưa tin, trong tháng 7-2016, một số chính sách mới của Chính phủ sẽ có hiệu lực như: Quy định chi tiết một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cơ cấu tổ chức Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; 7 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn…
 
    Báo Điện tử Chính phủ (5-7), Điện tử ĐCSVN, Hà Nội mới (6-7), Pháp luật Việt Nam, Thanh tra (7-7) cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo 6 hình thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
 
    Báo Nhân Dân, Phú Thọ (5-7) đưa tin, tại Hội nghị đánh giá Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) khu vực phía Bắc do Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương trong việc triển khai thực hiện PAPI nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong đó, tập trung phân tích làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên 6 nội dung lớn: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình trước người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Qua 5 năm triển khai, bộ chỉ số PAPI đã tạo động lực nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, góp phần xây dựng một nền công vụ trách nhiệm, chuyên nghiệp, năng động, minh bạch và hiệu quả.
 
    Báo Điện tử ĐCSVN, Thanh tra, Đại đoàn kết (6-7), Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam (7-7), Đài TNVN (8-7) phản ánh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai việc luật sư, luật gia tham gia tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương diễn ra phức tạp, có vụ việc, vụ án kéo dài nhiều năm. Vì vậy, cơ quan chức năng cần lựa chọn một số vụ điển hình để trợ giúp pháp lý cho người dân và giúp cơ quan Nhà nước giải quyết dứt điểm. Qua đó, rút kinh nghiệm về cách làm để thực hiện việc tư vấn thiết thực, hiệu quả hơn; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân tại địa phương, hạn chế khiếu nại vượt cấp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để người dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục…
 
    Báo Pháp luật Việt Nam (5-7), Dân trí (7-7), Đài TNVN (8-7) cho biết, từ ngày 11 đến 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên thứ 50, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV với các nội dung chính là kiện toàn Chính phủ và bộ máy Nhà nước; báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016….
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam (7-7) phản ánh, tại cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì và các đồng chí Bí thư, đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên; các cơ quan chức năng liên quan đến địa bàn Tây Nguyên, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất trong thời gian tới, sẽ kiện toàn và ra mắt Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhằm phát huy trí tuệ, huy động sức mạnh tổng hợp của các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành có liên quan đến địa bàn Tây Nguyên; triển khai các nhiệm vụ, chương trình trọng tâm của Trung ương, Chính phủ đến tận cơ sở; trong đó không chỉ kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên mà kết nối cả với các tỉnh vùng phụ cận, các địa bàn trọng điểm và nâng cao hợp tác quốc tế...
 
    Báo Điện tử ĐCSVN, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP.HCM, VietNamnet, Dân trí, Người Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài TNVN (7-7), Thanh tra, Công lý (8-7) đưa tin, theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2016, Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.443 văn bản, bước đầu phát hiện 58 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (22 văn bản của Bộ, 36 văn bản địa phương). Bộ Tư pháp đã thông báo kiểm tra đối với 54 văn bản, còn lại 4 văn bản, cơ quan ban hành văn bản tiếp thu, tự xử lý sau khi Bộ Tư pháp tổ chức họp và trao đổi về các nội dung trái pháp luật. Đối với 169 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01-7-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 73/169 văn bản (41 Nghị định, Quyết định; 28 Thông tư và 04 Thông tư liên tịch), đạt 43,19%. Bộ Tư pháp đã thẩm định 151 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 61 điều ước quốc tế; góp ý 447 dự thảo văn bản, trong đó có 163 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế…
 
    TTXVN, báo Nhân Dân, Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Quân đội Nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh tra, Lao động, Sài Gòn giải phóng, Công lý, Đại đoàn kết, Thanh niên, VietNamnet, VnExpress, Dân trí, Pháp luật TP.HCM, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (4-8/7), đưa tin từ ngày 4-7/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ 3, quyết định các nội dung quan trọng: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng; về tổ chức bộ máy và giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021; cho ý kiến về Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 3 và một số vấn đề quan trọng khác.
    
Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    TTXVN, báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Lao động, Thanh niên (3-7), Công an nhân dân, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Tuổi trẻ TP.HCM, VnExpress (4-7), VietNamnet (5-7) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với: Phan Hòa Bình, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu; Trương Văn Trí, nguyên Chuyên viên Ủy ban nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu và Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 9, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Vũng Tàu về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cơ quan điều tra, trong thời gian công tác tại thành phố Vũng Tàu, các bị can đã có một số sai phạm trong công tác quản lý đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất.
 
    Báo Tuổi trẻ TP.HCM (2-7), Pháp luật Việt Nam, Công lý, Hà Nội mới, VietNamnet (4-7) Tiền phong, VnExpress, Đài TNVN (5-7) phản ánh, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến ngày 19-7 sẽ mở phiên xét xử đối với Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh và các đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân dẫn đến thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam (6-7) cho biết, Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình phối hợp với Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác phòng, chống tham nhũng cho hơn 90 cán bộ trong tỉnh. Các học viên đã được nghe các nội dung chính như: Những vấn đề trọng tâm của Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi năm 2012) và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao chất lượng thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 
 
    Báo Dân trí, VnExpress (7-7) cho biết, Ban Nội chính Trung ương ban hành Quyết định thành lập 07 Tổ giúp việc và Tổ tổng hợp phục vụ các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, các tổ giúp việc sẽ giúp lãnh đạo Đoàn công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả làm việc và những nội dung cần được bàn bạc, thảo luận tại các buổi làm việc của Đoàn. Thành viên của các tổ giúp việc gồm nhiều cơ quan như: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ. 
 
    Báo Pháp luật TP.HCM (8-7) cho biết, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng thông báo kết luận thanh tra tài chính tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và các đơn vị trực thuộc. Theo kết luận thanh tra, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý tài chính, để xảy ra sai phạm trên 15 tỷ đồng. Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xem xét trách nhiệm, xử lý cán bộ, công chức của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc quyền quản lý, đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét trách nhiệm, xử lý công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của Sở có hành vi vi phạm pháp luật. 
 
    Báo Thanh tra (8-7) phản ánh, theo Báo cáo của Thanh tra thành phố Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra thành phố đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tình hình sử dụng tài sản công; hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập…Toàn ngành đã tiến hành 53 cuộc thanh tra hành chính, 972 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 3.030 cá nhân và tổ chức. Qua thanh tra, phát hiện 487 cá nhân, đơn vị có sai phạm về kinh tế với số tiền là 12,59 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 5,55 tỷ đồng (đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 2,259 tỷ đồng) và kiến nghị xử lý bằng hình thức khác hơn 7 tỷ đồng. 
 
    Báo Tuổi trẻ TP.HCM (8-7) cho biết, theo Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2016, Cơ quan điều tra 2 cấp khởi tố 4 vụ/3 bị can (tăng 2 vụ, giảm 24 bị can so với cùng kỳ); đã thu hồi và nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 435 triệu đồng.
 
    QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (5-7) đưa tin, Ủy ban Liêm chính của Quốc hội Iraq yêu cầu chính quyền Trung ương ban hành lệnh bắt giữ đối với 2.165 cá nhân trong nước. Đây là những người đã bị Ủy ban buộc tội tham nhũng và hối lộ, hầu hết là cán bộ, nhân viên Nhà nước, trong đó có ít nhất 6 bộ trưởng và hàng chục nhà quản lý cấp cao trong các cơ quan chính phủ.
 
    Báo Thanh tra (6-7) cho biết, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu cuộc thanh tra lần thứ 10, nhằm phát hiện các hành vi sai phạm của các quan chức, bao gồm vi phạm trong các giao dịch tiền, hối lộ, lạm dụng quyền lực cũng như vi phạm tác phong làm việc như: chủ nghĩa hình thức, tệ quan liêu, thói xa hoa, lãng phí... Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong năm 2015, có hơn 284.000 công chức, viên chức bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau vì dính líu tới tham nhũng. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, có thêm 160.000 công chức, viên chức bị kỷ luật vì các hành vi liên quan đến tham nhũng.
 
    Thông tin đáng chú ý:  
    - Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
    - Ban Nội chính Trung ương thành lập Tổ giúp việc 7 Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
    - Khởi tố nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố Vũng Tàu.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.