Tăng cường tính liêm chính của Tòa án từ thực tiễn thủ tục hành chính tư pháp

Thứ Ba, 28/07/2020, 09:26 [GMT+7]
    Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với UNDP tại Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo“Tham vấn ý kiến về Báo cáo những thực tiễn tốt về thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Tòa án”.
Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị đã xác định: “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý”; “Phải ban hành và thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 phù hợp với quá trình đổi mới công tác lập pháp và chương trình cải cách hành chính...”.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Từ năm 2005, Toà án đã xác định “Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Toà án theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện để người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện của họ trước Toà án, người dân khởi kiện ở một Toà án, Toà án có trách nhiệm xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào để chuyển hồ sơ và thông báo cho người khởi kiện biết; công khai hoá thủ tục tiếp cận hồ sơ, cung cấp tài liệu, thông tin, trích lục bản án, quyết định của Toà án theo quy định của pháp luật”.
 
    Thực hiện thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Toà án được thực hiện trong bối cảnh có những cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận công lý, minh bạch hoạt động và tính liêm chính của Toà án. Trong những năm gần đây, nhiều toà án địa phương và toà án cấp cao đã triển khai công tác cải cách các thủ tục hành chính tư pháp, hiện đại hoá trang thông tin điện tử; thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
    Báo cáo “Những thực tiễn tốt về thực hiện thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Toà án” được triển khai và tập trung nghiên cứu 04 nhóm thủ tục hành chính tư pháp, đó là: Thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ án (bao gồm cả hoạt động hòa giải của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án); phân công Thẩm phán tại Toà án; quản lý thời gian giải quyết vụ án (bao gồm cả thủ tục công khai quy trình giải quyết vụ án; áp dụng thủ tục rút gọn; giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải; hoãn phiên toà); cấp trích lục, giao, gửi bản án và công khai bản án.
 
    Tại Hội thảo, các thẩm phán, luật sư, chuyên gia pháp lý… đã trình bày tham luận, nêu ý kiến góp ý tập trung vào những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Tòa án.
                                                                                           Nguyên Anh
                                                                                 (Tòa án nhân dân tối cao)
.