Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020

Thứ Tư, 25/12/2019, 16:07 [GMT+7]
    Ngày 24/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 64 điểm cầu. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
 
    Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng cùng lãnh đạo cấp Vụ, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
    Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đã bám sát phương châm của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong công tác chỉ đạo, điều hành; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương, triển khai đầy đủ tất cả các chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt nhiều kết quả nổi bật; chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào chiều sâu. Trong năm 2019, toàn ngành đã tập trung rà soát được 40.304 VBQPPL; hoàn thành việc hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2 (2014-2018); lần đầu tiên xác định và công bố số liệu chính xác về VBQPPL trên cả nước và đưa vào khai thác, sử dụng 120/271 đề mục của Bộ Pháp điển..
 
    Công tác thi hành án dân sự (THADS) đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao; đã thi hành xong gần 53 nghìn đồng (tăng đến 52,77% so với năm 2018). Đặc biệt, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm; xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.
 
    Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành được đẩy mạnh, Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện, Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao…
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: việc bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật tiếp tục là thách thức lớn; việc gửi hồ sơ các dự án luật đến Chính phủ, Quốc hội còn chậm so với yêu cầu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Trong THADS, theo dõi thi hành án hành chính, còn có một số vi phạm của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án; việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, công chứng vẫn còn có sai sót, tiêu cực; còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân; việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp ở địa phương vẫn chưa thống nhất…
 
    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành Tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và những đóng góp âm thầm của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.
 
    Nhấn mạnh năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng của nước ta, đối với công tác tư pháp cũng sẽ tiếp tục tham mưu tổng kết các nghị quyết quan trọng của Đảng về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp…, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật; đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương.
 
    Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp phù hợp với yêu cầu của thực tiễn song song với nâng cao chất lượng dịch vụ và yêu cầu quản lý nhà nước với bước đi, lộ trình; tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế.
                                                                                      Thu Hương
.