Hội nghị lấy ý kiến về Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

Thứ Ba, 19/11/2019, 16:42 [GMT+7]
    Ngày 19/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Báo cáo Tổng kết thực hiện nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
 
    Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW chủ trì Hội nghị.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương; đại diện Thường trực tỉnh, thành ủy, lãnh đạo ban nội chính các  tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam (từ Quảng trị trở vào); các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tư pháp; thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết, Tổ biên tập tổng kết nghị quyết; đại diện một số vụ, đơn vị chức năng của ban Nội chính Trung ương.
 
    Báo cáo tại Hội nghị cho thấy: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đó là: (1) Đã sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. (2) Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; tăng quyền hạn, trách nhiệm và đề cao tính độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của các chức danh tư pháp. (3) Đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa. (4) Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. (5) Ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp phù hợp với tính đặc thù của hoạt động tư pháp. (6) Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp, đáp ứng các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài. (7) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ, từng bước hạn chế được tình trạng oan, sai…. góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
 
    Tại Hội nghị, có 12 ý kiến phát biểu tập trung vào một số nội dung như: Đánh giá kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 49; những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết; về yêu cầu khách quan của cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay;
 
Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW phát biểu tại Hội nghị
    Về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, phương hướng cải cách tư pháp trong thời gian tới, được các đại biểu đề cập sâu sắc và toàn diện; theo đó về mục tiêu được xác định là xây dựng nền tư pháp hiện đại, trong sạch vững mạnh, cần bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tư pháp, phục vụ nhân dân và đáp ứng niềm tin của nhân dân. Về quan điểm cải cách tư pháp, các đại biểu cho rằng, cần thống nhất quan điểm đổi mới đồng bộ giữa hoàn thiện bộ máy tổ chức nhà nước với cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
 
    Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng  góp ý kiến về mô hình tổ chức Tòa án nhân dân, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; về xây dựng, hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp về Luật sư, giám định, định giá; nguyên tắc độc lập trong xét xử, nguyên tắc tranh tụng…; vấn đề đào tạo cán bộ tư pháp, đặc biệt là về kỹ năng, đạo đức, thái độ,  nguồn tuyển chọn chức danh tư pháp; giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận và nhân dân đối với hoạt động tư pháp; cơ chế quản trị, tài chính, cơ sở vật chất, phương tiện và thu nhập của các cơ quan tư pháp… 
 
    Phát biểu tại, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW đánh giá cao những ý kiến phát biểu sâu sắc, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội nghị và đề nghị, cần đánh giá đúng thực trạng, kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là cần phải bổ sung một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà trong các tài liệu chưa đề cập, như công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án; xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế mà chúng ta chưa thực hiện được trong Nghị quyết 49-NQ/TW… 
 
    Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW cảm ơn phát biểu, tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị và khẳng định, Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của đại biểu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị trong thời gian sắp tới.
                                                                                              Thu Huyền

 

.