Tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới

Thứ Ba, 03/09/2019, 15:29 [GMT+7]
    Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg,ngày 30-8-2019 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, để tiếp tục phát huy vai trò và khả năng của giới luật gia trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
 
    Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18-8-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, Kết luận số 19-KL/TW ngày 23-5-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW và Thông báo Kết luận số 50-TB/TW để nắm vững những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Luật gia củng cố, kiện toàn tổ chức và phát triển hội viên; lựa chọn, bố trí các luật gia có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình và có đủ tiêu chuẩn làm cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác Hội. Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác xây dựng, thẩm định, góp ý kiến về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở và các thiết chế hòa giải khác, tư vấn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp pháp lý theo quy định pháp luật…
 
Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2018 (Cụm Thi đua số 6).
Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2018 (Cụm Thi đua số 6).
    Đặc biệt, Bộ Tư pháp cần tăng cường sự phối hợp, tham gia của Hội Luật gia Việt Nam trong các hoạt động tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì soạn thảo; mời đại diện Hội luật gia tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Hội đồng thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan…; tạo điều kiện để Hội Luật gia Việt Nam tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách…; tăng cường sự phối hợp, tham gia của Hội Luật gia vào góp ý xây dựng các chương trình, dự án đề án về lĩnh vực tư pháp và pháp luật.
 
    Bộ Nội vụ phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, góp ý các đề án về cải cách thủ tục hành chính, chủ động tham gia kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
 
    Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ phải đề xuất và thực hiện các biện pháp để phát huy vị trí, vai trò của các cấp Hội Luật gia trong việc tham gia vào các hoạt động tiếp công dân, tư vấn giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật…
Thu Hà
.