Thái Bình: Kết quả thực hiện thí điểm Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính

Thứ Hai, 18/03/2019, 15:25 [GMT+7]
    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính tại tỉnh Thái Bình.
    
    Dự Hội nghị có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Vũ Đức Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, chuyên viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, đại diện hòa giải viên 5 Trung tâm hòa giải của tỉnh; đại diện thường trực huyện ủy các huyện, Thành  phố.
 
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực phát biểu tại Hội nghị
    Ngày 17-10-2018, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 208/QĐ-TA thành lập 05 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm: 01 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân tỉnh và 04 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân 4 huyện, thành phố (Đông Hưng, Tiền Hải, Thái Thụy, thành phố Thái Bình); lựa chọn, chỉ định 19 Hòa giải viên, Đối thoại viên là những Thẩm phán, Kiểm sát viên đã nghỉ hưu, các Luật sư có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình với công tác hòa giải, đối thoại; phân công các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân các huyện, thành phố làm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án cấp huyện, đồng chí Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh làm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án tỉnh. Mỗi Trung tâm có 01 Thư ký Tòa án hỗ trợ cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên. Các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc các Trung tâm hòa giải, đối thoại tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao; hàng tuần định kỳ làm việc với các Hòa giải viên, Đối thoại viên, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị.
 
   Ngay sau khi dự Hội nghị tập huấn về quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân tối cao, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án tỉnh Thái Bình bắt đầu tiến hành phân công vụ việc cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên nghiên cứu, tiến hành các hoạt động hòa giải, đối thoại với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Thẩm phán. Để các Trung tâm hòa giải, đối thoại hoạt động đạt hiệu quả cao, Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục phối hợp với Đoàn công tác số 3 Tòa án nhân dân tối cao tổ chức 02 Hội nghị trao đổi về quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại, nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các Trung tâm, các Hòa giải viên, Đối thoại viên.
 
    Qua 04 tháng triển khai thực hiện thí điểm, tỷ lệ hòa giải, đối thoại đạt 74,8%. Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành công trong 04 tháng là 324 vụ; đã giúp 5 đơn vị Tòa án huyện, thành phố và Tòa án tỉnh giảm được 324 vụ án không phải mở phiên tòa xét xử. Trong số 324 vụ hòa giải, đối thoại thành công có 107 vụ các đương sự tự thỏa thuận giải quyết, (giảm số vụ chuyển Cơ quan thi hành án dân sự là 107 vụ), 217 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự (217 vụ sẽ được Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự).
 
    Một số Trung tâm có tỷ lệ số vụ hòa giải, đối thoại thành cao như: Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện Đông Hưng (tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 87%), Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy (tỷ lệ hòa giải thành đạt 82%).
 
    Có thể thấy, mặc dù gặp không ít khó khăn và thời gian triển khai gấp nhưng với tinh thần cố gắng, quyết tâm cao, việc triển khai thí điểm đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ và kịp thời. Các Hòa giải viên, Đối thoại viên nhanh chóng tiếp thu quy trình, quy định về hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, tiếp thu kinh nghiệm của các đồng chí Thẩm phán. Chính vì vậy, việc triển khai thí điểm tại Thái Bình đã bước đầu thu được những kết quả tích cực, cơ bản đạt được các mục tiêu của Đề án thí điểm. Thông qua hoạt động thí điểm, đã thu được nhiều kiến thức, kỹ năng về hòa giải, đối thoại, đặc biệt là hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án. Hoạt động thí điểm đã thu hút được số lượng Hòa giải viên, Đối thoại viên có kiến thức, hiểu pháp luật; tâm huyết, trách nhiệm với công việc được giao. Hoạt động hòa giải, đối thoại đã tác động tích cực đến việc ổn định các quan hệ xã hội tại địa phương, giải quyết kịp thời các tranh chấp theo tinh thần “hai bên cùng thắng” và tổ chức thực hiện hòa giải thành, đối thoại thành.
 
    Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện thí điểm tại 5 trung tâm hòa giải tỉnh, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho các trung tâm phối hợp với các cấp, các ngành liên quan trong thẩm định, giải quyết vụ việc, vụ án. Làm tốt công tác tuyên truyền; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. 
                                                        Nguyễn Thị Khánh
                                                    (Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)
.