Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án các vụ án về tham nhũng, kinh tế

Thứ Hai, 02/12/2019, 16:44 [GMT+7]
    Năm 2019, các cơ quan Thi hành án Dân sự đã thi hành xong 579.256 việc, đạt tỉ lệ 78,59% (cao hơn 5,59% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao); thi hành xong gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt tỉ lệ 35,43% (cao hơn 2,43% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao); đã thi hành xong 298/637 việc thi hành án hành chính được giao theo dõi.
 
    Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, chủ trì ban hành 2 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự. 
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị tổng kết công tác thi hành án năm 2019
Các đồng chí chủ trì Hội nghị tổng kết công tác thi hành án năm 2019
    Các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã thực hiện nghiêm túc quy định người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân; tăng cường đối thoại, giải quyết dứt điểm kiến nghị từ cơ sở. Ngoài ra, còn tăng cường sử dụng thống nhất, đồng bộ chữ ký số, văn bản điện tử trong trao đổi văn bản trong hệ thống; triển khai áp dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên kết với trục liên thông văn bản quốc gia tại các cơ quan thi hành án dân sự; toàn hệ thống thi hành án dân sự đã ký kết thỏa thuận với Bưu điện Việt Nam để thực hiện dịch vụ việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính, đồng thời, triển khai phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án.
 
    Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, các vụ việc tín dụng, ngân hàng, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính.
 
    Thực hiện hiệu quả các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại; chú trọng đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức trong toàn hệ thống; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ; chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án, Tài nguyên và Môi trường... trong việc tổ chức thi hành án trên địa bàn.
 
    Cấp ủy, UBND, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp  tăng cường quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại các cơ quan thi hành án dân sự cũng như chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; tạo điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
                                                                                        Thu Hương
.