Hà Giang: Triển khai 468 cuộc thanh tra, kiểm tra

Thứ Sáu, 27/12/2019, 12:42 [GMT+7]
    Năm 2019, ngành Thanh tra tỉnh Hà Giang đã triển khai 468 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 25,6 tỷ đồng và 135.920m2 đất. Các tổ chức thanh tra tỉnh Hà Giang đã triển khai 96 cuộc thanh tra hành chính tại 326 đơn vị, phát hiện 252 đơn vị sai phạm với số tiền hơn 24,1 tỷ đồng và 152.478,4m2 đất. Đồng thời, kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 13,2 tỷ đồng và 135.920m2 đất; kiến nghị khác hơn 10,8 tỷ đồng và 16.558,4m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 4 tổ chức và 20 cá nhân.
 
    Qua thanh tra phát hiện một số vi phạm hành chính như: Chi sai chế độ; chi sai phụ cấp cho người lao động; chi sai mục đích; sử dụng đất không đúng mục đích, sai quy định; mua thuốc ngoài danh mục trúng thầu; trích thiếu kinh phí cải cách tiền lương; nghiệm thu thanh toán sai khối lượng thi công xây dựng sai lệch so với thực tế thi công; dự toán tính thừa khối lượng, áp dụng sai đơn giá nhân công...
 
Thanh tra tỉnh Hà Giang tổ chức tọa đàm về công tác thanh tra, kiểm tra
Thanh tra tỉnh Hà Giang tổ chức tọa đàm về công tác thanh tra, kiểm tra
    Các cơ quan thanh tra ban hành 19 văn bản đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra, qua đôn đốc thu hồi 468 triệu đồng/574,6 triệu đồng.
 
    Đối với 372 cuộc thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm; hành nghề y dược tư nhân; chi trả chế độ, chính sách; lĩnh vực môi trường; đầu tư xây dựng cơ bản… phát hiện 1.396 cá nhân, tổ chức vi phạm với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Kiến nghị thu hồi hơn 154 triệu đồng; tiêu hủy tài sản vi phạm hơn 83 triệu đồng. Nội dung vi phạm qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chủ yếu như: Vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; hàng không rõ nguồn gốc xuất sứ; không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh; vi phạm an toàn giao thông, hành lang đường bộ…
 
    Các cơ quan thanh tra đã triển khai 17 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 18 đơn vị với nội dung thanh tra trách nhiệm về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đề nghị các đơn vị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, như: Việc phân loại xử lý đơn thư còn lúng túng, thiếu chính xác; việc lưu trữ hồ sơ chưa khoa học; còn trường hợp chưa mở sổ, sổ tiếp công dân ghi chép chưa đầy đủ nội dung, các buổi tiếp và chưa niêm yết công khai nội quy tiếp công dân; chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai trong quản lý tài chính, ngân sách theo quy định; chưa lập danh sách xác định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập để người đứng đầu phê duyệt, một số bản kê khai không đúng mẫu quy định; chưa công khai danh mục vị trí công tác phải chuyển đổi, chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa thường xuyên, sâu rộng…
                                                                                                      P.V
.