Ngành Tòa án xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng

Thứ Tư, 06/11/2019, 17:30 [GMT+7]
    Năm 2019, số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo tòa án các cấp tiếp tục tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử.
 
    Theo đó, từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2019, các tòa án đã thụ lý 625.979 vụ việc, đã giải quyết được 500.361 vụ việc (đạt tỷ lệ 80%), đã giải quyết tăng 58.808 vụ so với 2018; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,09%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
 
Một cuộc họp của Tòa án nhân dân tối cao
Một cuộc họp của Tòa án nhân dân tối cao
    Trong đó, xét xử các vụ án hình sự, các tòa án đã giải quyết, xét xử được 77.456 vụ/126.512 bị cáo, đạt tỷ lệ 88,3% về số vụ và 86,4% về số bị cáo (giải quyết tăng 10.434 vụ/15.975 bị cáo so với 2018); việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các Tòa án đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phạm tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”...; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án Trần Phương Bình phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”;... Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
 
    Việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 496.770 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 387.428 vụ việc, đạt tỷ lệ 78% so với 2018. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
 
    Đối với án hành chính, các tòa án đã thụ lý 12.802 vụ; đã giải quyết, xét xử được 7.555 vụ, đạt tỷ lệ 59% (so với năm 2018, thụ lý tăng 2.390 vụ, xét xử tăng 2.348 vụ); khắc phục việc để vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, chú trọng tổ chức đối thoại. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành chỉ thị về giải quyết án hành chính với nhiều giải pháp thiết thực, qua đó tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính tăng 9% so với năm trước;…Việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng được chú trọng.
 
    Các Tòa án đã thụ lý 08 yêu cầu bồi thường, 18 vụ án khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường; đã giải quyết dứt điểm được 02 trường hợp và 13 vụ án tuyên các cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng số tiền hơn 04 tỷ đồng; các trường hợp còn lại đang được tiếp tục giải quyết theo quy định;…
 
    Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án: Đã giải quyết được 9.198 đơn/vụ/18.112 đơn/vụ, (tăng 3.603 đơn); đạt tỷ lệ 51% (tăng 13% so với năm 2018). Trong tổng số 9.198 đơn/vụ đã giải quyết, tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 8.707 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 491 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 5,3%. Chất lượng giải quyết được đảm bảo, không có vụ việc nào quá thời hạn theo quy định của pháp luật.
 
    Việc tranh tụng tại phiên toà được các toà án tiếp tục triển khai sâu rộng theo hướng thực chất; đã phối hợp với viện kiểm sát các cấp tổ chức hơn 9.000 phiên tòa rút kinh nghiệm; chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán thấp hơn so với chỉ tiêu mà Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội đề ra.
 
    Bên cạnh kết quả đạt được, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; còn có trường hợp áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác; xác định chưa đúng, chưa đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng; cơ cấu đội ngũ công chức Tòa án các cấp còn thiếu một số chức danh tư pháp; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các tòa án nhân dân; vẫn còn một số trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm bị xử lý kỷ luật…
 
    Trong thời gian tới, ngành Tòa án đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; khắc phục triệt để việc để các vụán quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của tòa án; không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.
                                                                                                P.V
.