Chia sẻ kinh nghiệm của Pháp về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước

Thứ Năm, 05/09/2019, 17:26 [GMT+7]
    Ngày 04-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Cơ quan Chống tham nhũng Cộng hòa Pháp, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm của Pháp về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài Nhà nước".
 
    Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Cùng tham dự có ông Ju-liêng Lô-manh, Trưởng ban Kiểm tra, Cơ quan Chống tham nhũng Cộng hòa Pháp và ông Ê-chiên Gô-lăng Pi-e-gờ, Tham tán Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.
 
    Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước đã và đang có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước và hiệu quả công tác PCTN nói chung ở Việt Nam.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Việc lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, liêm chính, tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực kinh doanh đang ngày càng trở lên bức thiết đối với chính các doanh nghiệp, trong xã hội nói chung.
 
    Trong bối cảnh đó, việc Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước được coi là một bước tiến mới, quan trọng, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như đáp ứng yêu cầu nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp Quốc về PCTN mà Việt Nam là thành viên.
 
    Để triển khai thi hành luật, ngày 21-01-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Thực hiện Luật PCTN năm 2018 nhằm xác định rõ các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức triển khai thi hành luật, đồng thời yêu cầu phải đảm bảo Luật PCTN sẽ được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước. 
 
    Ngày 01-7-2019, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, trong đó xác định rõ việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
 
    Tuy nhiên, theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước còn là vấn đề mới, nên quá trình triển khai sẽ không tránh khỏi nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, việc tham khảo, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này, đặc biệt là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, để nghiên cứu, vận dụng trong bối cảnh thực tế của Việt Nam có ý nghĩa hết sức thiết thực. 
 
    Cơ quan Chống tham nhũng Cộng hòa Pháp là đối tác hợp tác song phương của TTCP, là cơ quan Trung ương thực hiện chức năng phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng trên phạm vi toàn quốc của Pháp.
 
    Đồng thời, cơ quan này cũng có chức năng trợ giúp tư vấn, từ đó đưa ra các kiến nghị và cung cấp thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân các biện pháp cần thiết để triển khai PCTN và kiểm tra theo dõi việc thực hiện các biện pháp PCTN của doanh nghiệp tư nhân.
 
    Tại Hội thảo, TTCP đã giới thiệu tổng quan quy định về PCTN đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.
 
    Đại diện Cơ quan Chống tham nhũng Cộng hòa Pháp đã giới thiệu về tổ chức, hoạt động; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và kinh nghiệm tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước. Đồng thời chia sẻ các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích của Cộng hòa Pháp và một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm triển khai hiệu quả Luật PCTN.
 
    Nhân dịp này, đại diện các cơ quan liên quan cũng thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực PCTN khu vực ngoài Nhà nước ở Việt Nam.
                                                                                         Phương Anh
.