Khi cán bộ chống tham nhũng lại… tham nhũng

Thứ Ba, 25/06/2019, 14:46 [GMT+7]
    Sau sự việc Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng vòi vĩnh đối tượng bị thanh tra ở huyện Vĩnh Tường, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ba trong năm thành viên đoàn thanh tra.
 
    Ðây là kết quả tất yếu khi cơ quan chức năng tỉnh này nhận nhiều đơn tố cáo cán bộ đoàn thanh tra về hành vi lợi dụng nhiệm vụ, ép các doanh nghiệp, UBND các xã chi tiền để "được xem xét". Ðiều đáng nói và gây bất bình dư luận là Trưởng đoàn thanh tra, người trực tiếp nhận hối lộ là Phó Trưởng phòng phòng, chống tham nhũng của Bộ Xây dựng.
 
Phiên họp 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phiên họp 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
    Tính chất nghiêm trọng của vụ việc đã khiến các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương vào cuộc. Ðặc biệt, ngày 17-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có Công văn gửi ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là phải "chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng".
 
    Vụ việc nêu trên có lẽ chỉ là một điển hình chỉ rõ một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái, biến chất, lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm để trục lợi, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thuế, hải quan, quản lý thị trường… Tuy nhiên, không phải chờ đến sự việc này, dư luận mới vỡ lẽ sự tồn tại của những thỏa thuận, ra giá ngầm giữa người thực thi công vụ và đối tượng vi phạm là người dân hay doanh nghiệp, để phạt cho lưu thông hay cho tồn tại. Những khuất tất kiểu như nêu trên bấy lâu ít tìm ra "địa chỉ" bởi người có quyền và người vi phạm vì lợi ích nhóm, sẵn sàng "đi đêm" để "đôi bên cùng có lợi". Sự bao che của một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái trong hệ thống cơ quan công quyền đã tiếp tay cho sai phạm ngang nhiên tồn tại trước sự bức xúc của người dân. Thất thoát trước hết thuộc về tài sản, ngân sách nhà nước, cao hơn nữa là tổn hại niềm tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên, công chức chân chính đối với hiệu lực của cơ quan công quyền.
 
    Phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng cần đòi hỏi ở mức độ cao, có tính chất gốc rễ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Ðồng thời với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định, quy trình hoạt động công vụ nói chung, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát quyền lực đối với hoạt động công vụ, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực. Ở đó, cần sự vào cuộc nghiêm túc của cả hệ thống chính trị và sự giám sát chặt chẽ của người dân. Bảo đảm công khai, minh bạch, không sơ hở để ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng lộng hành là trách nhiệm không của riêng ai.
                                                                                         Lê Vy
                                                                                  (Báo Nhân Dân)
.