Hòa Bình: Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản

Thứ Tư, 12/06/2019, 15:50 [GMT+7]
   Qua 05 năm thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành 333 văn bản (trong đó cấp ủy ban hành 64 văn bản, chính quyền ban hành 269 văn bản) để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Xác định việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.  
 
    Số lượt người phải kê khai tài sản, thu nhập từ năm 2014 đến năm 2018 là 40.352 người; số lượt người đã thực hiện kê khai là 40.348 người; số lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực hiện kê khai: 1.707 người; số người chậm kê khai: 04 người (do ốm dài hạn và lý do khác). Tổng số bản kê khai đã công khai: 40.345 bản. Trong đó, số bản công khai bằng hình thức niêm yết: 10.229 bản, số bản công khai bằng hình thức công bố trong cuộc họp: 30.116 bản; số bản chưa công khai: 03 bản (do đối tượng nghỉ hưu và lý do khác); số người được xác minh, kết luận không trung thực và xử lý kỷ luật: 01 người (bằng hình thức Cảnh cáo).
 
Một Hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình
Một Hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình
    
    Công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị. Từ năm 2014 đến năm 2019 đã thành lập 06 đoàn kiểm tra (trong đó có 01 đoàn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và thực hiện kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tại 37 đơn vị; qua kiểm tra đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng chấp hành và thực hiện tốt hơn các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.  
 
    Công tác thanh tra về thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập được Thanh tra tỉnh lồng ghép với thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành trong việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội và phòng, chống tham nhũng. Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị chưa có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào bị xử lý về vi phạm các quy định về kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. 
 
    Việc quản lý, khai thác bản kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo đúng theo quy định. 
 
    Tuy nhiên, nhận thức về việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của một số đối tượng thuộc diện phải kê khai, công khai còn hạn chế. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự xác định kê khai, công khai tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai còn hình thức; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của các đối tượng phải kê khai còn chưa đầy đủ, rõ ràng. Công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập tại một số đơn vị chưa thường xuyên; việc xác minh tài sản, thu nhập phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm chưa chặt chẽ nên chưa có cơ sở khẳng định tính chính xác về tài sản và tính trung thực của người có nghĩa vụ phải kê khai. Chưa có những phát hiện và tố cáo kịp thời đối với người thuộc diện phải kê khai tài sản không trung thực. 
 
                                                                                       Võ Mai
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hòa Bình)
.