Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Nghệ An

Chủ Nhật, 16/12/2018, 20:38 [GMT+7]

Sáng 15-12-2018, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về công tác PCTN.

Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện một số vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các cơ quan nội chính và một số đơn vị chức năng của tỉnh.

Theo báo cáo 9 tháng năm 2018 về công tác PCTN của tỉnh Nghệ An cho thấy, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN; chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Để phòng ngừa tham nhũng, tỉnh đã thực hiện cơ chế "Một cửa" tại 21/21 sở, ban, ngành, 21/21 huyện, thành thị và 480/480 xã, phường, thị trấn; triển khai cơ chế "Một cửa liên thông" hiện đại cấp huyện tại 14/21 huyện, thành thị; thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính, công khai các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận thanh tra trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tại các cuộc họp với đối tượng thanh tra, người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Có 69/69 địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập và đã tiến hành kê khai đầy đủ (đạt 100%); 50/50 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ban hành Quy chế văn hóa công sở; 49/50 cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác với 732 lượt công chức, viên chức chuyển đổi vị trí công tác.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện 11 cuộc kiểm tra và 04 cuộc giám sát tại 18 đơn vị, đồng thời phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các nội dung theo chương trình; cấp ủy các cấp tiến hành kiểm tra 1.557 lượt tổ chức đảng và 3.670 lượt đảng viên, có 619 đảng viên là cấp ủy viên các cấp; tiến hành giám sát chuyên đề 865 lượt tổ chức đảng và 1.854 lượt đảng viên; qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chưa phát hiện hành vi tham nhũng.

Thanh tra các cấp đã triển khai 219 cuộc thanh tra hành chính tại 520 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 325 đơn vị có vi phạm với số tiền vi phạm và kiến nghị xử lý hơn 69 tỷ đồng (kiến nghị thu hồi gần 35 tỷ; kiến nghị giảm giá trị quyết toán, giảm cấp phát vốn và kiến nghị khác hơn 34 tỷ đồng); phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 1.028,2 m2 đất; đã thu hồi về ngân sách hơn 19 tỷ đồng, 1.012,7 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 05 tổ chức và 31 cá nhân có sai phạm.

Thực hiện 43 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN tại 71 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 35 đơn vị có vi phạm; kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 97 tổ chức và 408 cá nhân có vi phạm.

Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp đã thụ lý 383 vụ việc (246 vụ việc khiếu nại; 137 vụ việc tố cáo); đã giải quyết 336/383 vụ việc. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng và 650m2 đất, trả lại cho công dân 139 triệu đồng; đề nghị các cấp có thẩm quyền kỷ luật hành chính 16 cá nhân có sai phạm (đã xử lý 09 cá nhân) và bảo vệ quyền lợi cho 58 người.

Qua công tác thanh tra chuyển cơ quan điều tra 01 vụ việc, kiến nghị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 01 tập thể, 03 cá nhân, cách chức Đảng ủy viên Đảng bộ xã đối với 03 cá nhân; khiển trách về Đảng đối với 02 cá nhân; cách chức vụ chủ tịch UBND xã đối với 01 cá nhân.

Tổng số vụ án/bị can thụ lý khởi tố, điều tra về tội danh tham nhũng, kinh tế là 09 vụ/33 bị can, kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 03 vụ/ 19 bị can.

Tòa án đã thụ lý giải quyết 06 vụ/23 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 04 vụ/18 bị cáo, xét xử phúc thẩm 01 vụ/02 bị cáo; còn lại chưa xét xử 01 vụ/03 bị cáo

Kết quả thu hồi tiền, tài sản trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng: Khởi tố, điều tra 04 vụ/14 bị can, đã thu hồi số tiền 48 triệu đồng.

Kết quả thu hồi tiền, tài sản trong giai đoạn thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế: Tổng số 56 việc/hơn 19 tỷ đồng, đã ủy thác 01 việc/400.000 đồng; tổng phải thi hành 55 việc/hơn 19 tỷ đồng.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh trong công tác phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong công tác PCTN nói riêng, đặc biệt là việc xác định được những tính chất công việc có nguy cơ tham nhũng cao để phòng ngừa.

Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về PCTN, các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, thực hiện tốt một số nội dung sau: (1) Khắc phục  tình trạng trên làm tích cực, ở dưới còn chậm chạp; khắc phục tình trạng tham nhũng vặt, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền; tăng cường trách nhiệm của thanh tra, kiểm tra trong việc phát hiện sai phạm, tiêu cực; trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra sai phạm. Rà soát các kế hoạch, hướng dẫn để bổ sung, hoàn thiện quy định cho phù hợp với yêu cầu mới đặt ra; (2) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị, địa phương dễ xảy ra tham nhũng. Từ nhận thức tới hành động đòi hỏi quyết tâm lớn, đề cao tự kiểm tra trong nội bộ, đồng thời phát huy vai trò của các cấp ủy, các cơ quan kiểm tra, giám sát, nhất là ngành tư pháp; công tác phát hiện và xử lý tham nhũng cần thực hiện tốt hơn, quan tâm giải quyết các vụ việc vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thấu tình, đạt lý trong quá trình xử lý; (3) Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trên từng lĩnh vực; những quy định nào còn kẽ hở thì hoàn chỉnh; công tác cán bộ ở những nơi “nhạy cảm” thì cần được thực hiện luân chuyển thường xuyên, tăng cường các giải pháp phòng ngừa; (4) Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các cơ quan báo chí, phát hiện từ nhân dân; phải thực sự cầu thị, lắng nghe, tôn trọng khi tiếp nhận các thông tin của nhân dân; những thông tin nào đúng phải nghiêm túc xử lý sai phạm; nếu thông tin sai cũng nghiêm khắc xử lý người tố giác sai.

Đặng Phước

.