Sơn La: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với công tác thanh tra kinh tế - xã hội nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tiêu cực, tham nhũng

Thứ Ba, 04/09/2018, 14:11 [GMT+7]
    Trong những năm qua, công tác thanh tra kinh tế - xã hội đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. 
 
    Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, xử lý nhiều vụ việc, thu hồi kịp thời tài sản, tiền sai phạm cho nhà nước; xử lý nghiêm đối với tổ chức đảng, tập thể, cá nhân có sai phạm; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập trong việc xây dựng, ban hành thể chế và việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đã góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tiêu cực, tham nhũng; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch thanh tra hằng năm theo đúng quy định của Luật thanh tra, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm phục vụ việc thực thi nhiệm vụ và quản lý kinh tế, xã hội, quản lý ngành; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng vào các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, ngân sách, thực hiện các chính sách xã hội, trách nhiệm thực thi công vụ hoặc những vấn đề bức xúc, xã hội đặc biệt quan tâm và những lĩnh vực, địa bàn có nhiều đơn thư, phản ánh, kiến nghị của nhân dân.... 
 
Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
    Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 900 cuộc thanh tra, kiểm tra (832 cuộc theo kế hoạch, 58 cuộc đột xuất); kết thúc 886 cuộc, 14 cuộc đang triển khai thực hiện, đã kết luận 879 cuộc. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế 67.757 triệu đồng, sai phạm về đất đai 509,36 ha (trong đó có 506,34 ha đất thuộc Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu cây Sơn Tra tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La của Công ty cổ phần Minh Trang); kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước 39.720 triệu đồng (đã thu hồi đạt 87,2%), thu hồi về đất 507,81 ha; kiến nghị xử lý khác gồm: Giảm trừ trong thanh toán, thi công tiếp theo thiết kế, thu trả lại cho tập thể, cá nhân, hoàn thiện thủ tục… 28.036 triệu đồng (đã xử lý đạt 84,5%); xử phạt vi phạm hành chính đối với 220 tổ chức và 422 cá nhân với số tiền 4.241,25 triệu đồng; đã xử lý 312 tập thể (xử lý về đảng 01 tập thể với hình thức khiển trách; xử lý về chính quyền 311 tập thể kiểm điểm rút kinh nghiệm); đã kiểm điểm xem xét trách nhiệm 807 cá nhân (về đảng: 06 đảng viên, gồm: Khiển trách 04, cảnh cáo 02; xử lý về chính quyền: 801 cá nhân, gồm Khiển trách 15, kiểm điểm rút kinh nghiệm 597 cá nhân).
 
    Trong đó đã Thanh tra, kiểm tra 157 cuộc về trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đã phát hiện sai phạm về định mức, đơn giá, thiếu khối lượng, kiến nghị thu hồi số tiền 697,724 triệu đồng; đã thu hồi nộp ngân sách đạt 100%, xử lý hành chính 18 tập thể, 41 cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh tồn tại, khuyết điểm trong tổ chức phổ , tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện trình tự, thủ tục trong tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư; kê khai tài sản, thu nhập; việc quản lý, sử dụng kinh phí, việc thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.  
 
    Đối với các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội có nội dung phức tạp, có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo để cho chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo (đã cho chủ trương đối với 02 cuộc thanh tra: Cuộc thanh tra về việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; cuộc thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04-4-2016 của Thủ Tướng Chính phủ).
 
    Qua thực hiện các kết luận thanh tra, các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 23-KH/TU ngày 25-7-2016 về kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiếm nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2016 và các năm tiếp theo; kịp thời bổ sung nhiệm vụ kiểm tra, giám sát vào chương trình công tác hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chỉ đạo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, bổ sung chương trình công tác tự kiểm tra, rà soát và chỉ đạo Thanh tra tỉnh, thanh tra các huyện, thành phố và các sở, ngành tiến hành tự rà soát, báo cáo kết quả và gửi các báo cáo thanh tra, kết luận thanh tra và các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau khi kết thúc các cuộc thanh tra, kiểm toán, thời hạn gửi chậm nhất 30 ngày sau khi ban hành báo cáo, kết luận.
 
    Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; tiến hành rà soát các Kết luận thanh tra và các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và việc thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với 08 cấp ủy, tổ chức đảng, qua giám sát đã đánh giá được những kết quả ngành thanh tra đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn hạn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tiếp theo. Các cấp ủy, tổ chức đảng được giám sát đều tổ chức Hội nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm và ban hành kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, tồn tại được phát hiện qua giám sát.
 
    Trên cơ sở kết quả rà soát cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2016 và giám sát năm 2017, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, nhất là thanh tra kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 31-8-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra, kiểm tra.
 
    Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo và thực hiện Kết luận thanh tra, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước, quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với Doanh nghiệp theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, các cơ quan Thanh tra thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Giao Thanh tra tỉnh rà soát, kiên quyết loại bỏ chồng chéo trong hoạt động thanh tra, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.
 
    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thanh tra của tỉnh có những tồn tại, vướng mắc, hạn chế cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ, đó là:
 
    Chưa thường xuyên, kiên quyết trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện một số kiến nghị trong kết luận thanh tra, nhất là việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm; chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu với các sai phạm, vi phạm của cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý; chưa thu hồi được triệt để các sai phạm về kinh tế.
 
    Một số Báo cáo kết quả thanh tra, Kết luận thanh tra mới tập trung vào việc xử lý các sai phạm về kinh tế, chưa quan tâm, đề cập rõ việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan; một số kết luận thanh tra còn chung chung chưa rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
 
    Chất lượng một số cuộc thanh tra của cơ quan thanh tra sở, huyện, ngành còn hạn chế; kết quả thanh tra chưa đánh giá chính xác tình hình, mức độ, phạm vi, nguyên nhân sai phạm, vi phạm; xác định trách nhiệm liên quan đến sai phạm còn chung chung dẫn đến việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm phát hiện qua thanh tra chưa tương xứng với khuyết điểm, vi phạm (chủ yếu là kiểm điểm, rút kinh nghiệm).
 
    Từ những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Sơn La rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: 
 
    Một là, công tác thanh tra kinh tế - xã hội cần bám sát yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng chương trình kế hoạch công tác thanh tra hàng năm bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch các cuộc thanh tra trên các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong quản lý kinh tế như quản lý tài chính, ngân sách, đất đai, xây dựng cơ bản… Trong kế hoạch công tác thanh tra hàng năm cần sắp xếp, bố trí thời gian và con người hợp lý để có thể triển khai thực hiện thanh tra nhanh chóng, kịp thời đối với các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
 
    Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra thực hiện đúng nội dung thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng thời hạn quy định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được thanh tra, các sai phạm phát hiện qua thanh tra phải được xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật. Kết luận thanh tra ban hành phải chính xác, khách quan, có tình, có lý, các kiến nghị xử lý các sai phạm về kinh tế, hành chính phải có tính khả thi cao sau thanh tra. Các sai phạm về kinh tế có dấu hiệu phạm tội cương quyết chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
 
    Ba là, trong các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chuyên môn, trưng tập các cán bộ, công chức có nghiệp vụ, am hiểu về từng lĩnh vực thanh tra để tư vấn, hỗ trợ cho Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực trong công tác thanh tra, từ đó đã mang lại hiệu quả cao trong công tác thanh tra kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
    Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên rà soát các kết luận thanh tra, đôn đốc Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện kết luận thanh ra, quyết định xử lý về thanh tra. Thực tế trong thời gian qua, lãnh đạo ngành Thanh tra rất tích cực rà soát, theo dõi, đôn đốc, yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ các trách nhiệm và nghĩa vụ theo kết luận thanh tra, các quyết định xử lý về thanh tra. Các sai phạm về kinh tế - hành chính đã được các đối tượng thanh tra khắc phục thực hiện đầy đủ, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản nộp ngân sách nhà nước hàng năm luôn đạt tỷ lệ trên 85%. Đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến các thiếu sót, sai phạm phải được tổ chức kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc theo đúng quy định pháp luật.  
                                                                                        Văn Bắc
.