Ngành Tòa án nâng cao hoạt động xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm

Thứ Tư, 29/08/2018, 15:14 [GMT+7]
    Trong những năm vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và hoạt động xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (các vụ án tham nhũng) ngày càng đạt được nhiều những thành tựu đáng kể, đi vào chiều sâu và thực chất; thu hút được sự quan tâm của truyền thông trong nước và quốc tế; được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động, đội ngũ trí thức và toàn thể xã hội.
 
    Số lượng các vụ việc, vụ án được phát hiện và được đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương khác nhau đang tiếp tục được bổ sung. Các đối tượng bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm cán bộ các cấp từ địa phương cơ sở đến cấp cao nhất ở Trung ương, do Bộ Chính trị quản lý; cả những người đương chức, chuyển ngành và cả người đã nghỉ hưu. Hiệu quả của công tác này, như Tổng Bí thư đã nói, đã khẳng định rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
 
    Trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân đóng vai trò trung tâm, đặc biệt quan trọng. Hoạt động xét xử tại Tòa án là quá trình công khai, minh bạch toàn bộ kết quả của quá trình điều tra, truy tố; cung cấp diễn đàn chính thức để những người bị buộc tội, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và các bên liên quan tranh tụng, làm rõ các vấn đề trong xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường và các biện pháp tư pháp cần áp dụng. Bản án có hiệu lực của Tòa án là căn cứ để thi hành hình phạt đối với người phạm tội, để thu hồi tài sản tham nhũng cũng như khắc phục những thiệt hại do tội phạm gây ra.
 
    Trong những năm qua, các vụ án tham nhũng được các Tòa án thụ lý và đưa ra xét xử (theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và một số vụ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm) có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Trong đó có nhiều vụ “đại án”, thiệt hại do tội phạm gây ra là hàng trăm nghìn tỷ đồng. Các vụ án điển hình có thể kể đến bao gồm: Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); Dương Thanh Cường và đồng phạm; Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); Dương Chí Dũng và đồng phạm; Giang Kim Đạt và đồng phạm; Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; Hà Văn Thắm và đồng phạm... Các vụ án này, về cơ bản đã được đưa ra xét xử, kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình ủng hộ. Các phán quyết của Tòa án về tội danh, hình phạt và các biện pháp tư pháp hầu hết được đánh giá là đúng người, đúng tội, thấu tình đạt lý; không phát hiện trường họp nào bị oan. Kết quả xét xử này góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản; tạo niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
                                                           Nguyễn Văn Sơn
                                                      (Tòa án nhân dân tối cao)
.