Hải Dương: Chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi cộm phát sinh, dư luận xã hội quan tâm liên quan đến tiêu cực, tham nhũng

Thứ Ba, 14/08/2018, 15:30 [GMT+7]
    Trong những năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. 
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 31-10-2016 về “Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng đối với các cơ quan nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng” nhằm lãnh đạo toàn diện, trực tiếp đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật; làm chuyển biến nhận thức, làm trong sạch bộ máy và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN); nâng cao năng lực hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy về công tác PCTN của các cơ quan nội chính; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, nhất là hành vi tham nhũng. Đề án cũng yêu cầu đến hết nhiệm kỳ tất cả các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phải được kiểm tra, giám sát về công tác PCTN. Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức điều tra xã hội học về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông tỉnh. Kết quả cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của lực lượng cảnh sát giao thông trong thực thi nhiệm vụ vẫn còn ở mức độ cao, trong số những lần vi phạm có 21% nhắc nhở giải thích, phạt tiền có biên lai 9% còn lại 70% nộp phạt không có biên lai. Qua đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh cuối năm 2017 đối với “việc quản lý, giám sát lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra tràn lan phương tiện tham gia giao thông; cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông có biểu hiện thái độ hách dịch, tiêu cực, nhũng nhiễu khi tiếp xúc với nhân dân gây bức xúc trong dư luận”. Sau khi tổ chức kiểm điểm, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ được dư luận xã hội ghi nhận. 
 
Các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 13
Các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 13
    Thường xuyên đánh giá cán bộ, kịp thời xem xét điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ, cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận. Xây dựng một kênh thông tin riêng, để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp trực tiếp đến Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh; thành lập tổ giúp việc để đôn đốc những việc mà người dân và doanh nghiệp phản ánh.  
 
    Triển khai kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, qua kiểm tra đã kiểm điểm trách nhiệm và chấn chỉnh người đứng đầu một số sở, ngành và một số huyện trong tỉnh về việc triển khai và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc giải quyết một số thủ tục hành chính còn kéo dài, quá thời hạn quy định.
 
    Chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn tăng cường công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là công khai trên bảng, mạng điện tử bộ phận một cửa các thủ tục hành chính, rút ngắn, loại bỏ nhiều thủ tục hành chính trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp trên địạ bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành quyết số 15/2017/QĐ-UBND ngày 20-6-2017 về luân chuyển và định kỳ luân chuyển đối với vị trí công chức lãnh đạo quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh. 
 
    Chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Trung ương, bảo đảm tính toàn diện và thống nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành. Các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; gắn với việc “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và phổ biến rộng rãi đến quần chúng nhân dân. 
 
    Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để phát hiện, xử lý nghiêm minh. Từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh đã điều tra, đề nghị truy tố và xét xử  23 vụ, 46 bị can. Tài sản thiệt hại hơn 19 tỷ đồng và 04 lô đất; tài sản đã thu hồi hơn 10 tỷ đồng và 04 lô đất. Các vụ án tham nhũng được chỉ đạo tập trung và có hiệu quả hơn so với trước, qua đó đã góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân trong tỉnh.
                                                                               Giang Nam
.