Hòa Bình: Một số kết quả công tác phòng, chống tham nhũng nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng

Thứ Tư, 30/05/2018, 16:22 [GMT+7]
    Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, quán triệt các văn bản về phòng, chống tham nhũng; ban hành 04 văn bản thuộc thẩm quyền; các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên toàn tỉnh rà soát, bổ sung, kiện toàn, ban hành 382 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.
 
    Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được chú trọng. Sau hơn 2 năm kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được 879 lớp với 55.193 lượt người tham dự; số lượng tài liệu về pháp luật phòng, chống tham nhũng được xuất bản 48 loại; có trên 40 chuyên mục với gần 100 tin, bài, phóng sự về chủ đề phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được phát trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh; Báo Hòa Bình đăng tải trên 50 tin, bài, ảnh liên quan đến công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện, kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên toàn tỉnh.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 02 đoàn kiểm tra chuyên đề công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng; các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiến hành 72 cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện cơ bản 15/15 kiến nghị của Đoàn công tác số 01, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2015 tại tỉnh Hòa Bình và đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra khỏi diện theo dõi 10/15 vụ việc, vụ án.
 
    Thực hiện nghiêm việc kê khai và công khai tài sản thu nhập theo Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, tổng số người kê khai tài sản, thu nhập năm 2016: 8.591 người, năm 2017: 8.540 người, trong đó diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý năm 2016: 348 người, năm 2017: 347 người, không có trường hợp chậm kê khai hoặc phải xác minh theo quy định. 
 
    Đã xử lý kỷ luật 05 trường hợp người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách theo Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ.
 
    Cấp ủy các cấp đã kiểm tra đối với 945 tổ chức đảng, 960 đảng viên, giám sát chuyên đề đối với 956 tổ chức đảng, 917 đảng viên. Thi hành kỷ luật 02 tổ chức đảng, 52 đảng viên trong đó khiển trách 35 đảng viên, cảnh cáo 09 đảng viên, cách chức 7 đảng viên và khai trừ 01 đảng viên.
 
    Ngành thanh tra tiến hành 268 cuộc thanh tra hành chính; phát hiện các sai phạm về kế toán, tài chính, chế độ thuế, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản... với giá trị sai phạm về tiền trêm 40 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 10 tỷ đồng, đề nghị giảm trừ khi thanh toán trên 20 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý hành chính đối với 47 tập thể và 220 cá nhân. 
 
    Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, các cơ quan chức năng đã thụ lý 05 vụ án/08 bị can, đã xét xử 05 vụ án/08 bị cáo, tổng số tiền do tham nhũng gây ra là 5.962.320.041 đồng; đã thu hồi 5.414.432.000 đồng.
 
    Có thể nói, sau hơn 2 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, xã hội, nhiều vụ án tham nhũng bị đưa ra xét xử, trong đó có cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân.
 
    Tuy nhiên, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn có tư tưởng chấp nhận, chịu đựng tham nhũng trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền, nạn “tham nhũng vặt” vẫn còn nhức nhối. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra để phòng chống tham nhũng còn yếu nên hầu như rất ít phát hiện được tham nhũng; Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, có trường hợp đã phát hiện được nhưng lại xử lý nhẹ hoặc xử lý nội bộ. Đế giải quyết triệt để những vấn đề trên thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của cả cộng đồng.
Vũ Chính Vĩnh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hòa Bình)
;
.