Hà Nội: Tăng cường cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin để phòng ngừa tham nhũng

Thứ Sáu, 25/05/2018, 16:48 [GMT+7]
    Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, 2 năm vừa qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
    Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa như: Công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ. Việc kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, nhất là những vướng mắc tồn đọng từ nhiều năm được tập trung chỉ đạo giải quyết.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra tại bộ phận một cửa Cục Thuế Hà Nội
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra tại bộ phận một cửa Cục Thuế Hà Nội
    Công tác cải cách hành chính được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện trên cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính. 
 
    Thành ủy, UBND Thành phố ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Thành ủy ban hành Chỉ thị 09-CT/TU ngày 1-9-2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15-9-2016 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Chỉ đạo các đơn vị rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; thực hiện liên thông cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thành ủy đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức”; thành lập 05 đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. 
 
    Thành phố tập trung chỉ đạo tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ban hành, công bố thủ tục hành chính đặc thù, thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội; triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính đến tận nhà; tổ chức làm việc vào buổi sáng thứ Bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực; kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2018... 
 
    Trong hơn 2 năm qua, một số đơn vị đã kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, giảm tối đa thủ tục hành chính, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hà Nội đã nỗ lực cải cách và nằm trong nhóm địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cao, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành. Quý I-2018, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, dự kiến báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị trong tháng 10-2018.
 
    UBND Thành phố tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 21-4-2016 thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin thành phố Hà Nội; Kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội hàng năm; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; tăng cường ứng dụng chữ ký điện tử trong giao dịch hành chính; mở rộng hình thức họp giao ban trực tuyến; sử dụng văn bản điện tử, triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ; ban hành Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND về Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh xây dựng phần mềm dùng chung với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên các lĩnh vực: quản lý dân cư, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, quản lý học sinh, quản lý hệ thống văn bản và hồ sơ công việc… Việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt những kết quả tích cực: Năm 2016, Thành phố triển khai 132 dịch vụ công thuộc 37 nhóm dịch vụ gồm 102 thủ tục hành chính cấp Sở, 11 thủ tục hành chính cấp huyện, 19 thủ tục hành chính cấp xã; năm 2017, Thành phố đã triển khai 391 dịch vụ công, đang triển khai thêm 165 dịch vụ công, trong đó có 556/1859 thủ tục hành chính áp dụng trực tuyến mức độ 3 và 4. 
 
    Năm 2018, Thành phố tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Sau một thời gian triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh qua phần mềm Iparking tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, từ ngày 01-01-2018, Thành phố tiếp tục mở rộng dịch vụ đỗ xe thông minh tại 9 quận, góp phần nâng cao sự phục vụ của chính quyền Thành phố đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ, hiện đại. Thành phố cũng đã kết nối mạng diện rộng đến 584/584 xã, phường, thị trấn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, công dân và doanh nghiệp thực hiện giám sát, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. 
Cù Tất Dũng
;
.