Bình Thuận: Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Thứ Hai, 05/03/2018, 15:05 [GMT+7]
    Năm 2017, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan khối nội chính tỉnh Bình Thuận đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả trên nhiều mặt, nổi bật là:
 
    Quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3; Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị (khóa X); sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị; tiến hành kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh; triển khai giám sát kết quả lãnh đạo công tác cải cách thủ tục hành chính tại một số sở, ngành, địa phương; tổ chức hội nghị tập huấn về kê khai tài sản, thu nhập cho cán bộ chủ chốt các cấp trong tỉnh và quán triệt Quy định số 694-QĐ/TU ngày 18-7-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
 
Hội nghị triển khai công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018
Hội nghị triển khai công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018
    Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai khá đồng bộ; công tác cải cách hành chính được tăng cường, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; việc công khai, minh bạch trong các hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị được chú trọng. 
 
    Công tác kiểm tra của cấp ủy, thanh tra của chính quyền, giám sát của Hội đồng nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm, tăng cường đúng mức độ.
 
    Trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu từng đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng được nâng lên; việc thực hiện định kỳ ban thường vụ, thường trực cấp ủy nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng được duy trì. 
 
    Công tác phát hiện tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Số vụ tham nhũng mới phát hiện tăng 03 vụ so với năm 2016; số vụ liên quan đến kinh tế, chức vụ mới phát hiện tăng 11 vụ. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vụ án dư luận quan tâm được tập trung chỉ đạo giải quyết và xử lý nghiêm. Trong số 21 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà các cấp, các ngành thụ lý, giải quyết năm 2017 (trong đó có 07 vụ tham nhũng, 14 vụ liên quan đến kinh tế, chức vụ); đến nay đã xử lý xong 07 vụ (đạt 33,3%); đang tiếp tục xử lý 14 vụ; thu hồi tài sản đạt 36,4%.
 
    Hoạt động của các cơ quan khối nội chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục phát huy hiệu quả và từng bước đi vào chiều sâu. Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan khối nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Ban Nội chính Tỉnh ủy làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
 
    Vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận, các đoàn thể, báo chí và nhân dân đã góp phần giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ngày càng có hiệu quả hơn.
 
    Năm 2018, Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, lãnh đạo các cơ quan nội chính các cấp tập trung thực hiện tốt 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:
 
    Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). 
 
    Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”). Làm tốt công tác kê khai, công khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập; tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao...; kiên quyết và kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra tham nhũng, nhưng không chủ động phát hiện, xử lý.
 
    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý ngân sách, quản lý các quỹ, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý các dự án, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, công tác thi hành án, thu phí, lệ phí.... Chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kinh tế - xã hội, vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra, không để xảy ra tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm, nhưng chỉ xử lý hành chính.
 
    Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng trên địa bàn; kịp thời thu hồi tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra. Người đứng đầu các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 
    Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra nội bộ để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung giải quyết có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực; giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo theo quy định...
Ngô Minh Hòa
(Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận)
;
.