Tổng cục Thuế chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Thứ Ba, 05/12/2017, 15:42 [GMT+7]
    Tổng cục Thuế luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ chính trị của ngành và triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao và bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
 
    Ngày 10-01-2017, Tổng cục Thuế có Công văn số 87/TCT-KTNB yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống tham nhũng. Theo đó, thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế phối hợp với cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc Đảng ủy Tổng cục Thuế và Đảng ủy Cục Thuế, Chi cục Thuế có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị.
 
Một Hội nghị trực tuyến của Tổng cục Thuế
Một Hội nghị trực tuyến của Tổng cục Thuế
    Tiếp tục thực hiện các quy định Tiêu chuẩn văn hoá công sở và đạo đức công chức, viên chức ngành Thuế (quy định những Tiêu chuẩn cần “xây” và những điều cần “chống” đối với công chức, viên chức ngành Thuế, quy định 10 điều kỷ luật đối với công chức, viên chức ngành Thuế...); tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; các văn bản Luật và các văn bản hướng dẫn. 
 
    Hoàn thiện thể chế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, rút ngắn quy trình xử lý, chuẩn hóa, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ theo hướng xử lý hồ sơ điện tử, công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của Tổng cục Thuế trên hệ thống mạng internet, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hết Qúy I-2017, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai cho 63 Cục Thuế và 100% các Chi cục Thuế trực thuộc. Cả nước đã có trên 570.895 doanh nghiệp kê khai qua mạng, đạt 99,91% trên tổng số trên 571.437 doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, thực hiện tiếp nhận và xử lý hơn 37,4 triệu hồ sơ kê khai thuế điện tử.
 
    Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ để người nộp thuế hiểu và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế. Thực hiện tốt công tác thông tin báo chí, phối hợp thường xuyên, hiệu quả với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương. Thực hiện triệt để quy định của Tổng cục Thuế về phân cấp trách nhiệm cho các đơn vị (Cục Thuế, Chi cục Thuế) trong việc hướng dẫn, trả lời các vướng mắc về chính sách thuế và quản lý thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế cấp dưới trên địa bàn quản lý. Củng cố, kiện toàn bộ phận một cửa, đường dây nóng, bố trí công chức có tinh thần trách nhiệm, có trình độ chuyên môn làm việc trong bộ phận tiếp nhận và giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế.
 
    Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ hành chính đối với người nộp thuế; chú trọng việc bố trí công chức, viên chức có năng lực phù hợp với nhiệm vụ được giao; tăng cường kiểm tra, đánh giá công chức trong thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các sai phạm; kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống những công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, thiếu ý thức trách nhiệm, vi phạm 10 điều kỷ luật của ngành theo quy định.
 
    Tổng cục Thuế yêu cầu, Cục Thuế các tỉnh, thành phố định kỳ 06 tháng (trước ngày 10-6) và hàng năm (trước ngày 10-12) có trách nhiệm báo cáo tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp báo cáo Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính theo quy định.
 
    Bên cạnh đó, công tác triển khai Kế hoạch tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế cũng được tiến hành công khai minh bạch như: Thông báo tuyển dụng công chức trên Wesite của Tổng cục Thuế; ban hành công văn hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện thông báo công khai chủ trương thi tuyển, xét tuyển công chức, tuyển dụng đặc biệt của Tổng cục Thuế năm 2016; công văn thông báo bổ sung chuyên ngành tuyển dụng.
 
    Tính đến nay, toàn ngành Thuế đã chuyển đổi 2.755 vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
 
    Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp trong Nghị quyết của Đảng và những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tập trung tăng cường công tác chỉ đạo để triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, cụ thể là: Việc thu, nộp tiền thuế; chi tiêu mua sắm tài sản công; việc giải quyết các thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế; công tác hoàn thuế; công tác xây dựng cơ bản; thanh tra, kiểm tra thuế; việc quản lý sử dụng kinh phí ngành; việc thu, nộp lệ phí trước bạ… sẽ được xác định là công việc, hoạt động quan trọng, thường xuyên, liên tục trong kế hoạch hàng năm.
                                                                           Hồng Hải
                                                                         (Bộ Tài chính)
;
.