Một số kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng của các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ

Thứ Tư, 01/11/2017, 16:53 [GMT+7]
    Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý một cách tích cực, hiệu quả. 
 
    Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Nghị quyết yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; rà soát lại toàn bộ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch tất cả các khâu trong quy trình bổ nhiệm để chọn được người tài. Nghị quyết cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai thực hiện công vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ của đơn vị mình được phân công phụ trách; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương. 
 
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức của Chính phủ
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức của Chính phủ
    Việc kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch cũng được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.
 
    Các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng và hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm, tạo cơ sở cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng và quản lý công chức; đồng thời, rà soát, phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức và số lượng người làm việc trong từng đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền được phân cấp. Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế về quản lý viên chức.
 
    Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn trong quản lý sử dụng vốn ngân sách, quản lý mua sắm tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức... Cả nước đã ban hành mới 1.495 văn bản; sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ 532 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Qua 2.104 cuộc kiểm tra, giám sát về việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã phát hiện 44 vụ vi phạm, xử lý kỷ luật 40 người vi phạm quy định.
 
    Việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, tăng cường cơ sở chính trị, pháp lý cho việc kê khai, công khai, xác minh tài sản, thu nhập. Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 85-QĐ/BCT ngày 23-5-2017 quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân đã tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, góp sức cùng các cơ quan của Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Việc thực hiện chế độ báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập đã được các bộ, ngành, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, Qua dư luận, báo chí đã phản ánh về tài sản của một số cán bộ cấp cao ở bộ, ngành, chính quyền địa phương. Từ đó, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác minh theo quy định. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là 1.113.422 người, đạt tỷ lệ 99,8%. Đã công khai 1.111.818 bản, đạt tỷ lệ 99,8%. Có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 03 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp.
 
    Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 20-12-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong đó yêu cầu thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên dưới mọi hình thức; tiếp tục quán triệt và chấp hành nghiêm Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng. Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý; đồng thời thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các xe ô tô đã tiếp nhận trước đây theo đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước và sử dụng đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
 
    Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, nhất là khi tiếp xúc, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 2.155 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện và xử lý 184 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử khi tiếp xúc giải quyết công việc của người dân, một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận; còn có tình trạng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tham gia kinh doanh; để người thân trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực do mình trực tiếp quản lý; tình trạng bổ nhiệm, đề bạt người thân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Một số vụ việc sau khi được dư luận phản ánh đã được cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm và khắc phục. 
 
    Đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 3.887 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên việc thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật còn chưa thường xuyên, hình thức, thiếu kiểm tra, thanh tra việc thực hiện. 
 
    Năm 2017, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.
                                                                                     Giang Nam
;
.