Công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Kon Tum

Thứ Ba, 17/10/2017, 22:12 [GMT+7]

Ngày 16-10-2017, Đoàn công tác số 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Kon Tum. Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí thành viên Tổ giúp việc Đoàn công tác số 7.

Làm việc với Đoàn công tác số 7 có đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các cơ quan trong khối nội chính và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Đoàn công tác số 7, trong giai đoạn 2011-2017, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng; tổ chức triển khai 45 cuộc kiểm tra, giám sát, khiển trách đối với 02 tập thể, kỷ luật 20 cá nhân, đình chỉ sinh hoạt đảng với 01 cá nhân; chỉ đạo xử lý kỷ luật về chính quyền 19 cá nhân; đã chỉ đạo chính quyền các cấp xử lý kỷ luật 13 người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, sai phạm về kinh tế; lãnh đạo xử lý 02 vụ án tham nhũng.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kiểm tra, giám sát 65 cuộc đối với 77 tổ chức. Qua kiểm tra phát hiện, đề nghị thu hồi số tiền 3 tỷ 447 triệu đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 2 tỷ 280 triệu đồng; thi hành kỷ luật 13 đảng viên. Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh uỷ đã kiểm tra 77 cuộc đối với 110 tổ chức đảng và người đứng đầu, kết luận sai phạm 11 tỷ 81 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 8 tỷ 366 triệu đồng và thi hành kỷ luật 23 đảng viên.

Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 109 vụ/101 bị can liên quan đến kinh tế, tham nhũng, đã đề nghị truy tố 41 vụ/88 bị can. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố 10 vụ/10 bị can tham nhũng và 99 vụ/91 bị can liên quan tới sai phạm kinh tế. Toà án nhân dân hai cấp đã thụ lý, giải quyết 11 vụ/11 bị cáo tham nhũng; giải quyết 37 vụ/95 bị cáo phạm tội về kinh tế. Tổng giá trị tài sản tham nhũng thu hồi hơn 4 tỷ 873 triệu đồng, đã thu hồi hơn 1 tỷ 822 triệu đồng (đạt 37%).

Đoàn công tác số 7 cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc cần sớm khắc phục trong thời gian tới, đó là: Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện chưa đầy đủ; còn nể nang, né tránh trong phát hiện, xử lý các sai phạm kinh tế, tham nhũng; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án về kinh tế, tham nhũng còn thấp; thu hồi tài sản do tội phạm tham nhũng chiếm đoạt hoặc làm thất thoát chiếm tỷ lệ thấp…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đánh giá báo cáo của Đoàn công tác rất sát với thực tế của địa phương; chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Kon Tum. Các đơn vị cần tiếp thu những ý kiến của Đoàn công tác, qua đó phân tích nguyên nhân của hạn chế một cách cụ thể để đề ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng ở đơn vị, địa phương mình phụ trách.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ghi nhận những kết quả của Tỉnh ủy Kon Tum trong công tác phát hiện, xử lý sai phạm, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo để phát huy quyền giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên trong phát hiện, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, tham nhũng, những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên; tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu để phòng ngừa sai phạm, đừng để có dấu hiệu sai phạm mới tiến hành thanh tra, kiểm tra; quan tâm hơn nữa tới công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo để góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

                                                                                                               Cù Tất Dũng

;
.