Ninh Thuận: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Ba, 06/06/2017, 15:08 [GMT+7]
    Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2020 với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như sau:
 
    1- Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí để xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Kiên quyết xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức. 
 
    2- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị. Có cơ chế, giải pháp bảo vệ các tập thể, cá nhân tố giác, phát hiện, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng tiêu chí văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức; xây dựng và tuân thủ nghiêm quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ. 
 
Hội nghị quán triệt Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)
Hội nghị quán triệt Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)
    3- Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân cụ thể, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Quy định rõ chức trách của từng vị trí công tác, thực hiện quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc lựa chọn, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cấp phó và cán bộ cấp dưới trực tiếp. Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí thuộc lĩnh vực mình quản lý, phụ trách nhưng không phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả.
 
    4- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí. Tập trung kiểm tra, thanh tra đối với một số lĩnh vực trọng điểm như: quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường; đầu tư, mua sắm và quản lý, sử dụng tài sản công; thu, chi ngân sách; tín dụng ngân hàng và công tác cán bộ; các quỹ có nguồn từ ngân sách và các khoản đóng góp của Nhân dân. Nếu có sai phạm thì khẩn trương làm rõ đến đâu xử lý đến đó; nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Những vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý hành chính nghiêm theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để kịp thời tạm giữ, kê biên xử lý tài sản có hiệu quả trong các vụ án tham nhũng kinh tế.
 
    5- Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và cơ quan truyền thông trong việc đấu tranh phát hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tạo điều kiện để Nhân dân chủ động, giám sát, tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có chính sách bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.
 
    6- Tiếp tục kiện toàn bộ máy các cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bổ sung cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, có năng lực, kiên quyết thay thế, điều chuyển cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tham mưu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hà Thanh Long
(Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Thuận)
;
.