Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành kiểm sát

Thứ Hai, 17/04/2017, 13:33 [GMT+7]
    Trong quý I, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án về tham nhũng được Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, chú trọng. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 04 tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 14 vụ/53 bị can; đã phê chuẩn 01 quyết định khởi tố vụ án, 16 quy định khởi tố bị can, 07 lệnh bắt bị can để tạm giam. Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 06 vụ/38 bị can; Viện kiểm sát phải xử lý, giải quyết 08 vụ/40 bị can; đã giải quyết 05 vụ/09 bị can, trong đó truy tố 04 vụ/08 bị can.
 
    Viện kiểm sát tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra tập trung giải quyết các vụ án tham nhũng đang thụ lý, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án thời hạn điều tra kéo dài và trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Tích cực phối hợp với cơ quan điều tra bảo đảm tiến độ điều tra, truy tố đối với 05 vụ án thuộc giai đoạn 2 của vụ Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Sacombank, TPbank, BIDV… và đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ Huỳnh thị Huyền Như và đồng phạm (giai đoạn 2); vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm (giai đoạn 2).
 
 Một Hội nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Một Hội nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
    Đã phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án địa phương đưa ra xét xử 01 vụ/02 bị cáo.
 
    Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giải quyết 05 vụ/15 bị can thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo.
 
    Trong kỳ, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện khởi tố và điều tra 10 vụ/13 bị can về tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
 
    Công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng cơ bản đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Trong kỳ, không có trường hợp nào đình chỉ điều tra vì không phạm tội, không có trường hợp nào truy tố quá hạn hoặc truy tố sai tội danh, không có bị cáo bị tòa án tuyên không phạm tội. Bảo đảm các quyết định của bản án có căn cứ, đúng pháp luật.
 
    Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc báo cáo tiến độ, kết quả xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc; đã xây dựng báo cáo tình hình tội phạm tham nhũng từ năm 2010-2016 và báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
 
    Toàn ngành kiểm sát tiếp tục triển khai, thực hiện các đạo luật mới về tư pháp; tích cực phối hợp với các bộ, ngày xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các quy định pháp luật như: Thông tư hướng dẫn các trường hợp phải trưng cầu giám định trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; thông tư liên tịch hướng dẫn công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tiến hành tố tụng; thông tư liên tịch quy định, hướng dẫn các trường hợp phải trưng cầu giám định trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế… Ngành kiểm sát đã tích cực và tham gia hiệu quả trong công tác xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và  các văn bản khác về tham nhũng, bảo đảm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; khẩn trương xây dựng, hoàn thành hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với quy định mới của pháp luật… Đã tích cực tham gia góp ý xây dựng đề án "bổ sung, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng"; Đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực".
 
    Tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước; kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị; xây dựng và thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của ngành.
                                                                         Thanh Hiếu
;
.