Bình Định: Ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017

Thứ Năm, 16/02/2017, 14:50 [GMT+7]
    UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch (số 03/KH-UBND) về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, theo đó xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, giải pháp quan trọng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các cấp, các ngành. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng.
 
    Kế hoạch cũng yêu cầu gắn công tác phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp”, Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 11-10-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về “Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu về cải cách hành chính và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan nhà nước các cấp”.
 
Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Định kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị
Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Định kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ sở
    Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng phải đồng bộ; thường xuyên, kiên quyết, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó xác định phòng ngừa là chính. Chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. 
 
    Người đứng đầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở phải gương mẫu, liêm khiết, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên phải xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các trường hợp người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.    
 
    Chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tập trung trước hết vào việc xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức thực hiện tốt việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng có liên quan; giữa chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong việc tham gia, giám sát tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và việc xử lý những vụ việc, người có hành vi tham nhũng…
Minh Trang
;
.