Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của tỉnh Nghệ An

Thứ Năm, 29/09/2016, 16:33 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngay khi có Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Kế hoạch hành động, tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện tới các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân (1.529 lớp tập huấn cho 123.000 người). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 07/CTr-TU ngày 07-11-2006 và Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 09-9-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 06 văn bản về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; Quy chế tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
 
    Công tác giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng tập trung vào những lĩnh vực thuộc thẩm quyền, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần đúng quy trình, chủ động, tích cực và đổi mới. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục về công tác phòng, chống tham nhũng, chú trọng đưa tin các hoạt động và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương và một số vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm; đã có sự kết hợp tốt giữa phát hiện của quần chúng với việc đưa tin trên báo chí về hoạt động của các cơ quan chức năng. Qua báo chí, truyền thông, thông tin về phòng, chống tham nhũng được chuyển tải kịp thời, góp phần định hướng dư luận, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2016.
    Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đã thực hiện kiểm tra, giám sát 14.408 lượt tổ chức đảng và 26.178 lượt đảng viên; kết luận 1.672 tổ chức đảng và 4.005 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, trong đó vi phạm phải xử lý kỷ luật 159 tổ chức đảng và 1.812 đảng viên. Ngành thanh tra thực hiện 1.946 cuộc thanh tra hành chính, phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 311 tỷ đồng, kiến nghị, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý hành chính 315 tập thể và 708 cá nhân có sai phạm. Kết quả kiểm tra, giám sát đã giúp các tổ chức đảng phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
 
    Cơ quan điều tra Công an các cấp khởi tố điều tra 92 vụ án/154 bị can về tội tham nhũng; đã truy tố 87 vụ/151 bị can; tài sản thiệt hại hơn 24 tỷ đồng và 7,8 hécta đất; tài sản thu hồi được là 5 tỷ 952 triệu đồng. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý kiểm sát và đã giải quyết 124/124 tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng và đã kiến nghị khởi tố; thụ lý giải quyết 99 vụ/139 bị cáo, đã truy tố chuyển tòa án 91 vụ/161 bị can. Tổng số vụ án Tòa án hai cấp thụ lý giải quyết là 94 vụ/168 bị cáo, trong đó đã xét xử 83 vụ/139 bị cáo. Kết quả thu hồi tài sản và khắc phục sai phạm là 22,9 tỷ/55,8 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 41,1%).
 
    Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, lãng phí đồng thời cho chủ trương, đường lối xử lý. Trong 10 năm, toàn tỉnh đã xử lý 34 người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 21 người, xử lý kỷ luật 13 người.
 
    Đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã thực hiện tiết kiệm được 10% dự toán chi thường xuyên để chi cải cách tiền lương toàn tỉnh là 1.231 tỷ 799 triệu đồng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc xử lý tài sản theo đúng chế độ, định mức, đúng thẩm quyền và điều chuyển tài sản từ nơi thừa sang nơi thiếu, những nơi sử dụng không hiệu quả sang nơi sử dụng hiệu quả hơn; thanh lý tài sản đã thực sự hư hỏng và sử dụng không hiệu quả nhằm thu hồi vốn về cho ngân sách Nhà nước… Công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, tỷ lệ giảm sau khi thẩm tra trong 10 năm là 4,2%. Khối doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh được 1.142 tỷ 696 triệu đồng. Cơ chế tự chủ tài chính và biên chế đã góp phần thúc đẩy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chủ động bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp hơn với yêu cầu công việc; thực hiện cải cách hành chính, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. 
 
    Theo đánh giá của Tỉnh ủy, tình hình tham nhũng vẫn xảy ra ở một số lĩnh vực như: quản lý xây dựng, tài nguyên khoáng sản, đất đai, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội; tính tiền phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa coi trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; tự phát hiện tham nhũng, lãng phí còn ít; một số vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí chậm xử lý, giải quyết… 
 
    Tuy còn một số hạn chế nhất định, song công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua cơ bản đạt kết quả nhất định, đó là: Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được triển khai kịp thời, đồng bộ đã hạn chế, không để xảy ra những vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí lớn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã có sự chuyển biến về nhận thức và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện quy tắc ứng xử, giảm bớt tệ phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp, những thay đổi đó đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cù Tất Dũng
;
.