Đối thoại về vai trò của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 12/11/2013, 16:36 [GMT+7]

Sáng 12-11 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, VCCI phối hợp Đại sứ quán với Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề: “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực trong công tác phòng, chống tham nhũng”.

Tham dự buổi Đối thoại có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ quốc tế.

Phát biểu khai mạc phiên Đối thoại, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, tham nhũng, hối lộ trong hoạt động doanh nghiệp có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội trong mọi quốc gia, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật phòng, chống tham nhũng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án Đổi mới doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường, chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hướng tới áp dụng các thông lệ quốc tế cải thiện lòng tin đối với các nhà đầu tư, đổi mới quản lý nhà nước, hỗ trợ cải thiện quản trị doanh nghiệp ...

Hiện tại, Bộ Tư pháp đang chủ trì nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật phòng, chống tham nhũng sang “khu vực tư”, hình sự hóa “hành vi làm giàu bất hợp pháp” hay vấn đề “trách nhiệm hình sự của pháp nhân” để đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội trong lần sửa đổi Bộ luật hình sự sắp tới. Thanh tra Chính phủ đang chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước.

Đại sứ Anh tại Việt Nam Antony Stokes nhấn mạnh, Việt Nam cần phải xác định các biện pháp quyết liệt táo bạo về phòng, chống tham nhũng, cho phép báo chí thông tin một cách có trách nhiệm về vấn đề tham nhũng, đồng thời đưa ra những biện pháp mang tính chất đột phá để giải quyết tham nhũng trong ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Đại sứ cũng đánh giá cao sự hợp tác và giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư Quốc tế phát triển tại Việt Nam.

Phát biểu tại phiên Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp giữ vị trí quan trọng. Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) từ năm 2006 và hiện đang tích cực  đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng như nhiều tổ chức thương mại tự do khác. Chính vì vậy, Việt Nam nhận thức rõ rằng phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của Việt Nam, mà còn là yêu cầu của các nhà tài trợ và là nội dung quan trọng trong các hợp tác kinh tế đa phương.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước, Phó Thủ tướng cho biết trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã giành sự quan tâm lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Năm 2012, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng và ban hành nhiều thể chế về phòng, chống tham nhũng.

Trong phiên Đối thoại, các đại biểu cũng đưa ra các câu hỏi và có một số đề xuất kiến nghị như mở rộng đối tượng điều chỉnh của pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với khu vực tư nhân; tăng cường chế tài xử lý đối với doanh nghiệp sử dụng biện pháp “đưa hối lộ”; tiếp tục nghiên cứu khách quan và rõ ràng hơn về “nhóm lợi ích” nhằm hạn chế tiêu cực gây thiệt hại cho xã hội; xây dựng bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, cam kết thực hiện đạo đức kinh doanh nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, không tham nhũng.

Phát biểu tại buổi Đối thoại, các đại biểu quốc tế, các nhà tài trợ quốc tế đều ủng hộ quyết tâm đẩy lùi phòng, chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, đồng thời các ý kiến đều cho rằng khung pháp lý phòng, chống tham nhũng hiện nay đã khá hoàn thiện vấn đề là quyết tâm thực hiện đến cùng.

Kết thúc phiên Đối thoại Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn chào đón, mong muốn làm hết sức mình để các doanh nghiệp FDI tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính, gặt hái được nhiều thành công trong đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

                                                                         Đăng Linh

 

;
.