Ủy ban Tư pháp họp với các cơ quan Trung ương về chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng chức vụ

Thứ Sáu, 30/08/2013, 10:36 [GMT+7]

Ngày 29-8-2013, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã họp với các cơ quan Trung ương (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) về Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng chức vụ.

Các ý kiến tại Phiên họp cho rằng, tham nhũng đang là vấn đề nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều địa phương và trên nhiều lĩnh vực. Việc phát hiện và xử lý mặc dù được quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác phát hiện chưa đạt kết quả cao; việc tự phát hiện của cơ quan, tổ chức, đơn vị các địa phương qua công tác quản lý cán bộ, kiểm tra, thanh tra, phê bình và tự phê bình còn hạn chế. Theo số liệu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ ngày 1-10-2010 đến ngày 30-4-2013, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện, khởi tố 690 vụ/1.586 bị can tham nhũng... 

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo tại phiên họp
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo tại phiên họp

Đại diện các cơ quan Trung ương kiến nghị, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương; tăng cường sự phối hợp trong công tác ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó có các quy định của pháp luật hình sự về các tội tham nhũng, chức vụ; hoàn thiện những chế định, quy định liên quan đến cơ chế kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ở các ngành, các cấp... Đồng thời, cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức trong việc kiểm tra, giám sát cán bộ, nhân viên, viên chức các cơ quan, nhất là đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Đoàn giám sát ghi nhận những cố gắng của các cơ quan Trung ương trong việc chấp hành pháp luật xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ; đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Hình sự đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ; các cấp ủy Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ và nhân dân tại các địa phương, đơn vị; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng được nêu trong báo cáo giám sát; xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện, hoặc thực hiện chưa tốt trách nhiệm của mình trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; tăng cường có hiệu quả công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, hạn chế tối đa việc miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, áp dụng dưới khung hình phạt luật định, việc cho hưởng án treo, cảnh cáo và cải tạo không giam giữ.

                                                                                           Ngọc Hiên

;
.