Thái Bình: Công khai, minh bạch trong tuyển chọn cán bộ, công chức

Thứ Hai, 26/08/2013, 10:33 [GMT+7]

Năm 2013, công tác tuyển chọn cán bộ, công chức của tỉnh Thái Bình có nhiều đổi mới mang tính đột phá. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thi tuyển công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị trấn, phường, xã, năm nay cũng là năm đầu tiên Thái Bình thực hiện thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và Tiểu học. Đây cũng là một trong những nội dung nhằm từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

* Cạnh tranh công bằng, minh bạch

Năm 2012, sau khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo thí điểm thi tuyển công chức khối cơ quan Ðảng và đoàn thể với tổng số 48 chỉ tiêu. Kỳ thi được dư luận đánh giá cao vì đã tạo ra được một cơ chế cạnh tranh công bằng, minh bạch và lành mạnh. Trong tất cả các môn thi đều không thấy có hiện tượng "quay cóp" bài hay có thí sinh nào được “ưu tiên”.

Thi tuyển công chức theo hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính (Ảnh mang tính minh họa)
Thi tuyển công chức theo hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính (Ảnh mang tính minh họa)

Chị Lê Hải Yến (sinh năm 1990) quê ở huyện Hưng Hà, sinh ra trong gia đình nông dân và là một trong những người thuộc lớp đầu tiên tham gia kỳ thi tuyển công chức của tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2012, qua các phương tiện thông tin đại chúng chị được biết tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức kỳ thi tuyển công chức và chị đã nộp hồ sơ dự thi vào Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sau hai ngày căng thẳng với 5 môn thi, chị đã vượt qua nhiều ứng cử viên khác và trúng tuyển. Ở vị trí công việc mới, với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, kết hợp với sự nhanh nhẹn của sức trẻ và sự hướng dẫn của các anh, chị đồng nghiệp trong cơ quan, chị Yến đã nhanh chóng “bắt kịp” công việc và được đánh giá là một cán bộ trẻ có năng lực.

Từ những thành công của việc thực hiện thí điểm thi tuyển công chức khối cơ quan Đảng, năm 2013 Tỉnh ủy Thái Bình tiếp tục thực hiện thi tuyển công chức từ tỉnh đến huyện, xã với 830 chỉ tiêu.

Theo ông Đặng Trọng Thăng - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình, việc thực hiện tuyển chọn công chức bằng hình thức thi tuyển đã khắc phục được vấn đề cơ bản nhất hiện nay trong tuyển chọn cán bộ là tình trạng tiêu cực, “con ông cháu cha”, ảnh hưởng đến chất lượng “đầu vào”. Những năm trước đây trong khối cơ quan Đảng thường không thu hút được nguồn lực, nhưng năm nay đã có sự chuyển biến rõ rệt. Năm nay dù chỉ có 21 chỉ tiêu cho khối cơ quan Đảng nhưng đã có 239 hồ sơ dự thi, trong đó có 29 hồ sơ tốt nghiệp đại học loại giỏi và nếu chỉ lấy bằng giỏi thì tỷ lệ cạnh tranh giữa các thí sinh đã là 1/1,07.

Như vậy, với việc công khai, minh bạch từ khâu công bố các chỉ tiêu trên mọi phương tiện thông tin của tỉnh, đến tổ chức thi nhiều vòng gắt gao và công khai kết quả sẽ giúp quá trình “việc tìm người”, “người tìm việc” được thuận lợi hơn, bảo đảm tuyển chọn được những người có năng lực thực sự vào vị trí công việc thích hợp.

* Nhiều điểm mới trong công tác tuyển chọn cán bộ, công chức

Năm 2013, việc thi tuyển công chức ở Thái Bình được mở rộng đến tận cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn được coi là một điểm mới, nhân rộng từ mô hình thí điểm thi tuyển công chức khối cơ quan Đảng được thực hiện năm 2012. Ông Thăng cho biết thêm, nếu thành công, tỉnh Thái Bình sẽ bớt được rất nhiều thời gian và chi phí đào tạo lại cán bộ xã, phường, thị trấn sau này, vì đã tuyển chọn chất lượng ngay từ “đầu vào”.

Một nét mới trong công tác tuyển chọn cán bộ năm 2013 phải kể đến là lần đầu tiên tỉnh Thái Bình sẽ tiến hành thi tuyển đối với chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó của các trường phổ thông trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có 29 trường THPT công lập, 293 trường THCS và 271 trường tiểu học. Những năm trước đây, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trường THPT do Sở Giáo dục - Đào tạo thực hiện, khối trường tiểu học và THCS do huyện, thành phố thực hiện và chủ yếu là bổ nhiệm từ nguồn tại chỗ.

Với việc thực hiện thi tuyển lần này, đối tượng dự thi sẽ phải qua vòng lấy phiếu tín nhiệm của tập thể cán bộ công chức, cấp ủy và ban giám hiệu nhà trường nơi công tác. Sau đó thi ba nội dung: thi nhận thức chung về công tác Đảng trong trường học, quản lý nhà nước về giáo dục, trường học; bảo vệ chương trình hành động xây dựng, phát triển tại cơ sở và tại hội đồng tuyển dụng.

Theo ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Bình, việc thi tuyển sẽ khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế của việc bổ nhiệm nguồn tại chỗ như trước đây. Cụ thể, chất lượng cán bộ nguồn của từng trường khác nhau, nếu bổ nhiệm tại chỗ không qua thi tuyển sẽ dẫn đến khó tìm được cán bộ lãnh đạo, quản lý có tiêu chuẩn tốt hơn, nhất là ở những trường vùng sâu, vùng xa, nguồn cán bộ quy hoạch còn hạn chế. Mặt khác, thực tế hiện nay ở Thái Bình, cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các trường phổ thông hầu hết trong độ tuổi khá trẻ (từ 38 đến 45 tuổi), thời gian công tác còn khá dài, trong khi đó theo quy định cán bộ sau 2 nhiệm kỳ công tác sẽ phải luân chuyển. Việc tổ chức thi tuyển sẽ tạo điều kiện cho cán bộ quản lý được thay đổi vị trí quản lý, đồng thời khắc phục những điểm khó của việc luân chuyển cán bộ.

Năm 2013, Tỉnh ủy Thái Bình xác định là “năm công tác cán bộ” trong đó công tác tuyển chọn cán bộ công chức được ưu tiên hàng đầu. Ngày 31-8, hơn 2.000 ứng cử viên cho 830 chỉ tiêu sẽ cùng thi tài. Con số này phần nào cho thấy “sức hút” của những vị trí cần tuyển dụng và mở ra cơ hội lựa chọn được những người có năng lực để phân bổ công tác, bảo đảm “đúng người, đúng việc”.

(Theo TTXVN)

;
.